Hà Nội 360

Hàng mỹ nghệ Thụy Ứng "đi Tây"

Nguyễn Mai {Ngày xuất bản}

Nhờ hàng thủ công mỹ nghệ từ xương, sừng, trai, ốc..., làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) như "lột xác"...

thuy-ung-4(1).jpeg
Anh Lê Văn Thùy, chủ một cơ sở sản xuất ở Thụy Ứng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc từ trai và ốc. Ảnh: Mai Nguyễn

Làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) từ lâu nổi tiếng với nghề làm lược sừng trâu, bò... Người người làm nghề, nhà nhà làm nghề, cả làng như một công xưởng lớn. Những chiếc vòng tay, vòng cổ, hoa tai, thìa, dĩa; những hình con thú ngộ nghĩnh bằng xương, sừng, trai, ốc… thiết kế tinh xảo, kiểu dáng sang trọng của Thụy Ứng đã chinh phục thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.

Anh Lê Văn Thùy, chủ xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Thụy Ứng cho biết, gia đình anh chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ từ trai, ốc. Sản phẩm gia công theo mẫu của các đối tác Nhật Bản…

“Trước kia, tôi chỉ sản xuất hàng lược sừng như bao gia đình trong làng. Năm 1995, có đoàn khách người Nhật Bản tham quan làng nghề và đặt hàng, tôi sản xuất từ đó đến nay. Hiện, gia đình tôi đang sản xuất khoảng 2.000 mã hàng cho khách hàng Nhật Bản. Ngoài thực hiện theo mẫu của đối tác, chúng tôi cũng không ngừng thay đổi kiểu dáng, phù hợp xu thế tiêu dùng hiện đại. Ví như với chiếc lược, thoát khỏi kiểu dáng quen thuộc đơn điệu thường thấy, sản phẩm lược làm theo thiết kế của khách hàng Nhật Bản có sự tinh tế, mềm mại, thanh lịch” - anh Thùy chia sẻ.

thuy-ung-2.jpeg
Sản phẩm gác đũa xuất sang thị trường Nhật Bản, do hộ anh Lê Văn Thùy sản xuất. Ảnh: Mai Nguyễn

Bà Nguyễn Thị Lanh, Chủ doanh nghiệp sản xuất đồ mỹ nghệ bằng sừng trâu, sừng bò ở Thụy Ứng cho biết, đơn vị đang có hơn 30 lao động chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ sừng. Toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu.

“Chúng tôi sản xuất theo mẫu mã khách hàng đặt. Hiện có hàng nghìn mẫu mã sản phẩm các loại. Với kinh nghiệm sản xuất, chỉ cần nhìn mẫu qua ảnh là người thợ Thụy Ứng có thể thao tác sản phẩm đúng yêu cầu của khách hàng”.

thuy-ung-3.jpeg
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho làng nghề Thụy Ứng. Ảnh: Mai Nguyễn

Nói về nghề truyền thống của quê hương, Phó Chủ tịch Hội làng nghề lược sừng Thụy Ứng Lê Thị Thuận tự hào cho biết, nghề của làng có từ hơn 400 năm trước. Trong những năm gần đây, nghề phát triển mạnh mẽ với nguyên liệu chủ yếu là xương, sừng, trai, ốc... Đặc biệt, khoa học kỹ thuật phát triển nên các gia đình đều đầu tư máy móc trong sản xuất, sản phẩm bóng đẹp, tinh xảo hơn và số lượng lớn hơn…

Theo bà Thuận, trước kia, làng sản xuất lược là chính. Những năm gần đây, người Thụy Ứng phát triển đa dạng với hơn 1 triệu sản phẩm, trong đó chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức. Từ nghề chế tác sừng, trai, ốc..., đời sống của người dân Thụy Ứng ngày càng sung túc, thậm chí cao hơn so với một số làng nghề mây tre đan, nghề ở các làng lân cận…

“Gia đình tôi cũng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Năm vừa qua, tôi đã chủ động chọn sản phẩm đăng dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP của thành phố. Qua chương trình, tôi được giúp đỡ cải tiến về mẫu mã, quảng bá sản phẩm… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Từ khi sản phẩm được chứng nhận, doanh số bán hàng tăng hơn” - bà Thuận phấn khởi.

thuy-ung-1.jpg
Lược sừng là sản phẩm đặc trưng ở làng nghề Thụy Ứng. Ảnh: Lê Thuận

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Việt Hùng thông tin: Thôn Thụy Ứng có hơn 1.000 hộ dân, trong đó có tới 90% hộ có nghề chế tác xương sừng. Ước tính mỗi năm, làng nghề mang lại giá trị 250-260 tỷ đồng, gần 90% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Ở Thụy Ứng, những gia đình có vốn lớn, có thị trường đều thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Với những gia đình có ít vốn thì nhận hàng về làm gia công với mức thu nhập 200-500 nghìn đồng/ngày/người...

Cũng theo ông Hùng, mặc dù nghề đã có bước phát triển lớn nhưng người làng nghề hiện vẫn chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các hộ sản xuất trong làng mong muốn được tạo điều kiện tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới nhiều hơn. Đặc biệt, địa phương mong muốn được hỗ trợ đẩy nhanh xây dựng điểm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư, tạo thuận lợi cho làng nghề phát triển, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Nguyễn Mai