Hà Nội văn

Bức chân dung dang dở

Khuê Việt Trường {Ngày xuất bản}

Trước khi về Mỹ, Hoàn đưa tôi dạo quanh con phố. Anh lái xe chầm chậm như không thể nào chậm hơn nữa. Những quán cà phê buổi chiều đông kín người. Xe cứ đi vòng vòng gần một tiếng đồng hồ như thế. Tôi vòng tay ôm chặt lấy eo Hoàn, cảm nhận từ anh một cảm giác tin cậy lạ lùng. Tiếng Hoàn chen cùng âm thanh hỗn tạp trên đường phố:

ltd2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

- Anh chỉ thích ngồi ở quán nào vắng người.

Xe chuyển hướng qua đường Quang Trung. Tôi sực nhớ ở khu ngoại ô, nơi con đường đất đỏ có nhiều vườn cây trái có một quán cà phê mang tên Dương Cầm. Hôm sinh nhật nhỏ Hiền, nó đã mời bạn bè đến đó chung vui. Quán nằm khuất trong vườn cây, tận cùng là một chiếc dương cầm, thường có một nhạc công ngồi chơi những bản nhạc theo yêu cầu của khách. Còn nếu không có ai yêu cầu, họ sẽ chơi bài “Love Story”. Tôi nghe những âm điệu quen thuộc, rồi lẩm nhẩm trong miệng lời bài hát: “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ, ôi biết nói gì, cuộc đời vắng ngắt...”.

Quán xa, thường chỉ có khách tìm đến vào buổi tối nên tôi và Hoàn đã thực sự có riêng khoảng không gian bình yên cho buổi chia tay.

- Hai tháng nữa anh lại về Việt Nam. Mẹ anh sẽ về cùng anh, em ở nhà không được đi chơi với ai, không được quen ai. Anh ghen lắm đó.

Tôi pha trò:

- Em đi chơi với ông trưởng phòng được không? Ông ta chưa vợ, lại đang chú ý đến em.

Hoàn nghiêm nét mặt:

- Cái thằng cha ốm tong ốm teo đi chiếc City hôm tới nhà phải không? Đàn ông gì mà đôi mắt gian quá. Anh chẳng thích em làm việc ở chỗ đó đâu.

- Nhưng em thích.

Tôi ngừng việc đùa giỡn lại, bởi dù sao ngày mai anh cũng đi rồi. Đi xa. Tôi muốn không khí cuối cùng của buổi chiều này phải yên tĩnh, nếu không nói là thơ mộng.

Đĩa hạt dưa được quán mang ra, tôi cắn từng hạt kêu lách tách, lắng nghe Hoàn mà trong lòng có cảm giác như là đang nghe lời của một người cha với con gái. Anh cứ lặp đi lặp lại những điều dặn dò. Tôi đưa mắt nhìn một cặp bướm vàng đang đuổi bắt nhau trong ánh nắng chiều vương trên kẽ lá. Bỗng dưng tôi buồn ngủ lạ lùng, đôi mắt tôi cứ nhíu lại như thể là tôi vừa uống một viên thuốc ngủ. Tôi cố dặn lòng phải bịn rịn, phải quyến luyến, phải nói với anh một câu lãng mạn, chẳng hạn: “Em nhớ anh lắm, em mong anh. Mong anh trở về”, hoặc: “Em sẽ như con mèo nhỏ, không đi chơi, không bước chân ra khỏi nhà. Em nhớ anh lắm”. Nhưng khi định nói ra những lời đó, tôi có cảm giác như mình là một diễn viên kịch vụng về, thậm chí suýt phì cười với những lời nói sáo rỗng của mình.

Hôm sau tôi tiễn Hoàn ra ga tàu lửa. Tôi lấy cớ bận việc nên không thể đưa anh vào Sài Gòn được. Thực ra, tôi lại có cảm giác như con chim sổ lồng khi chuyến tàu lăn bánh, dù tôi cũng nhón chân, vẫy tay tạm biệt. Mẹ tôi nhìn thấy mắng yêu: “Con gái sắp lấy chồng rồi mà cứ tơn tớn như là con nít”.

