Hà Nội văn

Xóm Liễu

Lữ Mai {Ngày xuất bản}

Hà Nội và Kha đón Thùy bằng trận mưa như trút nước. Máy bay đáp xuống đường băng lâu hơn thường lệ. Cô sốt ruột dõi mắt qua khe ô cửa đã hạ kín bưng. Lạ thay, lúc kéo va li ra sảnh, vừa trông thấy Kha thì trời bừng nắng, nhanh như chớp mắt. Kha bảo, chẳng có gì lạ, mùa này thường thế.

12(1).jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hai người vốn cùng quê, lớn lên bên nhau, học chung đại học và ngành học. “Thùy ở đây bao lâu?”, giọng Kha ấm áp. “Còn tùy công việc...”, Thùy đáp khẽ. “Tùy công việc hay tình cảm?”, chút hồ nghi lóe lên trong ý nghĩ của Kha, buột thành lời nói. Thùy im lặng.

Kha bình thản xoay vô lăng chở Thùy lòng vòng phố xá. Thùy sốt ruột muốn gặp Tùng nhưng ngại bày tỏ. Gặp nhau chuyến này, hai người dự định chuyện cưới hỏi. Ra trường, Thùy lập nghiệp mãi trong Nam, Tùng công tác ở Hà Nội nên một năm dăm ba bận hai người hẹn nhau du lịch dài ngày ở một nơi nào đó.

Điện thoại báo tin nhắn của Tùng. Anh xin lỗi vì còn dở việc, nhanh nhất sáng mai mới có thể gặp gỡ. Nén hơi thở dài, Thùy thả lỏng người trên xe Kha, thông báo một cách thất vọng: “Thùy rảnh tới sáng mai, thành phố giờ có gì vui?”. Kha huýt sáo, không quên liếc nhìn cô bạn qua gương chiếu hậu.

***

Trong câu chuyện ký ức, đôi bạn nhắc về xóm Liễu. Hồi nhỏ, vào độ đầu đông cỏ cây héo khô, trâu bò đói trơ xương sườn, trẻ làng phải rong trâu từ xóm lên thung Mua. Người già trong vùng luôn nhủ, nhờ mạch nước ngầm ẩn sâu dưới lòng thung mà cỏ cây bốn mùa tươi tốt, lũ trâu không còn cuồng chân chạy khắp bờ này gò nọ mà ngoan hiền cặm cụi gặm cỏ cho tới khi bụng căng tròn hệt quả sim chín. Thùy và Kha men theo hồ nước, đi qua từng gốc bạch đàn trắng soi bóng, tới gần ngôi nhà lợp cọ lúp xúp như cây nấm thì dừng lại nghiêng ngó, thăm dò. Bỗng giọng nói khàn khàn khiến hai đứa trẻ giật nảy mình. “Này các cháu! Có thấy bà lão ở nhà không?”. “Bà lão nào cơ ạ?”, Thùy tròn xoe mắt. “Bà già bói liễu ấy. Ta đến đây đã ba lần rồi mà vẫn không gặp”. “Bói liễu là gì ạ?”, Kha càng ngạc nhiên hơn. “Ôi dào, đúng là trẻ con chẳng biết gì thật!”, người lạ xua tay, quày quả bước đi.

Hai đứa trẻ nhón chân qua hàng hoa pháo đỏ chót, vào thẳng khoảng sân đất rộng thênh, rượi mát. Bao lần thả trâu ở xóm Liễu, chưa bao giờ chúng mò vào ngôi nhà này, cũng chẳng nghe ai nhắc tới bà lão bói liễu. Khoảng sân đất giữa hàng rào hoa pháo có sức hút như thôi miên. Chúng vẽ vời, nhảy lò cò trên đó, tự nhiên như chơi giữa sân nhà mình. Và rồi, đúng khoảnh khắc hai đứa ngước nhìn vào ngôi nhà, bỗng dưng thấy hai ông bà già ngồi trên hai chiếc ghế mây dáng tròn tròn như cái xô con úp ngược. Họ bình thản, mủm mỉm cười hiền lành, như ông tiên bà tiên hiện ra từ truyện cổ tích.

“Chơi mãi đói chưa? Lại đây bà cho ăn bánh sắn”, bà lão chậm rãi cất lời. Không đợi câu đáp, bà đi vào bếp, tấm lưng gầy đã hơi còng. Bánh sắn trộn với nước giã từ lá cây rừng thoảng hương ngai ngái quyện nhân đỗ xanh mướt mịn vo tròn như hạt nhãn tạo nên mùi vị hấp dẫn. Hai đứa trẻ ăn đến no nê mới nhớ chuyện người khách lạ hỏi trò bói liễu. Ông lão nhìn bà lão, bà lại nhìn ra mặt hồ xanh trong mà khẽ lắc đầu: “Rằng đâu phải chuyện tình cờ/ Thà không gặp gỡ khỏi chờ trăm năm”... Dường như, chỉ ông lão hiểu vợ mình đang nói gì.

