Đô thị các nước

Melbourne: Giải pháp vườn mưa cho một thành phố bền vững

Nhật Quang {Ngày xuất bản}

Melbourne (Australia) đang nổi lên như một thành phố đi đầu trong phát triển đô thị bền vững.

Một yếu tố quan trọng của sự đổi mới này là việc áp dụng phương pháp mô phỏng sinh học - học hỏi từ thiên nhiên để giải quyết các vấn đề hiện đại. Trọng tâm của Melbourne là quản lý nước mưa và câu trả lời nằm ở một giải pháp đáng ngạc nhiên nhưng tuyệt vời: Vườn mưa.

638549965029700237-1-vuon-mua.jpg
Vườn mưa được thiết kế để thu nước mưa, giúp giảm úng ngập, lũ lụt và cung cấp nước tưới cho cây trồng.

Câu trả lời từ thiên nhiên

Những khu vườn mưa (Raingardens) là những vùng trũng có cảnh quan được bắt chước từ hệ sinh thái tự nhiên. Chúng thu nước mưa chảy tràn từ các bề mặt không thấm nước như mái nhà, mặt đường, vỉa hè và dùng nguồn nước đó để nuôi dưỡng nhiều loại thực vật, bao gồm các loại cỏ và cây bản địa. Thiết kế này phục vụ mục đích kép: Giúp thực vật phát triển và thực vật hoạt động như bộ lọc tự nhiên giúp loại bỏ các chất ô nhiễm như trầm tích, chất dinh dưỡng, vi khuẩn... khỏi nước trước khi dòng nước quay trở lại hệ thống thoát nước hoặc xâm nhập vào lòng đất. Ngoài ra, vườn mưa làm chậm dòng nước mưa, giảm áp lực lên hệ thống thoát nước và ngăn ngừa lũ quét.

Ngoài ra, khi hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” (hiện tượng mà tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh) ngày càng trở thành mối lo ngại, vườn mưa có thể đóng vai trò giảm thiểu chúng. Thảm thực vật trong những khu vườn này cung cấp bóng mát và thoát hơi nước (thoát hơi nước vào khí quyển qua lá cây), có thể giúp làm mát môi trường xung quanh. Ngoài ra, vườn mưa có thể được tích hợp với mặt đường sáng màu và bề mặt phản chiếu để giảm hơn nữa sự hấp thụ nhiệt ở khu vực thành thị.

Vườn mưa còn được thiết kế để tạo nơi trú ẩn cho động vật hoang dã địa phương. Bằng cách kết hợp các loài thực vật bản địa cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho côn trùng, chim và động vật có vú nhỏ, vườn mưa có thể góp phần tạo nên hệ sinh thái đô thị đa dạng sinh học hơn. Điều này không chỉ nâng cao tính thẩm mỹ của thành phố mà còn thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh trong thế giới tự nhiên.

Hàng trăm công trình vườn mưa nằm rải rác khắp thành phố Melbourne đã mang lại kết quả thật ấn tượng. Nghiên cứu cho thấy các khu vườn mưa ở Melbourne có thể giảm tới 90% lượng nước mưa chảy tràn, giảm đáng kể gánh nặng cho cơ sở hạ tầng thoát nước. Nó cũng giúp cải thiện chất lượng nước bằng cách loại bỏ các chất ô nhiễm có hại, bảo vệ đường thủy và thúc đẩy một môi trường lành mạnh hơn. Việc áp dụng các khu vườn mưa ở Melbourne đã trở thành một câu chuyện thành công đáng chú ý, thay đổi cách quản lý nước mưa và mở đường cho một tương lai bền vững hơn.

Những khu vườn tươi tốt này cũng nâng cao tính thẩm mỹ đô thị, tăng thêm vẻ đẹp và cây xanh cho “khu rừng” bê tông. Vườn mưa có thể thúc đẩy hơn nữa ý thức cộng đồng và trách nhiệm với môi trường. Người dân địa phương có thể tham gia vào việc thiết kế, trồng và bảo trì những khu vườn này, thúc đẩy mối liên hệ với thiên nhiên và các hoạt động bền vững.

Sáng kiến địa phương và tiềm năng tương lai

Cam kết của Melbourne đối với các khu vườn mưa được thể hiện rõ ràng trong các chương trình đầy tham vọng của thành phố. “Chương trình 10.000 vườn mưa” do Melbourne Water phát động là minh chứng. Sáng kiến quy mô lớn này nhằm mục đích lắp đặt hàng nghìn khu vườn mưa trên toàn thành phố, tăng đáng kể tác động của chúng và củng cố vị thế của Melbourne như một thành phố đi đầu trong phát triển đô thị bền vững. Khái niệm vườn mưa đang lan rộng trên toàn thế giới, hàng loạt thành phố lớn cũng đang triển khai các giải pháp mô phỏng sinh học này để giải quyết các thách thức về nguồn cung của nước trong đô thị.

Ngoài các chương trình quy mô lớn, còn có những nỗ lực địa phương nhằm khám phá tiềm năng của các khu vườn mưa. Các dự án như “Remix Raingardens” ở Fishermans Bend (khu dân cư thuộc Melbourne) chứng minh khả năng thích ứng và tiềm năng của các hệ thống này. Dự án này sử dụng các khu vườn mưa không chỉ để quản lý nước mưa mà còn để kiểm tra tính hiệu quả của các loài thực vật khác nhau trong quá trình lọc nước. Bên cạnh đó, ý tưởng vườn mưa sử dụng vật liệu phế thải xây dựng sản xuất tại địa phương của Fishermans Bend cũng đã dành được giải thưởng từ chương trình Thử thách Đổi mới của thành phố Melbourne. Thiết kế này nhằm mục đích giảm lượng khí thải carbon bằng cách tái sử dụng chất thải xây dựng tại Fishermans Bend - bao gồm bê tông, gạch nghiền, thủy tinh thải và gỗ mà lẽ ra sẽ được đưa đến bãi chôn lấp - để lọc nước mưa và điều tiết dòng chảy khi có bão, lũ. Những vật liệu này sẽ thay thế các vật liệu làm vườn mưa thông thường kém bền vững hơn và tốn kém hơn như cát và sỏi mới khai thác. Các loại cây chịu hạn cũng được sử dụng vì khả năng lọc nước ưu việt và tính thẩm mỹ của chúng.

Cách tiếp cận tiên phong của Melbourne đối với vườn mưa đóng vai trò như ngọn hải đăng cho các thành phố khác trên thế giới. Bằng cách áp dụng mô phỏng sinh học và khai thác sức mạnh của thiên nhiên, các trung tâm đô thị có thể tạo ra một tương lai bền vững hơn - một tương lai không chỉ có khả năng phục hồi trước những thách thức môi trường mà còn phát triển hài hòa với thế giới tự nhiên.

Nhật Quang