Có thể mẹ nói đúng, trong tình yêu tôi vẫn chỉ là con nít. Hoàn hơn tôi 13 tuổi, cái tuổi không thể gọi là nhiều, nhưng khi đi chơi với anh, tôi có cảm giác như tôi là một đứa bé đi theo cha. Tôi thích uống trà lipton nóng nhưng khi vào quán, anh sẽ gọi sữa tươi cho tôi. Anh nói rằng uống trà dễ bị nổi mụn, không tốt. Tôi tặng anh chiếc cà vạt màu đỏ, anh cho rằng mang chiếc cà vạt đó trông thật buồn cười. Tôi có cảm giác như tôi đang lừa dối mình, hay tôi đang ngộ nhận về tình yêu?

Khi Hoàn ngỏ lời sẽ cưới tôi làm vợ, tôi có cảm giác sợ hãi giống như thể tôi phải quyết định một điều gì đó vượt quá khả năng của mình.

***

Cô Phượng của tôi từ Cali gửi về một lá thư, nhắn nhủ: “Cô thấy cậu Hoàn được người, được nết, lại độc thân. Cô đã cho cậu Hoàn xem ảnh cháu, cậu ta ưng ngay. Hoàn hiện đang làm ở một hãng điện tử, lương tháng 4.000 USD, yên tâm về kinh tế. Cậu ta có nhà riêng rồi...”. Ôi, đúng là ở lâu bên xứ người rồi nên cô tôi cũng quen cách cách tính toán y như người Mỹ. Bạn bè nói tôi có số lấy chồng Việt kiều.

Hôm nọ đi theo nhỏ Chi làm cùng cơ quan đến cầu Dứa xem bói, ông thầy cứ lật qua lật lại bàn tay tôi: “Bàn tay đỏ hồng bên trong là số người giàu có, bàn tay có đường chảy ngang là có số xuất ngoại. Số cô sau này nhờ chồng, sướng chứ không khổ đâu!”.

Rồi khi Hoàn đến nhà lần thứ hai, ngỏ ý mời tôi đi chơi, đang buồn tôi cũng thay vội quần áo, theo anh ra phố. Ra phố với người đàn ông sẵn sàng chi tiền cho những thứ mua sắm lặt vặt của mình cũng thích. Rồi đi nhảy đầm. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào vũ trường, tôi có học mấy điệu tango, chachacha ở nhà văn hóa, nhưng nhảy đầm thì chưa bao giờ thử qua. Nhưng tại sao lại không nhảy? Tôi cùng Hoàn bước ra sàn nhảy trong ánh sáng mờ ảo. Mùi nước hoa từ người anh toát ra khiến tôi có cảm giác Hoàn giống như một con bướm đêm đang tỏa hương để quyến rũ bạn tình. Rồi nụ hôn đầu chẳng giống sách vở nào tôi đã đọc diễn ra trên sàn nhảy đó. Dù không có tình cảm nhưng không hiểu sao tôi hoàn toàn không có một phản ứng nào hết, chẳng hạn như đưa tay tát vào mặt anh ta, hoặc ít ra là cự tuyệt anh, giận dỗi trở về lại bàn của mình. Tôi nhắm mắt và đón nhận, nhắm mắt nhận lời tỏ tình kiểu Mỹ của anh: “Em lấy anh làm chồng nghe?!”. Đêm, khi còn một mình trên chiếc giường rộng thênh thang, tôi chong mắt trừng trừng nhìn ngọn đèn ngủ mờ mờ trên vách tường, cố tìm thử một "lỗi nhịp" trong trái tim mình. Nhưng tôi chẳng phát giác ra điều gì hết, ngoại trừ tiếng con thạch sùng đang ẩn náu đâu đó trong phòng nhả ra những tiếng tặc lưỡi.