***

Quán ăn bên hồ trưa hôm ấy chỉ hai người. Có vẻ đó là chốn quen của Kha. Thùy hỏi Kha làm gì sau khi Thùy rời Hà Nội mà sao chưa bao giờ chia sẻ cụ thể. Cô nhớ như in ngày mình đi xa. Trước đó, một chuyện không hay xảy đến. Hương, bạn thân chung phòng trọ với Thùy nằm như con mèo hen, thều thào báo tin đã có thai với Kha. Thùy sững người, rụng rời. “Yên tâm, mình nhất định sẽ tính...”. An ủi Hương nhưng chính Thùy lại khóc.

Thùy quyết định chọn đi xa, không báo với ai. Chẳng hiểu bằng cách nào đó Kha biết, lùi lũi xuất hiện ở bến xe, đưa cho cô gói xôi khúc còn nóng hổi, giọng bần thần: “Ăn đi kẻo đói. Khuya lắm xe mới rời bến”. Lòng Thùy vụn vỡ, mông lung. Kha rít hơi thuốc dài, hỏi vu vơ: “Thùy còn nhớ bà cụ bói liễu bên hồ chứ? Bà ấy từng nhắc tới chuyến đi này”. Trí nhớ cô chập chờn bên gương mặt hồng hào như tỏa ra ánh sáng của bà lão. Nhúng nhành liễu vào bát rượu đầy, vẩy vẩy giữa khoảng không, bà trỏ vào hai đứa nhưng lại nói với riêng ông lão: “Gần rồi xa. Xa rồi gần. Trọn kiếp phân vân”. Thùy ngắt từng bông pháo hoa đỏ ra hút mật. Bà lão nhìn đăm đăm, lời nhẹ tựa gió mây: “Có ngày ắt sống tha hương/ Tình duyên lận đận nhớ thương nghẹn ngào”... Giọng Kha trầm lặng, hòa giữa tiếng ồn ã như vỡ chợ ở bến xe: “Thùy này, mình và Hương không có chuyện gì cả. Điều cô ấy nói không bao giờ xảy ra. Hương yêu đơn phương và ngộ nhận...”. Chuyến xe xa dần, thành phố sau lưng, mọi dồn lắng trong Thùy vỡ òa theo nước mắt.

***

Sau này Thùy mới biết, có rất nhiều người vùng khác tìm đến bà lão nhờ bói liễu. Những nhành liễu ủ rũ, mềm yếu bên hồ được nhúng vào rượu, vẩy tung lên, rồi giọng bà ngâm nga như bà cô vẫn hay lảy Kiều. Trong những ngày tháng đầy bất an nơi đất khách, Thùy luôn nhớ xóm Liễu. Thùy bị cuốn trong nỗi hoang mang và rất nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa cô và Kha, Kha với Hương.

Có lần, Thùy lặng lẽ về Hà Nội, bắt xe về quê rồi tìm đến xóm Liễu. Ông lão nhất định mời ở lại dùng cơm. Cơm dọn trên chiếc mâm gỗ, có canh rau tập tàng, cá kho với măng chua và muối kiến. Muối kiến là món ông lão tự hào mình làm ngon nhất, và chỉ làm cho bà. Bà quen ăn uống khô khan, lưng cơm trắng rắc muối kiến là xong bữa. Ông trao truyền cho cô công thức rất nhiêu khê. Nào phải chọn mùa, lựa ngày, lựa tiết trời mới lấy được kiến. Phải lên núi đẵn cây nọ, cành kia hun khói lấy hương. Giã, trộn, đong, đếm... các nguyên liệu trên núi dưới hồ ngoài vườn đủ cả. Xong xuôi rang giã sẽ ra thứ muối đen đen trắng trắng, vị rất khó tả. Cô nghĩ phần nhiều là vị đắng cay, chỉ nếm chứ chưa bao giờ ăn nổi. Khi Thùy về, bà lão qua đời đã được đôi tháng, đĩa muối kiến vẫn bày riêng ở góc mâm cơm với một chiếc bát sứ và đôi đũa tre tự vót rất nhẵn nhụi.

