Hà Nội văn

Em là vợ lính

Nguyễn Ánh Nguyệt {Ngày xuất bản}

- Con sẽ lấy anh Dũng. Con yêu anh ấy, vất vả thế nào con cũng chịu được. Con suy nghĩ kỹ rồi. Mẹ đồng ý cho chúng con lấy nhau, mẹ nhé!

z5611568995956_f72b40e326d959d88e587ce43ad5ca09.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Bà Xuân buông đũa nhìn con gái, khe khẽ thở dài. Bà không ghét Dũng, thậm chí còn rất quý cái nết hiền lành, chịu khó của chàng trai chân chất ấy. Nhưng giao đứa con gái duy nhất mà bà hết mực yêu thương cho Dũng thì bà không yên lòng. Bà gắp thức ăn cho Hòa, lảng sang chuyện khác:

- Chịu khó ăn uống vào. Cứ thức đêm chấm bài, soạn giáo án, người xanh như tàu lá. Phụ nữ phải có da có thịt mới đẹp, con ạ.

Lấy nhau gần 30 năm nhưng số lần vợ chồng bà Xuân gần gũi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông là sĩ quan hải quân, xa nhà biền biệt, mọi việc trong gia đình một tay bà gánh vác. Khi mang thai Hòa, tiếng là có chồng song toàn bộ quá trình từ bầu bì đến vượt cạn bà đều thui thủi một mình. Bà sinh mổ, mười ngày nằm viện chỉ có mẹ chồng và mẹ đẻ ra vào chăm sóc. Các sản phụ cùng phòng xì xầm bán tán. Những lúc ấy bà chỉ cười trừ, nuốt nước mắt vào trong. Năm Hòa 2 tuổi, chồng bà mới biết mặt con. Ngày bố đẻ mất, ông cũng chẳng thể về. Tất cả mọi việc, từ chăm sóc con cái, dựng nhà dựng cửa đến đối nội đối ngoại, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên một tay bà quán xuyến. Cũng định sắp xếp đi thăm nơi chồng công tác một lần cho biết mà cứ lần lữa hết việc nọ việc kia, cuối cùng cũng không đi được. Bà chỉ biết đến sóng gió Trường Sa qua những lá thư và cuộc gọi của chồng. Thương chồng, bà hết lòng lo toan để ông yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Nhưng nhiều lúc cũng tủi thân lắm. Mấy chục năm trời đằng đẵng như thế, lúc nghỉ hưu, về nhà mới được vài năm thì ông đã lại ra đi vì mắc bệnh hiểm nghèo...

Thấy Hòa chống đũa ngồi im, bà Xuân nói:

- Con đừng trách mẹ. Mẹ không muốn con lấy Dũng chỉ vì mẹ thương và lo con vất vả. Con quên mẹ đã cực nhọc thế nào khi làm vợ lính rồi à.

Hòa không trách mẹ. Cô cũng không quên những năm tháng bố công tác xa nhà, mẹ còng lưng đạp xe ngược gió để kịp chuyến chợ chiều, nhận may vá quần áo sau mỗi giờ tan dạy. Tuổi thơ của cô chưa một lần được bố đến trường đưa đón, chưa một lần được bố đi họp phụ huynh. Những ngày mưa bão, gió giật tung mái nhà, không có góc nào trên giường mà không ướt sũng. Nhìn mẹ can đảm trèo lên mái che che đậy đậy, rồi lại tụt xuống múc từng xô nước mưa hòa nước cống hôi nồng nặc đổ ra sân, Hòa chỉ ước có bố ở bên đỡ đần mẹ. Hồi 7 tuổi, Hòa trốn mẹ theo bạn ra sông tập bơi giữa trưa nắng gắt, tối về bị cảm và sốt đến 40oC. Giữa đêm, mẹ cuống cuồng cõng Hòa chạy lên trạm xá xã cách nhà hơn 3 cây số. Lúc ấy mê man trong cơn sốt nhưng Hòa vẫn nghe được mẹ vừa chạy vừa thì thầm gọi tên bố. Hình ảnh bố trong bộ quân phục màu trắng đẹp đẽ và nụ cười rạng rỡ luôn là điểm tựa tinh thần giúp hai mẹ con gắng gỏi vượt qua mọi khó khăn.

