Mở cửa đình làng
Ở Hà Nội, những ngôi đình được tôn tạo ngày một nhiều hơn. Song, trong khi kiến trúc được trả lại thì chức năng sinh hoạt mới chỉ được trả lại... một nửa. Bên cạnh chức năng tín ngưỡng, tâm linh, đình làng xưa còn là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng làng xã. Nhưng giờ đây, nhiều ngôi đình hầu như đóng cửa, chức năng chính là hoạt động tâm linh, chỉ rộng cửa đón cộng đồng trong mùa lễ hội...
Làng tôi nằm ven đô, cách phố cổ chưa đến 10km. Lứa chúng tôi đứa nào cũng nhớ sân đình ngày ấy được gọi là “sân kho”. Dẫu lúc đó hoạt động của hợp tác xã đã “nguội” dần, ngày mùa, sân đình tấp nập trẻ già phơi thóc. Ngày ấy, đình chưa được tôn tạo như bây giờ nhưng thường xuyên mở cửa. Chúng tôi chơi trốn tìm ngay ở hiên đình. Khi chuẩn bị lễ hội, các cụ luyện tập tế lễ, cả đám chen nhau vào xem. Đến ngày hội làng, các cụ thuê một đoàn chèo quê, mấy chiếc chiếu trải ngay trước cửa đình. Người xúm đông xúm đỏ quanh “sân khấu”. Đoàn chèo quê chỉ có mấy diễn viên. Hết cảnh, diễn viên lại chạy ra thay quần áo rồi vào diễn vai khác. Thế thôi mà vui lắm.
Với thế hệ sinh trước năm 1980 như chúng tôi, ngôi đình hết sức gần gũi. Sau mấy lần tu sửa, đình ngày càng trang nghiêm, nhưng cũng vì thế ngày càng xa cách hơn. Cửa đình đóng kín, chỉ mở mỗi cánh cửa bức bàn phía bên trái. Trong mắt mọi người, đây là nơi của mấy cụ trong ban di tích. Trẻ con bén mảng đến thì lập tức người lớn nhắc nhở. Nhắc nhở mà vẫn mon men thì bị “dọa” là “thánh phạt”...
Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng nghìn ngôi đình. Đình ở quê, đình trong phố, đình "theo" làng lên phố. Khi lên phố, nhiều tên làng mất đi nhưng tên đình vẫn còn. Nó lưu giữ ký ức làng quê một thuở. Chắc nhiều người sẽ tự hỏi vì sao xứ Đoài có những ngôi đình không xây tường? Nhiều ngôi đình chỉ có những hàng cột “thông thống” suốt mấy gian, như đình Tây Đằng. Đình Chu Quyến cũng chẳng có tường bao. Dưới mái đình chỉ có hàng lan can mà thôi. Đình càng cổ xưa, kiến trúc ấy càng phổ biến.
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Ngôi đình là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, thuộc về cộng đồng nên không giống sự thâm nghiêm của đền, chùa. Kiến trúc của đình luôn có tính mở. Cây đa, bến nước, mái đình tạo thành một tổng thể không gian công cộng ở làng quê. Ngôi đình không chỉ là nơi của “các cụ”. Mọi người đều coi đó là nơi tụ họp, nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa. Ngày hè, người ta rủ nhau ra gốc đa, ngôi đình hóng mát. Chuẩn bị lễ hội, các bà, các chị cũng luyện tập biểu diễn văn nghệ dân gian ngay dưới mái đình. Chiếu chèo sân đình song hành với văn hóa vùng Bắc Bộ cũng là vì thế.
Ngôi đình xưa “đa chức năng”. Không chỉ là nơi thờ thành hoàng mà còn là nơi chức dịch giải quyết việc làng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Không chỉ làng quê, mà ở phố xưa cũng thế. Đình Tú Thị, dịch nguyên nghĩa là “Đình chợ thêu”, không chỉ là ngôi đình thờ Tổ nghề mà còn là “chợ”, nơi người dân bán các sản phẩm thêu thùa. Chuyện như thế trong khu phố cổ không phải là hiếm. Người dân các nơi lên phố cổ lập phường nghề, xây dựng không gian thờ tổ nghề, và cũng lấy luôn đó là không gian sinh hoạt.
Sau này, tôi mới biết đó không phải chuyện riêng của làng tôi. Hóa ra, cái thời mà di tích “chưa được quan tâm” như hồi tôi còn bé lại là “đoạn cuối” khoảng thời gian ngôi đình gần gũi với mọi người. Hình như càng được quan tâm tu bổ thì ngôi đình càng trở nên xa cách với người dân.
Hà Nội đang phát triển, ngày một hiện đại hơn, đông đúc hơn, chật chội hơn. Càng là khu vực đô thị hóa mạnh thì diện tích dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng càng hiếm. Bất giác tôi nhớ lại tuổi thơ dưới mái đình, đến hình ảnh trẻ già tụ tập hóng mát, chuyện làng, chuyện xóm dưới mái đình. Cuộc sống là một dòng chảy biến đổi không ngừng nghỉ. Nhưng dòng chảy ấy luôn cần có sự kế thừa và phát huy. Vẫn có những ngôi đình đang thực hiện chức năng không gian sinh hoạt văn hóa, nhưng thực tế không nhiều. Ở nhiều khu dân cư, nhất là ở những địa bàn đất chật, người đông như các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa..., không dễ tìm ra nơi hội họp dân cư. Trong khi đó, nhiều ngôi đình vẫn đang đóng cửa.
Sự kế thừa là cần thiết, dẫu cần có chọn lọc. Đã có những gợi ý đầu tiên, như câu chuyện của đình Nam Hương ở quận Hoàn Kiếm. Ngôi đình bây giờ là không gian văn hóa, nơi diễn ra nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, nhất là các cuộc triển lãm gắn với tranh dân gian Hàng Trống. Hay một trường hợp khác là đình Kim Ngân, cũng nằm trong phố cổ. Qua đó để thấy, đình cần được trả lại chức năng ban đầu, là không gian sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng.