Hà Nội văn

Hai người mẹ

Lê Phúc Hỷ {Ngày xuất bản}

Tiếng còi ô tô phá tan không gian tĩnh mịch làm Mai tỉnh giấc lúc trời còn mờ sương. Cách nhà cô chừng hơn chục mét là một điểm chờ xe buýt đơn sơ với mái che bằng nhựa và ghế ngồi là thanh sắt sơn màu đỏ.

mh.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Anh trai của Mai hy sinh ở biên giới phía Bắc. Ấy là nghe mẹ Nhài kể thế, chứ ngày có tin anh hy sinh Mai còn chưa ra đời, đâu biết gì. Ông Tuân, bố của Mai, vốn là công nhân xây dựng nghỉ hưu, tuổi đã cao nên chỉ nhận việc sửa chữa nhà cửa, cơi nới lặt vặt quanh khu phố huyện. Bà Nhài mở hàng tạp hóa tại gian ngoài của căn nhà cấp bốn cũ kỹ, lãi lờ chẳng được là bao. Nỗi đau mất người con trai khiến gia cảnh của đôi vợ chồng già càng thêm vắng vẻ, neo đơn...

Mẹ Nhài thường bảo, may nhờ có tiếng khóc, tiếng cười của Mai nên nhà cũng vơi bớt đôi phần hiu quạnh. Ông bà dành tất cả tình cảm chăm bẵm cho đứa con gái nhỏ. Mai càng lớn càng xinh xắn và thông minh. Học xong phổ thông, cô thi vào trường trung cấp y dược trên tỉnh. Đi học xa nhà, chi phí phát sinh nhiều khoản nên ông Tuân phải lăn lộn ở các công trình để có thêm tiền cho con gái ăn học. Nhưng khi Mai học năm thứ hai thì ông chẳng may bị ung thư trực tràng, chữa trị tốn kém nhưng vẫn không qua khỏi. Hai mẹ con nuốt nước mắt vào trong, nương tựa vào nhau.

Tốt nghiệp trường trung cấp, Mai xin vào làm việc ở bệnh viện huyện, cách nhà chỉ vài cây số. Cô đi làm bằng chiếc xe đạp cũ kỹ mà bố để lại. Có hôm mưa trắng trời đến chiều muộn chưa dứt, bà Nhài khoác áo mưa lội bộ đến bệnh viện đón con. Nhìn mẹ ướt sượt, Mai nước mắt giàn giụa. Bà Nhài thủ thỉ: “Để tạnh hẳn rồi con chở mẹ về. Mưa to sấm sét nguy hiểm lắm!”.

***

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày xảy ra một chuyện làm đảo lộn cuộc sống của hai mẹ con. Chiều hôm ấy Mai đạp xe về thấy mẹ đang ngồi cùng một người phụ nữ lạ mặt tầm ngoài năm mươi tuổi. Mai bước vào chào khách, thấy mẹ mắt đỏ hoe. Bà Nhài hất hàm về phía con gái: “Con gái tôi đấy! Nó đã hai mươi bốn rồi!”. Người phụ nữ kia có nước da trắng trẻo, gương mặt tròn trịa, váy áo thời trang, trên cổ toòng teng sợi dây chuyền vàng lóng lánh. Từ bà ta tỏa ra mùi nước hoa thoang thoảng sang trọng. Bà ta vụt đứng dậy chộp lấy tay Mai, giọng xúc động: “Con... Mẹ có lỗi với con... Con tha lỗi cho mẹ nhé!?”.

Mai không hiểu chuyện gì xảy ra giữa mẹ và người đàn bà này. Cô không nói không rằng vội lảng vào buồng, nghe loáng thoáng chuyện ở gian ngoài. Bà Nhài quả quyết: “Nó là con tôi, có giấy khai sinh, hộ khẩu chứng nhận đàng hoàng”. Người đàn bà lạ cầu khẩn: “Nhưng tôi đẻ ra nó, nó là núm ruột của tôi, nó chính là con đẻ của tôi”. Mẹ Mai đanh giọng: “Cô ở đâu đến đừng có nhận xằng... Mời cô đi ngay cho! Không thì tôi báo chính quyền xã gô cổ lại bây giờ!”. Người đàn bà lạ vẫn nài nỉ: “Lưng bên trái nó có vết bớt màu đỏ. Ngày tôi để nó ở nhà chờ xe, tôi còn ghi lại rõ ngày, tháng, năm đây!”.

