Xưa và nay

Những kỷ niệm với xe đạp

Văn Quý Yên {Ngày xuất bản}

Vào những năm 1960, cả xã tôi chỉ có mấy chiếc xe đạp của các chú làm việc ở Ủy ban nhân dân xã và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi lần gặp các chú đạp xe trên đường làng, chúng tôi lại ngẩn ra nhìn...

638569711395359865-2.jpg
Xe đạp đưa đón cô dâu, chú rể ngày cưới.

Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, gia đình ông Phúc ở trên phố sơ tán về làng mở cửa hàng phục vụ bơm, vá, sửa chữa xe đạp. Một số người trên phố sơ tán về làng mang theo cả xe đạp để tiện đi làm, đi học nhưng số lượng không nhiều nên cửa hàng sửa xe cũng vắng khách.

Rỗi việc, ông Phúc mua mấy chiếc xe đạp cỡ vành từ 550 đến 580 milimet cho đám thanh, thiếu niên trong làng thuê với giá 2 xu/giờ mỗi khi cần đi đâu đó hoặc ai chưa biết đi thì thuê để tập. Tò mò và để thỏa lòng khao khát được “sờ, nắm” vào xe đạp, tôi dành hai hào tiền bán mo nang tre rồi rủ đứa bạn học tranh thủ giờ nghỉ buổi trưa đến thuê một chiếc xe.

Khỏi phải nói trong lòng lâng lâng như thế nào khi lần đầu tiên được cầm, dắt xe đạp rồi hai đứa thay nhau, đứa ngồi đạp, đứa giữ xe, nhưng sau 10 buổi trưa mà vẫn chưa đi quen nên chúng tôi đành bỏ thêm 1 hào để thuê xe 5 giờ nữa. Bị ngã nhiều lần nhưng may không rách quần áo mà chỉ bị xây xước chân tay, vui nhất là cả hai đã đi thạo, đạp xe nhoay nhoáy trên đường.

Dù đã biết đi xe đạp nhưng cả 3 năm học cấp 3 ở trường huyện tôi vẫn cùng các bạn trong làng đi bộ đi học vì chưa nhà nào có xe đạp. Cuối năm lớp 10, bố tôi được bầu vào Ban chủ nhiệm Hợp tác xã và được mua phân phối một chiếc xe đạp Thống Nhất nam màu xanh lam. Ông lấy hai sợi dây thừng buộc một đầu lên xà nhà, đầu dây kia buộc móc sắt, một cái móc vào ghi đông, một cái móc vào gác ba ga để treo xe lên lơ lửng. Chỉ có bố tôi được đi xe và ông thường xuyên lau chùi xe sạch sẽ, vuốt dầu luyn cho từng cái nan hoa.

Đến kỳ thi vào đại học, tôi xin bố cho đi xe đạp và đèo bạn cùng đi. Thoáng ngạc nhiên nhưng rồi bố tôi cũng đồng ý, chúc hai đứa thi tốt. Hôm tựu trường, tôi đèo bố lên địa điểm tập trung rồi về khu nội trú ở ký túc xá của trường. Học hết năm thứ nhất, tôi nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Thống nhất đất nước, tôi về học tiếp đại học và được bố mua tặng một cái xe đạp nhãn hiệu Vĩnh Cửu màu xanh rêu mang đăng ký tên tôi, treo biển kiểm soát HN.0608. Từ đó, tôi chính thức được sở hữu riêng một cái xe đạp...

Tôi mang xe đạp lên ký túc xá trường và luôn lau chùi, giữ gìn xe bóng loáng như bố đã làm trước đây. Thi thoảng, tôi cùng bạn bè đạp xe đi chơi, đi xem phim. Chiều thứ bảy lại vi vu đạp về quê, rồi thong thả đạp xe đi đám cưới, đưa đón dâu. Khi ấy, cuộc sống tuy còn thiếu thốn nhưng tôi luôn cảm thấy thật hạnh phúc.

Sau nhiều năm đi làm ở cơ quan, tôi cũng dành dụm mua được xe máy như bạn bè, đồng nghiệp. Xe Vĩnh Cửu là loại xe đạp thồ có trọng lượng riêng khá nặng nên ngoài tôi thì không ai trong gia đình muốn dùng. Vì thế, tôi mang về quê để bố dùng. Bố tôi rất vui vì nó tiện cho ông treo sọt thồ đan bằng dây thép ở hai bên gác ba ga chuyên dùng chở các loại hàng. Ra đồng, ông chở phân, cuốc, vồ, máy bơm nước..., chở sản phẩm nông nghiệp thu hoạch đưa sang chợ bán.

Ngoài xe thồ, ông sắm thêm một chiếc xe đạp Thống Nhất nữ hai gióng màu xanh lá cây để vi vu đi chơi thăm bạn bè hay đi ăn cỗ cưới. Con cháu bảo lấy xe máy chở ông đi thì ông từ chối vì theo ông, đi xe đạp tiện hơn, lại không bị phụ thuộc...

Tôi dắt chiếc xe Vĩnh Cửu ra giữa sân ngắm nghía, lau sạch vết bẩn rồi nhẹ vuốt một lớp dầu luyn mỏng lên khung xe, vành xe, nan hoa... Nó đã gần 50 năm tuổi mà vẫn chắc chắn, đạp cứ bon bon. Bố đã đến bên lúc nào và chậm rãi nói: “Đúng là của bền tại người. Bố sẽ còn dùng lâu, dùng đến khi nào không đủ sức khỏe thì mới thôi”. Tôi khẽ đáp: “Vâng ạ!”.

Văn Quý Yên