Hà Nội văn

Dưới những bóng xanh

Nhất Mạt Hương 21/07/2024 11:53

Vân bước ra cửa lớp. Nắng chan hòa khắp sân trường, tãi đều xuống những vồng cây, lọt qua những mắt lưới xanh mà thêu hoa trên nền gạch.

Những bông hoa dưới thấp, khoe dáng cùng những vạt hoa trên cao. Muồng vàng rực rỡ từng chùm lấp ló, phượng rừng rực đỏ. Và xa xa, sát khu nhà để xe, hàng bằng lăng ngằn ngặt tím. Gió mơn man, không gian tĩnh lặng đến mức nghe thấy cả tiếng con ong vo ve bên gờ tường làm bước chân Vân vô thức chậm lại. Cô thích những phút cuối buổi thư thả như thế!

z5638675421268_c54482cbb0cb5697eb14552ea21ef804.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Vân chuyển về trường này đã được 3 tháng. Chớp mắt một cái đã thuộc về nơi này. Mọi người cứ hỏi sao Vân lại chuyển trường khi dạy ở trường cũ cũng gần 20 năm, có vị trí, có uy tín, hơn nữa khoảng cách từ trường mới và trường cũ về nhà cô cũng ngang nhau. Cô chỉ nhoẻn cười. Biết nói sao nhỉ? Cũng không ít người tò mò hỏi, về trường mới thu nhập có cao hơn trường cũ không? Vân trả lời chắc chắn: Không cao hơn, thậm chí có khoản còn bị cắt. Thế thì chuyển làm gì?

Ừ nhỉ! Sao cô lại chuyển trường?

Trong mắt mọi người, công việc phải gắn liền với thu nhập, đãi ngộ... Vân cũng thế. Nhưng cô biết mình còn mong muốn những điều khác nữa. Và hình như, còn là chữ duyên vì từ lúc cô bạn vui miệng rủ về cùng trường đến khi Vân cầm tờ quyết định vỏn vẹn có 3 tháng, làm không ít người sốc. Họ đâu có biết Vân quyết tâm chuyển nhưng cũng không quá nặng nề. Mọi việc cứ để tùy duyên. Và quả thật Vân thấy rất có duyên với ngôi trường này. Đó là vì bạn bè thân quen của cô dạy ở đây không ít. Ngày trước em trai cô cũng học ở trường này, có lần cô còn đi họp phụ huynh thay bố mẹ nhưng khi đó trường chưa xây mới, vẫn nhờ cơ sở vật chất của một trường cấp 1. Giờ thì trường đã chuyển ra chỗ mới và được xây dựng, đầu tư khang trang, hiện đại, nghe nói là trường có diện tích rộng thứ hai của tỉnh.

Gần 20 năm dạy ở một ngôi trường có diện tích thuộc loại nhỏ nhất tỉnh, có thời điểm phải học hai ca, cửa sổ lớp mở ra ngay cổng và sân nhà dân, giờ học nghe thấy cả tiếng trẻ khóc, gà kêu, chó sủa..., giờ về đây Vân có cảm giác như từ ao ra biển. Cô luôn háo hức với những bóng cây rợp mát khắp nơi, những bồn hoa duyên dáng ngày ngày khoe sắc. Cô chạnh lòng khi nhớ đến cái sân hẹp chang chang nắng ở trường cũ.

Ở đây, mỗi bước cô đi, mắt lại dịu đi vì màu xanh đan xen, nối tiếp. Sát nhà để xe là một cây bằng lăng ngạo nghễ, hoa rụng tím một quầng quanh gốc. Mỗi lần đi qua Vân lại khẽ khàng bước để tránh giẫm vào. Ra khỏi nhà xe sẽ gặp ngay một dãy bồn hoa dàn hàng ngang. Rồi đến mấy cây nhãn già đủ sức làm mát cả căng tin. Thêm một dãy bồn hoa xếp hàng dọc nữa là đến ban công khu nhà hiệu bộ. Phía trước là mấy chậu xi măng lớn trồng hoa súng. Rồi ngay cửa phòng tổ cũng chen nhau những cái chậu nho nhỏ trồng hoa đá. Ngay từ buổi đầu vào phòng, Vân đã thiện cảm với dãy chậu cây đó rồi.