Lát sau, bà kia rời đi trên một chiếc ô tô trắng đến đón. Bà Nhài vào bếp ôm ghì lấy Mai. Cô cảm thấy cái ôm hôm nay của mẹ thật kỳ lạ. Mẹ giục Mai đi tắm để bà làm thức ăn chuẩn bị cơm tối. Mai sốt ruột hỏi mẹ: “Bà ấy là ai hả mẹ? Có chuyện gì mẹ giấu con phải không?”. Bà Nhài gạt những giọt lệ trên má, nhìn thẳng vào mắt Mai: “Mẹ không giấu con đâu... Tối mẹ sẽ kể cho con nghe đầu đuôi câu chuyện. Thôi, để mẹ xào nốt thức ăn rồi mẹ con mình ăn cơm kẻo muộn!”.

Vào một buổi sớm cách đây hai mươi bốn năm, không phải tiếng còi ô tô mà là tiếng trẻ con khóc ọ ẹ làm bà Nhài trở dậy. Bên ngoài trời còn mờ sương. Thì ra âm thanh phát ra từ điểm chờ xe buýt. Bà Nhài phát hiện trên ghế chờ là một chiếc làn nhựa, bên trong là một đứa trẻ chừng mấy tháng tuổi cuốn trong tấm chăn mỏng, phía trên có để tờ giấy ghi mấy dòng chữ nguệch ngoạc: “Cháu là sinh viên nên không có điều kiện nuôi con. Cầu mong ai có tâm, có lòng nuôi giúp cháu. Ân đức này suốt đời cháu không quên!”. Dưới làn là mấy gói bỉm, khăn mặt, hộp sữa nhỏ và mấy chục nghìn đồng.

Từ hôm ấy, căn nhà của vợ chồng bà Nhài bắt đầu có tiếng khóc trẻ con. Ông Tuân vui hẳn lên, suốt ngày giành ẵm đứa bé. Ông bảo: “Trời thương, ban cho mình đứa con gái xinh xắn, đáng yêu. Phúc nhà ta còn lớn lắm!”. Ông bà đến Ủy ban xã làm thủ tục nhận con nuôi rồi làm khai sinh, đặt tên bé là Mai vì phát hiện vào buổi sáng sớm...

Mai nghe mẹ kể chuyện, trong cô xuất hiện cảm xúc rất lạ. Người đàn bà xa lạ lúc chiều lại là mẹ ruột, đẻ ra mình sao? Sao bà ấy lại bỏ rơi mình?... Một cái gì đó vừa vui vừa buồn, vừa đau khổ vừa hạnh phúc, vừa tự hào vừa tủi hổ... cứ đan xen dâng lên trong lòng cô. Nhưng đích thực người nuôi dưỡng, chăm sóc cô, cho cô ăn học, yêu thương cô hơn cả bản thân mình là mẹ Nhài, người đã nhặt cô từ chiếc làn ở điểm chờ xe buýt trong một tảng sáng ở một vùng quê ngoại thành.

Một đêm, mẹ Nhài thì thầm với Mai: “Mẹ đẻ con đến nhận con, có ý đưa con về thành phố sống, ý con thế nào?”. Mai rúc đầu vào ngực mẹ rồi rấm rứt: “Con không đi đâu hết. Con chỉ có một mẹ Nhài. Con sẽ ở với mẹ suốt đời!”. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau, đều đầm đìa nước mắt, đều có những nghĩ suy, tâm tư xáo trộn.

***

Người phụ nữ kia lại tìm đến, mang theo nhiều quà cáp đắt tiền. Bà ta bảo vợ chồng bà kinh doanh bất động sản, chứng khoán, nhà hàng nên kinh tế dư dả, có mỗi cậu con trai thì đã đi du học, có thể sẽ định cư luôn ở nước ngoài. Bà ta nói đã liên hệ cho Mai chuyển về làm việc tại bệnh viện thành phố và hứa sẽ mua cho Mai chiếc ô tô đi làm cho đỡ nắng mưa... Bà ta khoe ảnh căn biệt thự ở khu đô thị mới, khang trang, tiện nghi chẳng thiếu thứ gì, còn nói sẽ dành hẳn một tầng cho Mai, nếu sau này Mai lấy chồng thì cũng sẽ cho ở rể vì nhà quá rộng, chỉ mong gia đình đầm ấm, quây quần...

