Bảo tồn, phát triển văn hóa ẩm thực dân tộc
Thời gian qua, các xã miền núi của Hà Nội tích cực khôi phục, bảo tồn văn hóa ẩm thực dân tộc Mường, Dao. Nhiều địa phương đã đưa những món ẩm thực dân tộc đặc sắc vào các khu, điểm du lịch để giới thiệu với du khách, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc sắc ẩm thực dân tộc thiểu số
Là xã miền núi nằm phía tây nam của huyện Thạch Thất, Tiến Xuân có hai dân tộc chính là Kinh, Mường cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 68,6%. Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Tuân cho biết: Những năm qua, cán bộ, nhân dân xã Tiến Xuân luôn xác định công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và tập trung xây dựng nhiều mô hình nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từ dịp đầu xuân Quý Mão 2023, xã Tiến Xuân tổ chức "Ngày hội văn hóa dân tộc Mường xã Tiến Xuân”, thu hút hơn 5.000 người tham gia thi các môn thể thao, trình diễn trang phục nữ dân tộc Mường, giao lưu văn nghệ, đồng diễn chiêng Mường... Một trong những nét đặc sắc của ngày hội là hội thi ẩm thực dân tộc Mường. Bảy thôn và Trường Mầm non xã Tiến Xuân cử đội tham gia thi, mỗi đội nấu
từ 30 đến 70 món ăn của dân tộc Mường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc chia sẻ: Năm 2023 là năm đầu tiên xã tổ chức thi ẩm thực dân tộc Mường. Những món ăn mang tới hội thi chỉ có ở vùng núi, có theo mùa, là sản vật địa phương và do bản thân người dân tộc Mường lưu truyền từ đời này sang đời khác, thậm chí có những món ăn nhiều người chưa từng biết. Ví như món rau rừng đồ, gồm các loại rau rừng, cũng là những vị thuốc tốt cho sức khỏe, được gói vào lá chuối, đồ lên, ăn rất ngon. Hoặc món bánh ốc, bánh uôi, món măng chua nấu thịt gà với hạt dổi, chả trứng kiến rừng phải vào dịp đầu năm mới có...
Đáng chú ý, "Ngày hội văn hóa dân tộc Mường xã Tiến Xuân" đã được đưa vào Nghị quyết của Hội nghị đại biểu nhân dân xã năm 2023, ấn định thời gian diễn ra trong các ngày 17 - 18 tháng Giêng hằng năm. Tiếp nối thành công, dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, ngày hội được đông đảo nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng, thu hút nhiều du khách đến tham dự, góp phần khơi dậy, lưu giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường.
Cũng với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) tổ chức Hội xuân - ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ẩm thực các dân tộc vào dịp đầu năm 2024. Hội xuân có gian trưng bày những món ăn lạ, đặc sắc của dân tộc Mường Yên Trung, điển hình như da trâu muối chua, cá tồ (rau đồ cá suối), cơm bởi rởi, rượu sim, lợn quay với lá móc mật... Chị Hoàng Thị Yến ở thôn Đầm Bối (xã Yên Trung) chia sẻ: Món cá tồ được làm từ cá bắt ở suối, là cá tày khày và tôm rong. Cá, tôm được đồ cùng các loại rau thơm, hành, tàu au, lá sung, hạt dổi giã nhỏ..., nêm gia vị vừa đủ. Thành phẩm cá tồ có vị ngọt tự nhiên. Đây cũng là món ăn hằng ngày của người dân
Yên Trung.
Ông Quách Đình Khoa ở thôn Luồng Lặt (xã Yên Trung) hào hứng cho biết: Để làm được món da trâu muối chua ngon, phải chọn con trâu từ 3 - 5 tuổi, béo, khỏe. Da trâu được lột và đem thui, sau đó ngâm trong nước suối nửa ngày rồi rửa sạch, thái mỏng vừa ăn, ướp trộn gia vị là hạt mắc khén giã nhỏ, ớt và cho vào lọ thủy tinh. Tiếp đó lấy nước măng chua (măng được ngâm nước 3 tháng cho hết mùi he, sau đó đun kỹ, để nguội, lọc lấy phần nước trong) đổ vào lọ, ngập da trâu. Ngâm sau 3 ngày là ăn được.