***

Ngọc hỏi tôi:

- Nghe nói Nghĩa sẽ lấy một ông chồng Việt kiều?

Tôi hỏi lại:

- Nghe ai nói?

Ngọc cười mỉm, lấy tay xoay vòng vòng chiếc ly trước mặt, trong đó đá đã tan ra cùng những giọt cà phê tạo nên một màu nâu lạ. Tôi biết Ngọc buồn, sao lại không biết được điều đó khi trong mắt Ngọc như có một màu khói. Ngọc có cảm tình với tôi tự bao giờ, tôi nào biết? Hình ảnh Ngọc trong tôi gắn với chiếc xe đạp leo núi, với giá vẽ, với hộp sơn, lang thang lên những ngọn đồi mỗi khi nghỉ học. Ngọc vẽ, nét vẽ của anh cũng mềm như ngọn cỏ xanh cứ hững hờ dạt theo gió cuốn.

Mỗi khi ngồi bên Ngọc, tôi có cảm giác như mình đang được che chở. Mỗi khi nói chuyện với Ngọc, tôi có cảm giác như mình đang trò chuyện cùng một người bạn. Tôi không hiểu sao bao nhiêu năm rồi anh cứ rong ruổi với đam mê vẽ vời của mình mà không nghĩ đến một điều gì khác. Ngạc nhiên hơn là bên cạnh anh dường như không thấy bóng một người con gái nào. Ngọc là hàng xóm của tôi, hai nhà cách nhau một vách tường cao. Nhưng ở giữa hai nhà lại có một lỗ hổng ở nơi rào dây thép gai. Đó là chỗ để anh cho tôi mượn một đĩa nhạc hay, là nơi để gọi nhau ra quán ngồi tán dóc...

Tôi hân hoan báo tin với Ngọc là mình sẽ lấy chồng như báo tin mình vừa trúng thưởng một chương trình khuyến mãi. Tôi vô tư đến tội nghiệp mà tôi không hề nhận ra.

Bỗng dưng Ngọc nói:

- Mình vẽ cho Nghĩa một bức chân dung.

Tôi lấy tay sửa lại mái tóc trong gió, rồi khoanh tay, nghiêng đầu:

- Như thế này được chưa?

- Nhìn Nghĩa ở góc nào cũng thấy đẹp hết.

- Đừng có nịnh.

Ngọc không nói tiếp. Gió vẫn thổi tung mái tóc tôi.

Rồi hai đứa rời quán. Ngọc đi trước, dáng anh như một cành cây đang run, tôi chẳng hiểu tại sao tôi có thể ví von điều đó. Rồi tôi cúi xuống, nhặt một viên sỏi, nắm trong tay, cũng chẳng biết làm gì.

Ngọc đã đứng lại, trên lối đi nhỏ vắng tanh. Anh đợi tôi. Tôi bước tới, xòe viên sỏi ra. Tôi định nói: “Nè, viên sỏi thần đây. Nghĩa cho Ngọc một điều ước”. Nhưng vòng tay Ngọc đã choàng chặt vào tôi. Anh đưa môi lên mắt tôi. Tôi run lên như chưa bao giờ được run thế. Thoảng trong gió, Ngọc nói: “Đừng bỏ anh mà đi nghe”. Tôi vùng ra, ùa chạy như đang chơi trò đuổi bắt. Viên sỏi tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất. Ngọc cúi xuống nhặt viên sỏi lên, chạy theo tôi. Anh hét to như một người điên: “Anh yêu em. Anh yêu em”.

Bức chân dung của tôi Ngọc vẽ chưa xong. Bước chân Ngọc càng tới gần, tôi càng biết là tôi sẽ không có chuyến đi nào nữa, dù hai tháng nữa Hoàn sẽ về lại.

Khuê Việt Trường