Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào" Bánh cốm, ký ức và kỷ niệm của tôi
“Ăn bánh cốm này tôi lại nhớ quê hương”, một du khách đến Hà Nội đã bùi ngùi thốt lên như vậy. Tôi đồng cảm với suy nghĩ ấy vì hiểu cảm giác xa nhà và cả tiếng lòng của những người đã từng thưởng thức thứ quà đặc sản Hà thành này.
Khi lá vàng rơi phủ đầy cửa sổ và vỉa hè cũng là lúc mùa cốm đến. “Cốm làng Vòng, bánh cốm Hàng Than, chưa ăn chưa biết Thủ đô”. Người muốn ăn cốm có thể phải chờ đến mùa. Nhưng bánh cốm giờ đã có quanh năm.
Bánh cốm, dù bề ngoài bóng bẩy nhưng là “mồ hôi chảy ngược vào lòng” của người thợ kỳ công chế biến làm sao giữ nguyên được vị xưa. Tôi là người đã sống 40 năm ở Hà Nội. Một điều tôi có thể khẳng định chắc chắn là hương vị bánh cốm vẫn luôn giữ nguyên như thuở tôi còn là một đứa trẻ háo hức, ngấu nghiến miếng bánh trong tay. Đó là công sức và ân tình các thế hệ người thợ bánh. Bánh cốm “xịn” sẽ thoang thoảng hương hoa bưởi kết hợp với mùi đậu xanh dịu nhẹ. Len lỏi giữa hai mùi ấy là phảng phất mùi dừa.
Cầm chiếc bánh dẻo thơm màu xanh dịu mát trên tay, cắn dè từng miếng nhỏ xíu cho đến khi lộ ra nhân bánh - cảm nhận hương vị miếng bánh mà như tuổi thơ đong đầy tình yêu thương của cha mẹ lại ùa về. Ngày xưa ấy, mẹ cứ có tiền là lại mua vài cái làm quà, thưởng cho con cái. Bánh cốm vẫn là thứ để ăn hương ăn hoa, không ăn được nhiều, nhưng hương vị thơm ngon của nó cứ vương vấn làm người ta phải nhớ.
Thời đi làm hướng dẫn viên giới thiệu vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh và đặc sản của Hà Nội, lúc nào tôi cũng “quảng cáo” rằng bánh cốm là thứ quà đặc sản nhất định phải mang về. Gặp khách du lịch từ khắp nơi đến thăm Hà Nội, mới biết, bánh cốm có tiếng lắm và cũng được nhiều người yêu mến lắm. Khách từ phương Tây sang Việt Nam còn biết bánh cốm vừa là món quà “sang chảnh”, vừa là thức quà “bình dân”. Bánh cốm hút hồn từ trẻ em đến người già, ai cũng ăn được và ai cũng thấy ngon, thấy nhớ.
Có nhiều câu chuyện xung quanh nguồn gốc của bánh cốm, từ dân gian cho đến hiện đại. Theo câu chuyện phổ biến nhất, bánh cốm xuất hiện cách đây gần 200 năm, cụ Trần Thị Luân, tức Trưởng Ái, một người dân của làng Yên Ninh, tổng Yên Thành là người nghĩ ra cách làm bánh cốm. Món bánh này đã phát triển rất nhanh và nổi tiếng khi bán rộng rãi ở chợ Đồng Xuân, sau đó phổ biến ở nhiều nơi tại Hà Nội. Dần dần, bánh cốm trở thành thức quà mang đậm đặc trưng vùng đất Hà thành, để những người con Hà Nội đi xa mỗi lần nhớ quê thì nỗi nhớ lại quyện với gam màu xanh cốm.
Bánh cốm Hà Nội cũng mang nhiều câu chuyện gắn với những thương hiệu khác nhau. Như bánh cốm Nguyên Ninh đã có từ năm 1865 tại số 11 phố Hàng Than do tổ tiên của dòng họ Nguyễn Duy làm ra và đã trải qua 6 thế hệ. Đây cũng là thương hiệu bánh cốm nổi tiếng nhất của Hà Nội, danh tiếng vang xa đến cả quốc tế. Có tuổi trẻ hơn, bánh cốm Bảo Minh ở số 12 Hàng Than cũng có mặt từ năm 2006, được sản xuất kết hợp công nghệ hiện đại cũng được nhiều thực khách đón nhận và mua về làm quà. Ngoài ra còn rất nhiều hiệu bánh cốm khác ở Hàng Than và các nơi khác ở Thủ đô như Nguyên Hương, Ngọc Ninh, An Ninh, Xưa Nay, Nguyên Sinh, Cô Mận…
Mặc dù bây giờ có thể mua và ăn bánh cốm quanh năm, nhưng bánh cốm ăn ngon nhất là vào đúng mùa cốm. Sở dĩ như vậy vì cốm Vòng đạt chất lượng cao nhất khi tháng Tám Âm lịch gần đến. Cách làm ra chiếc bánh cốm vô cùng tinh tế để cho ra hương vị tưởng đơn giản nhưng lại độc nhất vô nhị trong vô vàn thức quà đặc sản ở nước ta. Cốm để làm bánh là cốm già được chọn kỹ để có những hạt chắc, chế biến rồi trộn với nước đem hấp cùng với đường và nước hoa bưởi. Đậu xanh làm nhân phải lựa cẩn thận từ Sơn La, Bắc Giang, hấp chín rồi xay nhuyễn, cho thêm dừa nạo hoặc mứt sen, mứt bí. Thành phẩm khi ra lò phải có hình vuông vức, khi mở ra có hương thơm, ăn vào phải cảm nhận được rõ từng mùi, nhưng vẫn có sự hòa quyện cân bằng.
Hiếm có thứ bánh nào của Hà Nội lại có nhiều công dụng như thế. Để ăn chơi cũng sướng miệng. Đôi khi thấy chễm chệ vị trí sang trọng trong tiệc tùng. Thường xuất hiện nhất trong các lễ quan trọng của đời người đó là đám hỏi, đám cưới... Tất cả có lẽ cũng bởi nó ngon và gần gũi. Bánh cốm giờ đây còn chinh phục cả cảm tình của những người nước ngoài với gu ẩm thực khó tính.
Như nhà văn Thạch Lam đã viết: “Bánh cốm là một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu”. Câu đó vẫn đúng trong thời đại hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ như ngày nay. Bánh cốm vẫn phản chiếu một góc nhỏ bản sắc văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội, lan tỏa một phần hình ảnh, cuộc sống của người Hà thành đến muôn phương.
Một trải nghiệm thú vị với bánh cốm Hà thành chính là mua bánh ở khu vực làng Vòng. Thu man mác gió, thoảng hương cốm dìu dịu khi đến gần làng Vòng. Dù đã đô thị hóa nhưng cứ một đoạn lại thấy người bán cốm bên đường. Ngay cạnh, từng chồng bánh cốm với vỏ xanh đặc trưng thấp thoáng ẩn hiện, dịu dàng và tươi mát. Loáng cái, chồng bánh cốm đã hết veo. Lại thấy người hỏi bánh cốm, cô chủ tít mắt cười nhẹ nhàng bảo: “Hết bánh mất rồi, thôi bác chịu khó ra Hàng Than, đắt hơn tí nhưng cũng ngon lắm”. Khách đáp: “Hàng Than ngon nhưng chẳng hiểu sao tôi thích ăn bánh handmade của cô”.
Không nói ra, nhưng khách biết rằng, giống như nhiều người đã trót để vấn vương hương cốm, trong lớp bánh đặc biệt này có mùi kỷ niệm chiếc bánh mẹ mua cho năm nào.