Trong khi đó, mâm cỗ lá - ẩm thực dân tộc Mường ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) được người dân lưu truyền và được sử dụng không chỉ trong những ngày lễ, tết, khi gia đình sum họp, mà cả trong đời sống thường nhật, tùy theo nhu cầu mà số lượng món ăn trên mâm ít, nhiều. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Cỗ lá của người Mường ở Vân Hòa được bày trên mẹt lót lá chuối với các món cơm lam hoặc xôi gói lá dong, lòng lợn, thịt ba chỉ lợn thái con chì, canh xương nấu thân cây chuối, rau đồ (gồm các loại lá rau thập cẩm như lá đu đủ non, rau sắn, hoa chuối, rau rừng), cá suối đồ, bánh cắp nặp (là loại bánh được làm từ bột gạo nếp nhân đỗ xanh, gói bằng lá chuối rồi đồ lên), hoặc bánh ốc (bánh được làm từ gạo nếp trộn đỗ xanh hoặc đỗ đen, nhân thịt, gói bằng lá cây chít - lá ngả, rồi luộc lên).
Tương tự, ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi có hơn 94% là người dân tộc Dao sinh sống, cũng có nhiều món ăn đậm đà bản sắc dân tộc mà chỉ khi du khách đến nơi đây mới được thưởng thức. Cũng bởi xã Ba Vì nổi tiếng với nghề thuốc nam nên trong các món ăn đều có thêm những vị thuốc tốt cho sức khỏe. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong cho biết: Người dân tộc Dao xã Ba Vì có những món ăn đặc sản, bí truyền như gà nấu bỗng rượu, cá kho măng chua, gà hầm ngải cứu, rau bồ công anh nấu canh, hoa chuối rừng xào với lá đu đủ, cỗ lá, bánh giầy...
Đưa ẩm thực đến với du lịch
Nhiều địa phương như xã Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì), xã Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), xã An Phú (huyện Mỹ Đức)... đã đưa ẩm thực của dân tộc Mường, Dao vào danh sách món ăn phục vụ du khách. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Trong nhiều năm qua, hơn 60 homestay và các điểm du lịch trên địa bàn xã như Thiên Sơn - Suối Ngà, Khoang Xanh - Suối Tiên, Tản Đà Resort, Paragon Resort, trang trại Đồng Quê... đã giới thiệu với hàng trăm lượt đoàn khách biết đến mâm cỗ lá của người dân tộc Mường.
Anh Lê Việt Dũng ở phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) cho biết, từng đi tham quan nhiều nơi ở Hà Nội, được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của người dân tộc, trong đó rất ấn tượng với mâm cỗ lá của người dân tộc Mường xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), của người dân tộc Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Theo anh Dũng, món cỗ lá của người dân tộc Dao Ba Vì khá thú vị; toàn bộ món ăn đều là thịt lợn luộc, bày trên mẹt lá, lớp dưới cùng là thịt mỡ thái mỏng, lớp trên là thịt nạc, tiếp đến là lòng, gan lợn, rau..., nước chấm là nước luộc thịt pha với muối rang, nêm thêm ớt tươi. Mâm cỗ lá của người Dao dành cho 7 người, các món ăn khác có thể nhiều, nhưng riêng món gan bày đủ mỗi người một miếng.
Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) Đinh Công Tuân cho rằng, việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân xã Tiến Xuân. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã có hàng chục khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà hàng... góp phần quảng bá những sản vật, ẩm thực dân tộc đặc sắc tới du khách.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, tại các xã miền núi của huyện, ẩm thực dân tộc Mường, Dao đã và đang được nhiều khách du lịch ưa chuộng, biết đến. Đây cũng là lợi thế để người dân địa phương phát huy tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời cũng là cách gìn giữ, lưu truyền và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với bạn bè, các dân tộc anh em và khách du lịch...