Mai đem chuyện mẹ đẻ tâm sự với chị bạn đồng nghiệp cùng khoa. Nghe xong chị này quắc mắt lên: “Loại đàn bà quạ mổ! Vô trách nhiệm! Chỉ biết sướng cái thân rồi vứt con cho kiến bâu, ruồi đậu! Mày đừng có gọi bà ấy là mẹ. Mẹ mày chính là mẹ Nhài, người đã yêu thương, chăm sóc mày từ khi còn đỏ hỏn, hiểu chưa?”. Anh bác sĩ phó khoa nhẹ nhàng khuyên: “Em phải suy nghĩ cho kỹ. Công sinh không bằng công dưỡng. Nếu thật sự thương yêu em thì bà ta đã không cho em vào làn và bỏ em ở nhà chờ xe buýt... Em nỡ lòng nào bỏ mẹ Nhài cô đơn một mình khi tuổi cao, sức yếu?!”.

Một sáng chủ nhật, người phụ nữ kia lại đến, mang theo quà cáp và mấy trăm triệu đồng nói là hỗ trợ để bà Nhài dưỡng già. Bà Nhài dứt khoát không nhận tiền. Mai thì cố tình tránh mặt. Mỗi khi bà ta tới, Mai lại trốn đến nhà bạn bè, nói tránh là bận trực bệnh viện hay đi xuống các xã thăm nom người bệnh...

Từ thẳm sâu trong lòng bà Nhài bắt đầu lo lắng, dù nỗi lo mơ hồ nhưng bà nghĩ có lẽ đến một ngày nào đó Mai sẽ về thành phố, bỏ mặc bà sống trơ trọi một mình. Tình máu mủ thiêng liêng lắm. Người mẹ dứt ruột sinh ra đứa con sẽ làm mọi cách để đứa con trở về bên mình, nhất là gia cảnh giàu có của bà ấy mà có mơ đến kiếp sau chắc bà Nhài cũng không thể có được.

Dường như đoán được sự lo lắng của mẹ Nhài, Mai tránh nhắc đến chuyện liên quan đến người phụ nữ kia. Mẹ có nhắc đến cô cũng gạt đi, nói lảng sang chuyện khác. Cô thường đưa mẹ đi chơi, đi du lịch đây đó cho khuây khỏa. Rồi Mai gọi thợ sửa sang nhà cửa, thiết kế lại khu vực bán hàng, chỉnh trang gian ngủ và phòng bếp cho sáng sủa. Cô sắm chiếc ti vi màn hình lớn hơn để mẹ xem ca nhạc, tuồng chèo cho rõ. Cô bảo mẹ: “Nhà mình sang sửa lại cũng đẹp và đàng hoàng ra phết, mẹ nhỉ?!”. Có lẽ bà Nhài ưng ý nhất là cái ban thờ, có di ảnh ông Tuân cùng ảnh con trai và tấm bằng liệt sĩ, được an vị trang trọng ở chính giữa gian phòng. Và cũng không ít lần bà Nhài giục Mai xem chuyện chồng con thế nào để bà sớm có cháu bế ẵm cho vui cửa vui nhà. Mai chỉ cười trừ: “Duyên số chưa đến, mẹ ơi! Mà... con muốn sống với mẹ mãi mãi như thế này cơ!”.

***

Hai năm sau...

Bà Nhài bất ngờ nhận được điện thoại của mẹ đẻ Mai. Bà ta báo tin đang nằm bệnh viện điều trị bệnh suy thận. Các thủ thuật y tế đã sử dụng hết nhưng bệnh không thuyên giảm. Chỉ còn cách duy nhất là thay một bên thận thì mới ổn định được sự sống.

Mấy ngày sau, một hôm khi mới tảng sáng Mai ra đón xe về thành phố. Cô xin phép mẹ vắng nhà một tuần để đi tập huấn nghiệp vụ. Xuống xe, cô đến thẳng bệnh viện, tìm vào khoa điều trị thận rồi ký giấy xin hiến một bên thận cho người mẹ đã dứt ruột sinh ra mình hai mươi mấy năm trước.

Lê Phúc Hỷ