Hà Nội văn

Chõng tre thương nhớ

Cao Văn Quyền {Ngày xuất bản}

Buổi tối lại mất điện, bố khệ nệ chuyển chõng tre từ hiên nhà ra góc sân, nơi cây mãng cầu xum xuê lá đang cho bóng mát rượi. Lúc đã định hình được chỗ đặt, bố lại trở vào nhà bê thêm ấm nước trà ra ngồi nhâm nhi hóng gió.

Đàn con ngồi trong nhà không chịu được nóng cũng lon ton theo ra, đứa ngồi vắt vẻo, thõng chân đung đưa, đứa lại nằm soài ngửa mặt lên trời nhìn đám lá xanh đang rì rào với gió, rồi thi nhau đếm sao trên trời... Biết bao buổi tối mùa hè đã trôi qua trong bình yên như thế.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Làng tôi hầu như nhà ai cũng có một chiếc chõng tre. Đàn ông trong làng dù khéo léo hay không cũng rất tháo vát chuyện đục đẽo hay làm đồ thủ công như đan rổ rá, làm chõng tre. Bố tôi cũng vậy. Bố học được cách làm chõng từ ông bà ngay khi còn bé xíu, nên khi trưởng thành việc tạo ta một chiếc chõng tre với bố rất dễ dàng. Đầu tiên là những cây tre già vững chắc đã được bố đốn hạ rồi cho xuống ao bùn ngâm chừng một năm mới vớt lên. Tre ngâm dưới bùn lâu ngày ít sợ mối mọt, thời gian sử dụng chõng nhờ thế cũng được kéo dài hơn. Bề mặt chính, bố chuốt những thanh tre mịn màng, lắp ráp khít khe nên dù là ngồi trên chõng tre nhưng chẳng hề thấy cứng hay đau chút nào.

Chõng tre bố làm rất khéo, đủ rộng để cả nhà bốn người ngồi lên vẫn thoải mái. Chõng tre là nơi cả nhà quây quần bên nhau trong các bữa cơm gia đình. Tôi nhớ như in những sáng sớm khi nắng đã lấp lóa sau hiên nhà, mẹ mang ra một nồi sắn bở tơi kèm bát mật mía vàng sánh. Cái vị bùi bở của sắn hòa quyện với vị ngọt của mật mía khiến cho tôi chẳng bao giờ quên được.

Rồi những buổi tối mùa hè nắng nung đỏ lửa. Ngày ấy mạng internet chưa len lỏi về làng quê, còn ti vi chỉ nhà giàu mới có, những hộ gia đình nghèo như nhà tôi ăn tối xong lại quây quần bên chõng tre ngoài sân nói chuyện. Tôi nhỏ xíu xiu, gối đầu lên đùi nghe bố đọc thơ và kể chuyện cổ tích. Thi thoảng lại hỏi những câu hỏi “trên trời dưới bể” để được bố trả lời, giảng giải. Ngày xưa vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố chưa học hết phổ thông nhưng bố lại rất sáng dạ, chữ nghĩa lúc nào cũng ăm ắp. Những câu thơ, câu chuyện bố học được từ ông bà, từ sách vở bố lại truyền cho chị em tôi. Bên chõng tre giữa đêm quê mùa hè, tôi thấy mình như chàng hoàng tử của bố mẹ, hạnh phúc với những điều giản đơn.

Chõng tre còn là nơi những buổi chiều gió lộng, bố và những người bạn thân tình ngồi với nhau bên ấm nước vối, chè xanh và điếu thuốc. Bố và các bác giải lao sau những giờ lao động bằng chén trà và những ván cờ tướng đấu trí. Giữa bóng chiều quê yên ả, đàn chim sẻ lích chích chuyền cành, tiếng của những người đàn ông vang lên trầm ổn, nghe bình yên. Lớn lên thi thoảng trở về nhà, vẫn nhìn thấy bố và các bác giữ thói quen cũ, tôi cũng chỉ ước cuộc sống của mình sau này cũng bình yên trôi qua như vậy.

Giờ đây internet đã lan về tận làng quê, con trẻ không còn thói quen ra sân hóng gió. Thời thế thay đổi, các vật dụng xưa cũng được thay thế bằng những đồ hiện đại, tiện dụng hơn. Đi quanh làng hiếm lắm mới bắt gặp một chiếc chõng tre để ở hiên nhà. Tôi may mắn có được người bố thấu hiểu, luôn gìn giữ ký ức cho các con. Chõng tre nhà tôi vẫn hiện diện ở hiên nhà như một người bạn thuở nhỏ, dù đã qua rất nhiều lần sửa chữa, cơi nới. Sáng nay, những đứa con không còn bé bỏng ngồi bên cha mẹ già mắt nhăn nheo, da đầy vết đồi mồi, cùng nhẩn nha ăn khoai, sắn ôn lại chuyện cũ. Bất chợt trong một khoảnh khắc, tôi thấy mắt mình cay xè. Tuổi thơ quê nhà mãi là thước phim hạnh phúc của đời người mà suốt đời chị em tôi không bao giờ quên được.

Cao Văn Quyền