Lối sống

Nơi thắp sáng những ước mơ

Dương Linh {Ngày xuất bản}

Dù đôi mắt bị khiếm khuyết, nhưng 20 thành viên trong Mái ấm Đông Đô không để cuộc đời chìm trong bóng tối.

Họ luôn nỗ lực theo đuổi niềm đam mê, dìu dắt nhau bước ra ánh sáng bằng con đường âm nhạc và lan tỏa những thanh âm tươi đẹp đó đến với mọi người.

mai-am.jpg
Một buổi tập luyện của các thành viên Mái ấm Đông Đô.

Truyền lửa đam mê âm nhạc

Trung tuần tháng 6, phóng viên Báo Hànộimới tìm đến Mái ấm Đông Đô nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội). Vừa bước đến đầu ngõ đã nghe thấy tiếng nhạc vang lên du dương và lôi cuốn. Trên căn gác nhỏ, các thành viên Mái ấm Đông Đô say sưa tập một bài nhạc mới, chuẩn bị cho buổi biểu diễn đang đến gần.

Giải lao giữa buổi tập, thầy giáo Trần Bình Minh (sinh năm 1985, công tác tại Trung ương Hội Người mù Việt Nam) chia sẻ: “Trong quá trình theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và giảng dạy âm nhạc tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), tôi nhận thấy việc phát triển năng khiếu âm nhạc cho người khiếm thị là rất cần thiết. Họ thường có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Với mong muốn giúp người khiếm thị, đặc biệt là các bạn nhỏ, có môi trường tốt để phát huy và nâng cao khả năng âm nhạc của mình, tôi đã thành lập Mái ấm Đông Đô vào năm 2016”.

Thầy Minh nhớ lại, ngày đầu thành lập, Mái ấm có 5 thành viên và hiện nay là 20 thành viên, có tuổi đời từ 9 đến 18 tuổi. Mái ấm chủ yếu đào tạo chơi nhạc cụ trình độ cơ bản cho các bạn khiếm thị có năng khiếu, đam mê âm nhạc và hoàn toàn miễn phí. Từ Mái ấm này, thầy hy vọng sẽ giúp các em theo học âm nhạc chuyên nghiệp, có thể sống được bằng nghề, tự đứng trên đôi chân của mình.

Nguyễn Đức Quân (sinh năm 2006) là một trong những trường hợp như thế. Có người anh em sinh đôi, nhưng Nguyễn Đức Quân không may mắn khi mới chào đời đã bị xuất huyết mắt và khiếm thị. Tuy chưa một lần thấy ánh sáng cuộc đời, nhưng bù lại, Quân có năng khiếu về âm nhạc, chơi được piano và sáo trúc điêu luyện.

Quân hiện là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) và là học sinh năm thứ 5, hệ trung học chuyên nghiệp, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

“Em đã học ở Mái ấm 8 năm. Thầy Minh dạy nhạc miễn phí, còn các anh chị ở Mái ấm luôn quan tâm hỗ trợ chúng em. Lúc nào có bài tập khó ở trên lớp, em lại nhờ thầy Minh và anh Thiện giúp đỡ. Em đang nỗ lực rèn luyện để thi lên bậc đại học như anh Thiện”, gương mặt của Quân toát lên sự lạc quan, yêu đời khi nói về những ước mơ.

Cũng có anh em song sinh, chàng trai khiếm thị Đỗ Trung Minh (sinh năm 2002) ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai kể về quá trình biết đến âm nhạc: “Năm em 8 tuổi, được Hội Người mù của huyện Thanh Oai giới thiệu lên học Trường Nguyễn Đình Chiểu. Em được học thầy Minh từ năm lớp 5. Sang lớp 6, em biết đến Mái ấm Đông Đô. Ở đây, chúng em được sống với đam mê âm nhạc của mình. Bố mẹ em cũng yên tâm. Do nhà xa hơn các bạn, nên em thường xuyên ở lại Mái ấm, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình".

"Có lần em ốm 3 ngày liền, thầy Minh và các anh chị đã chăm sóc em với rất nhiều tình cảm”, chàng trai gày gò, nhưng có giọng hát trầm ấm nhớ lại.

Tham gia Mái ấm Đông Đô 8 năm nay, cô gái Nguyễn Thảo Xuân (sinh năm 2000), với sự dạy dỗ của thầy Minh và nỗ lực của bản thân, đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, bộ môn đàn tranh. Không chỉ vậy, Xuân rất thích học tiếng Anh.

Sau 2 năm học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhờ đạt học bổng Chắp cánh ước mơ, Xuân đã có cơ hội theo học ngành truyền thông tại Trường Đại học RMIT Việt Nam. Xuân bộc bạch: “Thầy Minh đã động viên em lựa chọn hướng đi này. Trước đây, em thiếu tự tin. Ở Mái ấm, em cười nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn và cảm thấy thân thuộc như ở nhà”.

