Xưa và nay

Mùa hoa sấu

Vũ Công Chiến {Ngày xuất bản}

Khi hầu hết những loại cây ăn quả khác đã nở hoa ngay lúc vào xuân, thì phải tới lúc đã có tràn trề nắng ấm báo hiệu chuẩn bị sang hè, hoa sấu mới nở. Những chiếc lá vàng rụng xuống để lộ trên đầu ngọn, đầu cành những chùm hoa sấu màu trắng xanh mươn mướt. Hoa sấu có mùi thơm thoảng chua nhè nhẹ, từ lâu đã trở thành một phần hồn của người Hà Nội. Dẫu thời gian có đi qua bao lâu chăng nữa, hoa sấu vẫn chiếm trọn một góc trong nỗi nhớ thương của những người Hà Nội xa xứ như một người bạn tri kỷ.

z5434278039458_0a49f7917e5546a420b4a71049fd36c2.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Cây sấu từ lâu đã được coi là một loại cây đặc trưng của đường phố Hà Nội. Do nhiều ưu điểm như cây cao, thân gỗ thẳng, rễ ăn sâu chịu được hạn, ít bị đổ gốc trước mưa bão, tán cây cao và xòe rộng, ít có sâu, lá chỉ rụng theo mùa dễ quét dọn... nên cây sấu đã được người Pháp chọn trồng trên nhiều hè phố Hà Nội từ hơn một thế kỷ trước. Cây sấu được trồng sát nhau thành dãy dài trên hè các tuyến phố như Lê Phụng Hiểu, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, ở đoạn đầu các phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo. Đặc biệt trên tuyến phố đẹp nhất Hà Nội là phố Phan Đình Phùng, cây sấu được trồng thành hàng đôi bên hè số nhà chẵn. Những tán cây như bộ máy điều hòa không khí tự nhiên. Cây đã giúp cho những trưa hè ở Hà Nội bớt chói chang, bớt làm cho người ta có cảm tưởng nắng đến vỡ đầu khi đi mãi dưới trời nắng gắt. Và phố càng trở nên đẹp hơn khi có cây xanh.

Quả sấu còn là một đặc sản của Hà Nội. Quả sấu xanh dùng nấu canh chua, ngâm nước uống giải khát... Quả chín được dùng làm ô mai sấu, làm sấu dầm... Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được nhiều người ưa thích, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ riêng món ô mai sấu cũng đã được làm thành nhiều loại như sấu chua giòn, sấu dầm chua cay, sấu dầm chua mặn, sấu ngọt, sấu ngâm gừng... Người Hà Nội sau năm 1975 vào Nam, khi hè về chỉ mong một gói quà là sấu chín gửi từ Hà Nội vào ăn cho đỡ nhớ.

Cây sấu khó trèo, ngay từ mấy chục năm trước khi tôi còn bé, cây sấu Hà Nội đã là những cây cổ thụ. Nhà ở gần phố Phan Đình Phùng, khi sấu ra quả, tôi cùng đám bạn hay ra dùng dép, dùng gậy ném lấy quả ăn. Sấu xanh ăn rất chua dù đã chấm muối. Tuổi thơ của chúng tôi bị sún răng phần nhiều do ăn sấu và những thứ quả chua khác chứ không phải do của ngọt vì làm gì có kẹo mà ăn. Đến lúc sấu chín gặp những ngày mưa bão, chúng tôi lại rủ nhau ra đường nhặt sấu chín rụng sau mưa. Người Hà Nội không quên hình ảnh những người công nhân khoác những vòng dây thừng to và chiếc bị cói trèo thu hoạch quả sấu già vào tháng cuối hè. Những ngày ấy chợ Hà Nội nơi nào cũng có hàng bán sấu. Có những nhà mua vài cân về để dành, nhất là sau này khi tủ lạnh đã phổ biến trong các gia đình.

Lớn lên, tuổi thanh niên, nhiều đứa chúng tôi cũng vẫn còn thích trèo cây hái sấu trước khi nhà nước thu hoạch. Cái danh "trèo me trèo sấu" ấy sau này lại thành “niềm tự hào” thể hiện bản lĩnh của trai Hà Nội khi vào lính đi trinh sát phải leo cây cao.

Ngày nay ở rất nhiều phố mới ngoại thành Hà Nội và các tỉnh khác cũng trồng cây sấu. Ưu điểm của loại cây này đã được khẳng định qua nhiều năm tháng, thích hợp để trồng trên hè phố. Nhưng hình như chẳng nơi nào còn cái danh "trèo me trèo sấu" như chúng tôi một thời.

Vũ Công Chiến