Hà Nội văn

Nhớ một thời đọc báo bảng tin

Nguyễn Trọng Văn {Ngày xuất bản}

Tưởng đã thành ký ức, vậy mà nỗi nhớ về một thời người Hà Nội sáng sớm chăm chú dán mắt vào tấm bảng tin bên hè phố vẫn hiện hữu. Ở đấy, mỗi sáng còn mờ sương đã có người đến mở khóa rồi dán lên tấm bảng tin những tờ báo vừa “ra lò”.

7(1).jpg
Bảng tin Báo Hànộimới thu hút nhiều thế hệ bạn đọc Thủ đô. Ảnh: Vũ Minh

Một sáng sớm, Hà Nội bất chợt mưa rào. Tôi đứng trú mưa trên vỉa hè phố Phan Đình Phùng đợi người em đón về thăm quê, chợt thấy hai người đàn ông đi tới. Hai cụ chừng ngoài bảy mươi tuổi, mặc áo mưa che kín, cùng ghé lại chỗ tôi đứng bởi nơi ấy có mái hiên và gần bảng tin của Báo Quân đội nhân dân. Ban đầu, tôi ngỡ hai cụ chỉ ghé lại để trú mưa hoặc cũng chờ ai đó như tôi. Hóa ra không phải vậy. Một cụ có dáng người thấp bé đứng nghển cổ chăm chú đọc những trang báo mới. Cụ còn lại dáng cao hơn, cẩn thận bỏ mũ, lấy khăn tay lau mặt rồi rút từ trong túi áo ra cái kính và cũng đọc chăm chú. Hai cụ đọc rất lâu, như thể chẳng bỏ sót trang báo nào.

Tôi lại gần hai cụ. Sau khi xin lỗi vì đã cắt ngang, tôi hỏi: “Hai cụ tình cờ hay hẹn nhau cùng đến đọc báo trên bảng tin này vậy ạ?”. Hai cụ ngừng đọc và lịch sự trả lời: “Chúng tôi có hẹn nhau đâu, nhưng ngày nào vào giờ này cũng đến đây đọc báo”. Một cụ cho biết thêm: “Đọc Báo Quân đội nhân dân xong tôi sẽ ra Bờ Hồ để đọc Báo Hànộimới nữa. Hiện những tờ báo mới phát hành dán ở những tấm bảng hộp như thế này hiếm lắm”. Tôi lại hỏi: “Sao hai cụ không tìm mua báo hoặc tới tòa soạn xin một tờ về nhà đọc cho thảnh thơi?”. Cụ cao hơn nói: “Mấy chục năm đọc báo như thế này rồi thành quen. Đi dạo phố buổi sớm mai rồi ghé vào đọc báo có cái thú của nó”.

Trong ký ức của tôi vẫn hiển hiện hình ảnh Hà Nội sau những giờ phút chống trả bom đạn Mỹ, người dân lại kéo nhau ra Bờ Hồ hay đến trụ sở Thông tấn xã Việt Nam để cùng đọc tin chiến thắng. Nhất là vào những ngày tháng 3, tháng 4 năm 1975, sự háo hức đón chờ tin chiến thắng được thông báo trên các bảng tin càng nhiều hơn. Dân ta là thế, người Hà Nội là thế, được tận mắt đọc tin qua những trang báo dán trên các bảng tin luôn là “món ăn tinh thần” hằng ngày.

8(1).jpg
Độc giả đọc báo tại bảng tin Báo Quân đội nhân dân.

Nhớ thời còn đóng quân trên chốt biên giới phía Bắc, mỗi khi tuyến sau cho người gùi lương thực thực phẩm lên tiếp tế bao giờ cũng kèm theo dăm bảy tờ báo. Tuy là báo cũ nhưng với lính chốt thì luôn mới và truyền nhau đọc. Có khi chiến sĩ này đọc trang 1 còn chiến sĩ kia đọc trang 4, có bài đọc phần hai trước rồi mới được đọc phần một. Lại có khi chiến sĩ này ngồi ghế đọc còn chiến sĩ kia ngồi chồm hỗm đọc ké trang sau.

Còn nhớ sau này về Hà Nội làm việc, mỗi sáng sớm đạp xe qua cầu Long Biên, tôi thường dừng xe ngay sát hè đường để mua báo. Đó là những tờ tin tức do Thông tấn xã Việt Nam phát hành. Rồi chiều về lại dừng xe bên bốt Hàng Đậu để tìm mua những tờ báo tuần như Văn nghệ. Cách đây độ mười năm, tôi vẫn đề nghị văn phòng cơ quan đặt mua cho mình mấy tờ báo chính như Nhân Dân, Quân đội nhân dân và Hànộimới. Tôi còn cẩn thận ghim các tờ báo lên thanh gỗ trên tường để lúc nghỉ ngơi gỡ xuống đọc. Cho dù phòng làm việc của tôi có máy tính, có ti vi nhưng tôi vẫn thích đọc báo in hơn. Thói quen này cũng nhiễm vào chuyện đọc thơ bởi tôi quan niệm, đã thưởng thức thơ thì phải đọc bằng mắt chứ không nghe qua đài, ti vi hay người khác đọc. Việc đọc báo cũng như đọc thơ, đều phải được cảm nhận bằng mắt mới ngấm và nhớ lâu. Nghe kiểu thoang thoảng thì đúng là “lời nói gió bay”.

Dạo những năm báo phát hành còn ít, sáng sáng người người chăm chú đọc những trang báo được dán trong bảng tin trên tường tòa soạn hoặc trụ sở Ủy ban nhân dân phường nào đó. Chen mắt đọc nhưng chẳng ai to tiếng mà luôn vui vẻ, nhường nhịn nhau. Trước kia, những hộp bảng gỗ dán báo thường có lưới mắt cáo bảo vệ, nhưng vì lưới mắt cáo đôi khi che mất chữ làm ảnh hưởng đến việc đọc liền mạch, rồi còn bị nước mưa hắt vào làm hỏng báo nữa nên sau này được thay thế bằng kính. Kính che gió thổi bay báo, che mưa hắt vào, lại giúp độc giả đọc dễ dàng hơn.

Mấy thập niên trước, các bảng tin khá phổ biến trên các con phố hoặc trụ sở Ủy ban nhân dân các phường, xã... nhưng nay chỉ còn thấy tại một số tòa soạn báo như Quân đội nhân dân, Nhân Dân và Hànộimới. Đặc biệt, vị trí bảng tin của Báo Hànộimới nay đã trở thành điểm "check in" của nhiều bạn trẻ và du khách khi đến Hà Nội. Nhiều thanh nữ thoải mái tạo dáng, nhiều cặp đôi còn chọn nơi này để chụp ảnh cưới như để lưu lại những ký ức về một Hà Nội xưa...

Nguyễn Trọng Văn