- Mẹ có thể chấp nhận tất cả để yêu và lấy bố thì con cũng có thể theo gương mẹ. Hơn ai hết, con hiểu nỗi vất vả khi làm vợ lính. Vất vả nhưng đầy tự hào, mẹ nhỉ. Nếu không lấy anh Dũng, con không lấy ai nữa. Con sẽ ở với mẹ đến già.

Nghe giọng bướng bỉnh của Hòa, bà Xuân phì cười. Bà đổi buồn thành vui:

- Cha bố chị, chỉ được cái ăn nói vớ vẩn. Ai cần chị ở với mẹ đến già. Chị đã quyết rồi thì sướng chị hưởng, khổ chị chịu. Sau này đừng trách mẹ không can ngăn...

***

Khi Hiệu trưởng thông báo sắp tới Quân chủng Hải quân sẽ bố trí cho một số cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục ra thăm quần đảo Trường Sa, lập tức Hòa viết đơn đăng ký ngay. Ít ngày sau, hết giờ làm việc, Hiệu trưởng gọi cô vào phòng, bảo:

- Cháu viết đơn xin đi Trường Sa rất tha thiết. Chú đọc và thực sự cảm động. Bố cháu là sĩ quan hải quân, nhiều năm công tác ở biển đảo nên cháu sẽ được ưu tiên đi chuyến này.

Hòa như vỡ òa vì vui sướng, miệng cười mà mắt rưng rưng. Vậy là mơ ước lâu nay đã sắp thành sự thật. Hiệu trưởng nhìn cô cười:

- Nhưng cháu có đủ sức khỏe để ra nơi đầu sóng ngọn gió đó không? Còn một tháng nữa mới khởi hành, chịu khó ăn uống tẩm bổ vào. Con gái bây giờ lạ thật, đứa nào cũng muốn gầy, mà gầy chắc gì đã đẹp.

Hòa biết mẹ sẽ lo lắng khi nhận tin này nhưng chắc chắn mẹ không cản cô, vì mơ ước một lần ra thăm Trường Sa - nơi bố công tác là khát khao cháy bỏng mà mẹ không thực hiện được. Cô cũng không báo tin này với người yêu để tạo bất ngờ cho anh.

Hòa và Dũng quen nhau trong một đợt giao lưu giữa đơn vị anh và khối các trường trung học phổ thông của thành phố. Dũng là lính mới nên khá e dè. Lúc được đơn vị đề nghị lên hát bài “Tổ quốc gọi tên mình”, cô thấy tay anh run run. Vậy mà khi đứng trên sân khấu, giọng hát truyền cảm và lôi cuốn của Dũng khiến cả hội trường nhất loạt vỗ tay khen ngợi làm anh thẹn đỏ cả mặt. Dũng công tác tại lữ đoàn tên lửa bờ thuộc vùng 1 Hải quân, đây là lần đầu tiên anh được tham gia giao lưu quân dân trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Lúc sắp chia tay, Hòa len qua đám đông xin anh số điện thoại, định mời anh tham gia giao lưu với Chi đoàn trường khi có dịp. Chỉ qua vài lần nhắn tin trò chuyện, anh và cô cảm mến nhau lúc nào không biết. Trước khi ra Trường Sa công tác, anh ngỏ lời với cô. Từ đó đến nay đã hơn một năm...

Nghĩ đến vẻ mặt ngỡ ngàng của Dũng khi thấy Hòa xuất hiện trước mặt anh, Hòa khẽ mỉm cười và áp tai vào vỏ ốc biển anh tặng. Lắng nghe những âm thanh u u của ngàn con sóng, cô chợt thấy bồi hồi và nhớ anh da diết.

***

Hòa say sóng dữ dội, tưởng chết đi sống lại. Cô nằm bẹp trên tàu suốt ba ngày, không dám nuốt thứ gì vào bụng. Mấy chị cùng phòng cũng nôn thốc nôn tháo ra cả mật xanh mật vàng. Vài ngày sau, cơ thể dần thích nghi, sức khỏe tiến triển tốt hơn, Hòa dậy xuống phòng ăn với mọi người. Đêm đến, cô bó gối ngồi trên boong tàu, thả ánh mắt mơ mộng ngắm hàng trăm vì sao đang soi mình xuống biển đêm lấp lánh.

