Hà Nội văn

Món ăn những ngày nghèo khó

Nguyễn Thủy {Ngày xuất bản}

Cây đu đủ sau vườn bị quật ngã bởi trận bão đêm qua. Gió kèm mưa làm hỏng thêm cả rau màu. Những chùm quả đu đủ non có lẽ vì nặng quá mà làm thân cây bị gãy đôi. Nhìn cây đu đủ mà những ký ức của ngày xa xưa lại ùa về, đó là những ngày nghèo đói ăn món lõi đu đủ mẹ muối sao mà thấy ngon đến thế...

z5702427455789_7675defa22ab.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Thời đó hầu như ở quê nhà nào cũng nghèo, đặc biệt là quê tôi, vùng đất miền Trung khắc nghiệt sau mỗi trận bão ập lên xóm làng. Mưa to gió lớn tàn phá nhà cửa, cây cối, hoa màu. Ngoài vườn, chuối, cau, mít, ổi... gãy cành gãy ngọn. Những cây đu đủ là nguồn “dự trữ” thức ăn chính của cả nhà cũng bị bật gốc. Quê nghèo càng nghèo hơn, đã thế nhà tôi lại đông người nên khó khăn thiếu thốn đủ bề. Bữa ăn của gia đình chủ yếu là cơm độn khoai sắn, thức ăn là dưa cà muối mặn. Rau củ bị mưa bão dập hỏng hết nên mẹ phải chắt bóp chế biến. Mẹ đi xin những cây đu đủ mà bão xô đổ trong vườn nhà người ta đem về để làm thức ăn. Món lõi đu đủ xuất phát từ nghèo khó trở thành món ngon thời đó.

Cây đu đủ được mẹ cắt bỏ phần ngọn, chỉ lấy phần gốc về rồi chẻ đôi, dùng dao tách lõi trắng ở phía trong, cắt thành từng đoạn ngắn bỏ vào vại. Mẹ bảo muốn có phần lõi ngon thì chỉ lấy phần gốc, gốc càng to, càng già thì lõi càng nạc. Để lõi đu đủ muối được giòn, trắng thì phải róc vỏ sạch sẽ, cho vào chậu ngâm nước muối tầm nửa tiếng để loại bỏ bớt nhựa và các độc tố trước khi muối. Mẹ cẩn thận xếp lớp đu đủ xen kẽ với muối trắng, xong đâu đó thì đổ nước đun sôi để nguội vào rồi lấy cái vỉ tre nén xuống. Lõi đu đủ muối tầm 10 ngày là có thể lấy ra chế biến. Mẹ tôi khéo tay và có nhiều bí quyết chế biến món ăn, nhất là những món ăn từ lõi đu đủ muối. Khi thì mẹ băm một vài cọng sả rang đảo với lõi đu đủ thái mỏng, lúc lại kho cá hoặc xắt thành sợi xào với tép, có hôm lại thái nhỏ rồi giã cua đồng nấu dấm...

Chỉ với cái thân cây đu đủ bị mưa gió làm đổ tưởng chừng bỏ đi đó mà mẹ đã làm cho cả nhà biết bao bữa ăn có hương vị riêng để tràn đầy năng lượng vượt qua thời nghèo khó. Nhớ có lần vào buổi tối mùa hè, trăng sáng lờ mờ, cả nhà ăn cơm ở ngoài sân, nhà lại đông con nên mẹ dùng đĩa to múc lõi đu đủ ra 2 nơi, mẹ chế biến thơm đến nỗi mấy cô bác hàng xóm sang chơi cứ ngỡ nhà có món thịt gà. Ấy là mẹ xắt mỏng miếng lõi đu đủ nhìn giống như những miếng thịt, rồi giã một ít hành tăm phi lên với chút xíu mỡ lợn thơm phức, đổ lõi đu đủ đã cắt vào xào kỹ cho ngấm, nêm nếm vừa ăn rồi thêm ít lá chanh vào trông thật bắt mắt, ăn vừa giòn vừa thơm tưởng như món thịt gà. Mà với nhà nghèo thời đó, thịt là món xa xỉ.

Năm tháng khó khăn cũng dần trôi qua, xã hội phát triển, làng quê dần xóa đói giảm nghèo, những người con trong làng đã vươn ra khỏi lũy tre để kiếm sống. Bữa ăn trong mỗi gia đình được cải thiện hơn, đủ chất dinh dưỡng hơn và tất nhiên cũng hết cảnh nhà nghèo đi tìm nhặt thân cây đu đủ già bị đổ sau những cơn mưa bão. Tôi cũng được đi đây đi đó và thưởng thức nhiều món ngon, nhưng món ăn ấn tượng nhất mà suốt đời này tôi chẳng thể nào quên là những món ăn mẹ nấu, trong đó có món lõi đu đủ ngày xưa.

Nguyễn Thủy