Vào các lớp mắt cô thường sáng lên khi nhìn thấy màu xanh, dù chỉ là mấy nhánh trầu bà hay vài cành trắc bách diệp trong cái giỏ treo hay chậu nhỏ. Cô hay gợi ý, động viên học sinh trồng, chăm sóc cây, vì nhiều lợi ích lắm. Cô bảo, lớp học có màu xanh sẽ được tiếp thêm năng lượng và sức sống. Lũ học trò gật gù ra vẻ tán đồng, tán đồng nhưng rồi để đó. Rảnh rỗi là chúng lại dán mắt vào màn hình điện thoại. Cô tính phải dụ dần dần. Giữa lúc giảng bài hay đợi học sinh ghi chép Vân hay ngó ra ngoài cửa sổ. Những dãy lớp học đều hướng về phía sân vận động rộng mênh mông - nơi có đường chạy và cả một sân cỏ chính giữa. Tháng 2, cỏ lau lưa thưa trổ hoa trắng chỗ khúc ngăn đường chạy và rìa sân thể dục. Có lần, chữa đề thi, ngữ liệu là đoạn văn trong “Yêu người bóng núi” của Nguyễn Ngọc Tư, yêu cầu phân tích hình ảnh bông lau, sậy lúc nở lúc tàn, Vân hỏi học trò, các em nhìn thấy hoa lau chưa? Cả lớp đồng thanh: Chưa ạ. Thế nhìn ra ngoài cửa sổ đi. Tất cả ồ, à. Là những bông màu trắng kia hả cô? Đúng rồi! Ôi, thế thì có gì lạ đâu ạ. Nhìn suốt mà giờ em mới biết tên. Ngắm xem chúng có giống như nhà văn miêu tả không? Giống ghê cô ạ!

Có lần dạy ở lớp 10A6, lúc mở của sổ chỗ bàn giáo viên, Vân suýt reo lên khi bắt gặp mấy cành hoàng lan. Dù chưa có hoa nhưng tán lá xanh thập thò ngoài khung cửa sổ tận tầng 3 làm Vân vui đến ngẩn ngơ. Cô cảm giác như mình đang được giảng bài “dưới bóng hoàng lan” vậy. Cô bảo lớp này thật hạnh phúc. Nhưng lũ nhóc không hề nhận ra hạnh phúc đó và cũng lần đầu chúng biết ngoài cửa sổ có cái cây tên là hoàng lan. Cũng như cái truyện ngắn mà cô rất tâm đắc đó, chúng cũng chưa hề đọc. Vân cười khổ vì sự lười đọc của học sinh. Vân biết học trò giờ ngại và sợ học văn. Chúng nghĩ văn chương xa vời, không thực tế. Bởi thế mà mỗi giờ lên lớp, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, cô còn mở mang thêm những kiến thức bên ngoài, cô muốn truyền cho lũ trò nhỏ tình yêu và những rung cảm với văn chương.

Thoắt cái đã tháng 5. Bế giảng, sân trường lắc rắc mưa trước giờ tập trung. Mấy chị em trong tổ rủ nhau đi một vòng quanh sân trường chụp đủ các góc. Thế là lần đầu tiên trong đời, bế giảng của cô có phượng, có bằng lăng, thêm cả muồng hoàng yến và bao loài hoa gắn với trường lớp, với tuổi học trò. Cô bỗng thấy mình được trở lại tuổi thơ, hồn nhiên, trong trẻo như những tháng ngày còn cắp sách đến trường. Trong một tản văn, cô từng viết, thương các thế hệ học sinh ở trường cũ biết bao, khi tuổi học trò của các em thiếu bóng mát trong những giờ ra chơi, thiếu không gian chạy nhảy trong những giờ thể dục và không nhận ra tín hiệu mùa hè từ những chùm phượng đỏ lấp ló trên vòm cây. Cũng không được xao lòng khi bắt gặp đôi cánh bằng lăng tha thiết tím. Sau những giờ vùi đầu vào sách vở, chúng chỉ gặp những quán hàng san sát ngoài cổng trường, những âm thanh bên ngoài như cái chợ nhỏ chứ không phải tiếng ve kêu, chim hót. Khúc nhạc mùa hè không hiện diện đủ đầy giữa những tòa nhà im ắng làm Vân không ít lần hẫng hụt lúc mùa sang. Và hình như, thiếu đi những điều dịu êm, thanh mát đó, con người ta cũng sống vội vàng, thực dụng và tính toán hơn chăng? Có những khô cằn lâu ngày đợi được tưới mát từ những cơn mưa dịu dàng và những vòm xanh vẫy gọi.

