Hà Nội 360

Gia Lâm hướng tới nông thôn mới văn minh, hiện đại

Ánh Dương {Ngày xuất bản}

Sau khi hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

san-xuat-so-che-rau-theo-t.jpg
Sản xuất, sơ chế rau theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Tú Mai

Tập trung phát triển kinh tế nông thôn

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Đây cũng là cơ sở và lực lượng quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; là tiền đề, nền tảng vững chắc giúp huyện hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phát triển thành quận giàu đẹp - văn minh - hiện đại - bền vững.

Trên cơ sở đó, huyện Gia Lâm đã tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế đô thị gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và mang lại thu nhập cao cho người dân. Toàn huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng nông nghiệp theo quy hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao.

Điển hình là mô hình sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đặng Xá. Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Nguyễn Thị Nam chia sẻ, toàn xã có 109,7ha sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có 42ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất rau tại xã được thiết lập một cách chi tiết và khoa học, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt từ việc chuẩn bị đất, chọn lựa giống cây, chăm sóc cây trồng đến quy trình thu hoạch và bảo quản…, bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Đến nay, Đặng Xá có 7 sản phẩm rau đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao (bắp cải, su hào, cải xanh, cải ngồng) và 3 sản phẩm đạt 3 sao (súp lơ, cải thảo, rau muống). Giá trị sản xuất tại vùng trồng rau của Đặng Xá đạt từ 700 đến 800 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tiêu chí nông thôn mới.

Còn tại xã Phù Đổng, nhân dân trong xã đã tập trung trồng hoa, cây cảnh, chủ yếu là hoa giấy trên tổng diện tích 139,23ha ở các thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Đổng 3, giúp nâng mức thu nhập bình quân của toàn xã lên 74 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, mô hình trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trên tổng diện tích 9.546,5m2 tại khu chùa Thủy, xã Đa Tốn cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đến nay, kinh tế nông thôn của Gia Lâm có bước phát triển vượt bậc: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích lúa còn khoảng 1.000ha, tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; diện tích trồng rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 420,73ha; diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn duy trì 1.693,5ha...

Trên địa bàn huyện Gia Lâm hình thành một số vùng trồng trọt chuyên canh có quy mô từ 20ha trở lên, như: Vùng sản xuất cây ăn quả tại các xã Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Dương Quang, Cổ Bi, Dương Xá; vùng trồng hoa chất lượng cao ở xã Phù Đổng, Kim Lan, Lệ Chi; vùng trồng rau các loại tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao: Mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 500-600 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha; mô hình chăn nuôi đạt 150-200 triệu đồng/năm/hộ.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư

Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Gia Lâm đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến 2023 là 8.730 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước 7.998 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước 732 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 208 tỷ đồng...

Huyện cũng đã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Toàn huyện có hơn 600 hộ dân tham gia hiến 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, đóng góp 18.338 ngày công lao động để làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương…

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đáp ứng đầy đủ 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trung ương thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

“Năm 2024, huyện Gia Lâm tập trung đầu tư, xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh thí điểm của thành phố tại xã Dương Xá gắn với tiêu chuẩn phường để triển khai và nhân rộng; xây dựng nông thôn mới thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững gắn liền với quá trình đô thị hóa; nông thôn mới văn minh, hiện đại, tiến tới đô thị văn minh, thông minh”, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà thông tin.

Ánh Dương