Không chỉ có Minh, Quân, Xuân, các thành viên khác đều có chung cảm nhận Mái ấm Đông Đô như ngôi nhà tuổi thơ, nơi các bạn trưởng thành với đầy ắp tiếng cười. Mỗi thành viên có một hoàn cảnh riêng, nhưng sự đồng cảm là sợi dây bền chặt để các em gắn bó với nhau như một gia đình.

Không ngừng vun đắp ước mơ

Tuy đã và đang chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn trẻ khiếm thị, song trong suốt những năm qua, thầy Trần Bình Minh vẫn luôn đau đáu về thực trạng tài liệu âm nhạc dành cho người khiếm thị gần như không có.

“Đó thực sự là điều thiệt thòi cho sự phát triển âm nhạc chuyên nghiệp của người khiếm thị. Vì vậy, Mái ấm đang triển khai Dự án làm sách âm nhạc cho người khiếm thị theo giáo trình của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Mái ấm đã chuyển đổi được khoảng 20% đầu sách nhạc cần thiết. Ngoài các đầu sách chữ nổi, với các bộ môn có thể chuyển sang định dạng sách Daisy book, chúng tôi sẽ cố gắng chuyển đổi để các bạn học nhạc không còn nỗi lo thiếu sách”, thầy Minh cho biết.

Bên cạnh hoạt động giảng dạy, chuyển đổi sách, thầy Minh cùng các thành viên đã thành lập Câu lạc bộ xẩm Tâm Việt nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm. Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã vinh dự là một trong số các đơn vị đại diện cho Thủ đô Hà Nội có 2 lần tham gia liên hoan hát xẩm tại tỉnh Ninh Bình và đều đạt được giải thưởng cao.

Cùng với đó, được sự đỡ đầu và ủng hộ từ Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Mái ấm Đông Đô thành lập được Ban nhạc "Nắng mới" gồm các thành viên đã và đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp…

“Ước mơ lớn nhất của tôi chính là gây dựng Mái ấm trở thành một mái nhà chung, một gia đình âm nhạc của những người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Năm em học sinh của Mái ấm đang học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam luôn đạt được học bổng, thành tích học tập tốt, đó thực sự là niềm vui lớn, động lực lớn. Tôi sẽ cố gắng đồng hành và hỗ trợ, để các em có thể sống được bằng nghề, tự đứng trên đôi chân của mình”, thầy Minh bày tỏ.

Còn với từng thành viên trong Mái ấm Đông Đô, ai cũng nỗ lực vươn lên. Bỏ lại phía sau những rụt rè, tự ti về thân phận, vượt qua năm thứ 4 học tập tại Trường Đại học RMIT Việt Nam, Nguyễn Thảo Xuân rất vui và phấn khởi chia sẻ: “Em đang học tập chăm chỉ để chuẩn bị thật tốt cho kỳ tốt nghiệp. Sau đó, em sẽ dùng kiến thức đã học để làm truyền thông cho Mái ấm và ban nhạc bằng hình thức song ngữ, giúp Mái ấm ngày càng phát triển”.

Hằng tháng, Trung Minh tự đi xe buýt về thăm bố mẹ và anh trai đôi lần. Năm nay, chàng trai là học sinh lớp 12 của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) và đang làm hồ sơ để thi tuyển vào ngành công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

“Em mong muốn được tiếp bước người thầy của mình. Sau khi học đại học xong, em sẽ tham gia công tác xã hội tại Hội Người mù Việt Nam để giúp đỡ được nhiều hơn những người đồng cảnh ngộ. Em cũng mong muốn được biểu diễn nhiều hơn để khẳng định bản thân và lan tỏa sự nỗ lực, lạc quan tới cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng”, Minh bày tỏ.

Là phụ huynh có con sinh hoạt ở Mái ấm Đông Đô, chị Phan Thị Hương Giang, mẹ của em Nguyễn Đức Quân bày tỏ: “Mái ấm Đông Đô rất tuyệt vời. Thầy giáo lo cho các con như con em của mình, từ học hành đến tìm công việc để các con có thêm kinh nghiệm biểu diễn, có thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ thầy dìu dắt, con tôi ngoan và biết quan tâm tới mọi người. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tôi mừng lắm và hoàn toàn yên tâm gửi gắm con ở đây”.

Vượt lên những bất hạnh, mặc cảm của bản thân, các thành viên Mái ấm Đông Đô đã nỗ lực học tập và cùng hội tụ trong một tập thể luôn ăm ắp tình người. Mong sao những điều tốt đẹp luôn đến với những “nghệ sĩ đặc biệt” của Mái ấm Đông Đô và luôn thắp sáng những ước mơ giản dị, để các bạn tự tin trong hành trình lan tỏa âm nhạc.

Dương Linh