Hà Nội 360

Về vùng đất “cô gái Suối Hai” năm xưa

Kim Nhuệ {Ngày xuất bản}

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ huyện Ba Vì đã phối hợp bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, lập nên những chiến công xuất sắc.

Trong chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của những nữ dân quân xã Thụy An, những “cô gái Suối Hai”…

ba-loan.jpg
Bà Vũ Thị Loan và chồng - ông Phùng Văn Bảy hồi tưởng những trận đánh bảo vệ trận địa và đập hồ Suối Hai (huyện Ba Vì).

Ký ức hào hùng

Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng các bà Vũ Thị Loan, Vũ Thị Lụa, Trần Thị Lệ ở huyện Ba Vì vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Theo các bà, những năm 1965-1968, đàn ông trong xã tòng quân gần hết. Ở địa phương khi đó hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, năm 1965, huyện Ba Vì đã thành lập Trung đội dân quân xã Thụy An mà nòng cốt là phụ nữ tuổi mười tám đôi mươi, chưa lập gia đình.

Trong 7 ngày (từ 24 đến 30-7-1965), đế quốc Mỹ liên tục dùng máy bay ném bom hòng phá hoại đập hồ Suối Hai (công trình thủy lợi quan trọng được xây dựng năm 1958; Bác Hồ về thăm ngày 15-4-1964). Trong những ngày này, nữ dân quân xã Thụy An đã dũng cảm vượt từ quả đồi này sang quả đồi khác tiếp đạn, gánh nước phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu. Tiểu đội súng 20mm do bà Vũ Thị Loan làm Tiểu đội trưởng còn trực tiếp cầm súng nhằm thẳng vào máy bay của Mỹ...

“Ngày 24-7-1965, trên bầu trời huyện Ba Vì xuất hiện nhiều tốp máy bay địch. Được lệnh từ cấp trên, chúng tôi đồng loạt nổ súng. Gặp lưới lửa phòng không dày đặc của ta, máy bay địch không có cơ hội bổ nhào, hạ thấp độ cao để cắt bom. Chúng phải lượn lên cao, đúng vào tầm bắn của tên lửa. Sau những tiếng nổ vang trời, chúng tôi nhìn thấy máy bay của địch bị tên lửa tiêu diệt. Một phi công Mỹ nhảy dù xuống phía Bắc đồi Yên Khoái cũng bị ta bắt sống. Sau đó 3 ngày, nhiều tốp máy bay cường kích bất ngờ đến đánh phá ác liệt vào khu vực hồ Suối Hai. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị phòng không của bộ đội chủ lực kiên cường đánh trả và bắt thêm các máy bay của Mỹ phải đền tội ác...”, bà Vũ Thị Loan nhớ lại.

Còn bà Vũ Thị Lụa kể: Trong những phút cam go ác liệt, bà Vũ Thị Loan không rời vị trí chiến đấu. Dưới làn bom, đạn ác liệt, bà Vũ Thị Loan cùng lực lượng dân quân vượt hồ Suối Hai bắt sống giặc lái nhảy dù xuống phía Bắc đồi Yên Khoái.

Với nhiều chiến công, bà Vũ Thị Loan đã được cấp trên cử đi báo cáo điển hình toàn miền Bắc trong phong trào thi đua “Giết giặc lập công”. Từ đó, hình ảnh “cô gái Suối Hai” trở thành biểu tượng của lòng thủy chung, can đảm, ý chí quyết thắng và đi vào nhạc phẩm “Hà Tây quê lụa” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Nguyễn Tuân (tức nhạc sĩ Nhật Lai).

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ba Vì luôn là một trong những trọng điểm bắn phá của địch. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện đã sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực viết thêm nhiều bài ca chiến thắng. Hình ảnh "cô gái Suối Hai" đã trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm không chỉ của phụ nữ xã Thụy An, mà còn là của nhân dân huyện Ba Vì. Tính riêng giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Ba Vì có 19.457 thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Thời kỳ này, huyện Ba Vì đã có 4.662 người con hy sinh được công nhận là liệt sĩ, 3.450 thương binh...

Tổng cộng, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Ba Vì đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt 9 máy bay chiến đấu của địch. Ghi nhận những cống hiến này, Đảng và Nhà nước đã tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, 22 xã của huyện được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”...

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì bước vào thời kỳ đổi mới lại bắt tay vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Thượng tá Đào Tuấn Hưng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Vì cho biết, nhiều năm qua, huyện Ba Vì luôn dẫn đầu thành phố Hà Nội về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Năm 2024, huyện Ba Vì có 246 thanh niên tiêu biểu, đại diện cho hơn 12.000 thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…

Bên cạnh đó, Ba Vì đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp. Đến thời điểm này, 30/30 xã của Ba Vì đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 có từ 10 đến 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đạt 75-80 triệu đồng/người/năm…

Ôn lại lịch sử, truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì thêm tự hào, tin tưởng vào tương lai tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực sự là “áo giáp chở che Thủ đô ngàn năm bền vững”…

Kim Nhuệ