Ngày thứ năm của hành trình, đảo Trường Sa Lớn - nơi bố Hòa từng có nhiều năm gắn bó chào đón Hòa và cả đoàn trong cái nắng hoe hoe dịu mát. Khi tàu cập vào cầu cảng, trái tim Hòa đập những nhịp dồn dập. Hai má cô ửng đỏ vì xúc động.

Các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tập trung ở dưới cầu tàu để đón đoàn. Hòa đi sau cùng, khệ nệ xách theo một bọc hành lý thật lớn. Khi biết Hòa ra thăm Trường Sa, bà Xuân đã chuẩn bị cho Dũng bao nhiêu vật dụng cá nhân cần thiết. Dù Hòa nhắc đi nhắc lại rằng ngoài đảo bây giờ khác thời của bố nhiều lắm, không thiếu thứ gì nhưng bà không chịu nghe, cứ ép Hòa mang quà theo bằng được. Nghĩ đến mẹ, Hòa phì cười. Ban đầu thì kiên quyết phản đối con gái yêu lính, vậy mà bây giờ lại lo cho con rể tương lai vô cùng chu đáo.

- Hòa ơi! Anh đây! Anh đây!

Hòa sững người khi thấy Dũng đứng trong đám đông, tay giơ thật cao để vẫy gọi cô. Kỳ lạ thật, cô đã giữ kín thông tin để gây bất ngờ cho Dũng cơ mà? Hòa vừa rời khỏi cầu tàu Dũng đã chạy tới ôm chầm lấy cô. Anh trao cho cô một bó hoa thật to, toàn những loài hoa do chính tay anh và đồng đội vun trồng ở đảo. Hòa rơm rớm nước mắt, cứ ngây người ra vì ngạc nhiên. Định tạo bất ngờ cho anh, ai ngờ chính anh lại làm cô ngỡ ngàng, cảm động.

Sau lễ chào cờ thiêng liêng, đoàn công tác đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dũng kể, có ra công tác tại vùng lãnh thổ đầu sóng ngọn gió này, anh mới ý thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ mình, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực từng ngày từng giờ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn ánh mắt Dũng ngời sáng, Hòa càng vững tin hơn về sự lựa chọn của mình.

Đêm ấy, khi mọi người đang say sưa ca hát bên đống lửa bập bùng, Dũng dẫn Hòa đi dạo một vòng ven biển. Ngồi bên Dũng, ngả đầu vào vai anh, Hòa như cảm nhận được cái mặn mòi của sóng gió trùng khơi, chưa bao giờ cô thấy biển đảo Tổ quốc đẹp và thiêng liêng đến thế! Cô thì thầm hỏi Dũng:

- Sao anh biết em đến Trường Sa đợt này để đón em?

Dũng cười hóm hỉnh:

- Mẹ vợ tương lai cho anh biết đấy. Mẹ gọi điện nhờ anh chăm sóc chu đáo cho vợ anh những ngày ở đảo.

Ôi mẹ, thế mà Hòa không đoán ra. Cô dụi đầu vào vai anh nũng nịu:

- Giờ mẹ lại quý anh hơn em rồi đấy. Có mẹ là “gián điệp”, anh khỏi lo về em nữa nhé!

Dũng khẽ vuốt tóc Hòa, mái tóc dài và đen bay lòa xòa trong gió. Hòa thì thầm bên tai Dũng:

- Nếu được nói một câu trước biển, anh biết em sẽ nói gì không?

Dũng khe khẽ lắc đầu rồi nhìn cô chờ đợi. Hòa đứng dậy, bắc hai tay làm loa, hét lên thật to, át cả tiếng gió biển rì rào: “Em là vợ lính!”. Từng đợt sóng trào lên trắng xóa. Giọng Hòa tan vào trùng dương...

Nguyễn Ánh Nguyệt