Sau bữa cơm, ông vừa trò chuyện vừa buông câu trên chiếc thuyền nhỏ. Ông kể rằng, khoảnh khắc bà rời bỏ cuộc đời, ông không báo tin cho ai, chỉ ông bên bà là đủ. “Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, đúng ngày ấy cậu Kha về. Cậu ấy bảo, đang ngủ giữa đêm bỗng nghe liễu gọi. Tiếng gọi ăm ắp gió mưa bão táp. Thì ra, cậu ấy nhạy cảm hơn ta tưởng...”. Câu cá mãi, ông bước lên bờ, trở vào nhà, rót rượu từ chum sành, rượu đổ lênh láng khắp nền nhà, ướt cả đôi tay nhăn nheo, lốm đốm đồi mồi. “Ta lại phải uống với nhau rồi, chẳng nhành liễu nào có thể nhúng vào rượu này được nữa”, giọng ông lão như òa ra đầy nước.

Không lâu sau lần gặp gỡ đó, ông cũng theo bà, nhẹ như giấc mơ của ông tiên, bà tiên, bay từ thung Mua, xóm Liễu đến một nơi khác, khi những đứa trẻ đã lớn lên, đã rời khỏi không gian màu nhiệm.

***

“Mưa âm thầm, gió xô lên mình nặng vai lúc nào/ Áo em, cuốn theo mây chiều, qua vùng trời này thả xuống mưa bay...”, Kha hát, bài hát tự sáng tác thời sinh viên mà ngày ấy chỉ riêng Thùy được nghe trong lần hai đứa lên xóm Liễu. Khi chếnh choáng hơi men Kha mới hát, ấy là lúc Kha nhớ xóm Liễu lắm, nhớ ông bà lão và cô bé ngày xưa... Họ từng ấp iu thứ tình cảm trong veo, chớm nở dưới lòng thung hoang vắng. Có khi, suốt buổi ngồi bên nhau, chẳng ai nói câu gì, bên tai cứ nghe thầm thĩ như lời liễu gọi, đẫm hơi rượu hạ thổ búng vào không gian từng vệt nhớ âm thầm.

Khoảnh khắc Kha ngỏ lời yêu và nắm tay Thùy, Thùy phũ phàng khước từ, lòng thắt lại nhớ tới những lời thủ thỉ gói ghém bí mật của Hương. Giờ thì Hương đã chồng con đề huề, kinh doanh khấm khá. Thùy không truy vấn hay giận hờn chuyện cũ. Cũng chưa bao giờ hỏi cô bạn chung phòng trọ vì sao lại thổ lộ cho mình tình yêu trong tưởng tượng với Kha.

Sau này, nhiều lần Kha về xóm Liễu mà không có Thùy. Thùy đã vào phương Nam như một cuộc trốn tránh. Cô cuốn vào công việc, sau này còn là cuộc phiêu lưu tình ái với Tùng. Gọi phiêu lưu cũng phải, bởi họ còn chưa kịp hiểu hết về nhau, mà hình như cũng chẳng ai có nhu cầu đó. Điều duy nhất khiến cô và Tùng quyết định tính chuyện cưới xin là cả hai đều đã qua tuổi ba mươi nhăm, về cơ bản hợp nhau ăn uống, vui chơi và cả lúc quấn quýt gần kề. Thùy từng ngỏ ý mời Tùng về xóm Liễu, anh hờ hững gạt đi: “Nghe em kể thì nơi đó chẳng có gì ngoài thung lũng vắng và cái lều bỏ không”. Tùng gọi ngôi nhà xinh xắn của ông bà lão theo cách đó. Câu nói nhẹ bẫng, nhưng kéo về ăm ắp hồ nghi.

***

Thùy phát hiện Tùng nói dối, khi Kha đưa cô ghé thăm nhà hàng anh làm ăn chung vốn. Cô và Tùng đã mắt đối mắt, tay anh còn chưa kịp rời khỏi vòng eo cô gái đôi mươi ăn mặc đầy gợi cảm. Chân dung Tùng trước mặt cô đậm chất trác táng, chơi bời. Anh cũng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên khi thấy Thùy đi bên Kha.

Kha tiễn Thùy ra sân bay. Trước lúc mở cửa xe, Kha ân cần với chiếc hộp trên tay: “Em thay đôi giày này đi. Giày cũ gót nhọn và cao quá, mỗi lúc em bước đi, anh cứ nơm nớp sợ em sẽ ngã”. Kha đổi cách xưng hô. Giây phút ấy, Thùy thấy tim mình nhói lên. Chợt nghĩ lan man, chẳng biết chính xác là điều gì đã đẩy họ xa nhau. Hay chính bởi tình cảm và niềm tin trong Thùy thuở ấy không đủ lớn...

Chân Thùy dùng dằng không muốn bước. Mắt cô chập chờn hình bóng thuở ngày xưa. Hai đứa trẻ nhón chân qua hàng hoa pháo đỏ. Và rồi, đúng khoảnh khắc hai đứa ngước lên, bỗng gặp ông bà lão cười hiền lành, nhẹ nhõm...

Lữ Mai