Hà Nội văn

Ký ức căn nhà cũ

Văn Nguyễn {Ngày xuất bản}

Có những buổi sớm như hôm nay, thức dậy vươn mình, thấy ngọn nắng vắt mình qua hiên nhà, tôi lại nhớ nhà cũ của mình ngày thơ bé.

14(1).jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm sâu trong một xóm nghèo. Trước mặt nhà nhìn ra là cánh đồng lúa bát ngát. Mùa lúa chín, sắc vàng dàn trải mênh mông, khắp cánh đồng rì rào trong gió chiều ngày hạ.

Thuở nhỏ, tôi thường nằm trước nhà, bên gốc cây khế chua, nhìn ra cánh đồng lúa, ngắm mấy con cò tự do chao nghiêng đôi cánh trên thảm lúa vàng ươm của đất trời.

Những buổi trưa trốn ngủ, anh em tôi trèo lên cây khế, những cành cây phiêu dao trong ngọn gió hiu hiu. Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên cành vừa nói những câu chuyện không đầu không cuối, vừa hái khế ăn. Khế chua đến nhăn mặt, nhưng hình như, trẻ con ăn gì cũng thấy ngon, sống ở đâu có tình thương đều thấy hạnh phúc. Những buổi trưa ấy, nụ cười thơ ngây làm tan biến cái nóng như rang của mùa hạ.

Nhà cũ của tôi ở cuối xóm, đi thêm một quãng ngắn là đến chợ xép. Gọi là chợ chứ thực ra chỉ là người quanh làng tụ họp lại, trao đổi bán mua trong khoảng chốc lát buổi sáng sớm mà thôi. Nhưng thế cũng là “thiên đường” với những đứa trẻ quê như chúng tôi khi được theo chân mẹ ra chợ, nỉ non xin mẹ mua cho vài chiếc kẹo giữa thanh âm náo nhiệt đặc trưng của chợ làng. Mấy tiếng lao xao trả giá vội vàng để ra đồng kẻo nắng lên đứng bóng. Mấy lời mời chân tình và thật thà của người bán…

Ngày ấy, tôi vẫn thường xin mẹ một ít tiền lẻ để chạy tới chợ mua quà vặt. Đứng nấn ná trước tiệm tạp hóa ngay chợ mà bối rối không biết mua gì. Món gì cũng muốn mua, món gì cũng thấy thèm được ăn, mà tiền được mẹ cho thì thật ít. Sau này, lớn lên, đi khắp nẻo đường đất nước, dạo quanh bao nhiêu ngôi chợ, nếm nhiều món ăn ngon mà nhiều phút giây bất chợt nào đó lại thẫn thờ nhớ quá ngôi chợ quê.

Mẹ tôi là thợ may, thế nên nhà ở cũng là tiệm may của mẹ. Cứ chuẩn bị đón Tết hay gần đến mùa nhập học, nhà tôi thường đông người ra vào. Những cô cậu học trò theo mẹ đến tiệm may quần áo đón năm mới hay chuẩn bị cho ngày khai giảng. Ướm thử lên người bộ quần áo mới, tôi thấy trong mắt những đứa trẻ và người mẹ sáng ngời long lanh. Niềm vui ấy như lan ra trong không gian ngôi nhà cũ của tôi. Dưới mái nhà nhỏ ấy chung sống ba thế hệ. Tuổi thơ tôi đã êm đềm trôi qua dưới mái nhà nhỏ cuối xóm, trong tình thương của ba mẹ, trong yêu chiều của ông bà.

Một chiều mùa hạ, tôi trở về thăm nhà cũ. Đứng trước ngôi nhà, nhìn cánh cửa khóa im lìm, nhìn bức tường lâu ngày bong tróc rêu phong, mà sao tôi thấy quặn lòng.

Những ký ức ở mái nhà thân thương năm xưa cứ ùa về như gió thổi qua cánh đồng lúa chín. Đến giờ chiều như thế này, bà tôi sẽ xuống bếp nấu cơm. Bàn may bên cửa sổ có dáng mẹ tôi ngồi cần mẫn. Và đứa trẻ là tôi luôn thích nằm dưới gốc cây khế mê mải ngắm những bước chân, những vòng xe qua trước cửa nhà mà khao khát ước mơ.

Ngôi nhà của ấu thơ, dẫu nhỏ bé, cũng là nơi neo đậu bao yêu thương gia đình, nuôi dưỡng bao khát khao, hy vọng tuổi thơ, và là bến hoài niệm để khi trưởng thành vội vã tìm về…

Văn Nguyễn