Buổi tổng kết cuối cùng, tổ líu ríu và bận rộn. Xong các thủ tục, giấy tờ là đến phần xếp loại. Vân chuyển về sau nên chỉ được xếp khá vì thời gian công tác không đủ một năm. Nếu còn ở trường cũ, cô sẽ xếp loại cao hơn nhiều vì đầu năm cô còn đi thi giáo viên giỏi cũng như có thêm một số thành tích khác. Dù lòng Vân có chùng xuống một chút nhưng cô vốn không quá coi trọng những thứ thuộc về hình thức.

Điều ấm áp là Vân cảm nhận rõ ràng, những giờ lên lớp của cô được học sinh đón đợi. Không chỉ vì cô là cô giáo mới mà vì cô luôn tâm niệm với lớp nào cô cũng nhiệt tình và hết mình, với học trò nào cũng yêu thương và khách quan, tận tâm chỉ dạy. Năm tháng đứng lớp dày hơn cũng giúp cô có thêm kinh nghiệm truyền đạt và ứng xử phù hợp với từng lớp, từng đối tượng hơn.

Buổi cuối đến trường nên họp xong dù muộn mấy chị em vẫn nán lại chút trò chuyện. Lúc ra nhà để xe, bác bảo vệ gọi Vân vào đưa cho quyển báo biếu. Vân nhè nhẹ bước, tránh những vồng hoa rơi xuống thành quầng ngay phía cửa phòng bảo vệ. Cô trêu, phòng bác là lãng mạn nhất trường đấy. Bác cười khà khà, bảo chỉ có cô Vân mới nhận ra điều đó, tôi cũng thấy thú nhất là ở phòng này, mùa hè nóng đến mấy cũng không cần quạt to.

Vân chào bác bảo vệ rồi lên xe. Qua cổng, một làn gió mát ùa đến và mắt Vân rộn lên khi nhìn thấy những dải hoa của hai hàng cây chiều tím đang đùa vui trong nắng. Chắc ít có cổng trường nào có hai hàng hoa thẳng tắp, xanh mượt và rập rờn như thế. Bỗng nhiên, Vân chợt hiểu thêm lý do khiến mình quyết định chuyển trường, ngay sau buổi đầu tiên đến nơi này - chính là vì những cái cây. Chính là chúng, những vòm xanh, bóng mát và những bông hoa hàm tiếu hay rực rỡ suốt từ cổng trường đến từng hành lang lớp học mang cho cô những yên bình, vỗ về lặng lẽ, ru cho cô lắng lại những bao dung sau mệt nhoài của những giờ lên lớp và gọi về bao háo hức thân thương.

Qua khúc quanh phía chợ, một thứ mùi hương gì đó dậy lên làm cô nhớ đến mùi hoa hoàng lan. Chắc chắn, một buổi nào đó khi vào dạy lớp 10A6, mở cửa sổ ra để bắt đầu tiết dạy, cô sẽ bắt gặp một mùi hương ngọt ngào, nồng đậm. Và cô sẽ dành điều bí mật đó đến giờ ra chơi mới báo cho lũ trẻ biết. Sẽ là lần đầu chúng được ngửi thứ hương thơm quyến rũ này và sẽ tìm đọc truyện ngắn của Thạch Lam mà không cần cô thúc giục, nhắc nhở gì.

Và chúng sẽ hiểu vì sao cô bảo chúng được học trong lớp học hạnh phúc. Điều hạnh phúc nhỏ nhoi, lặng thầm mà ý nghĩa!

Nhất Mạt Hương