Sống đẹp

Đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu

Nguyễn Văn Công 27/08/2024 12:09

Đối với ngành vận tải hành khách công cộng, sự an toàn của hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Sự an toàn không chỉ nằm ở tay lái, vô lăng của lái xe mà còn ở sự chuyên nghiệp và linh hoạt của họ khi xử lý những sự vụ phát sinh, hy hữu liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hành khách khi trên xe.

Xử lý chuyên nghiệp, linh hoạt

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một video ngắn thu hút gần 50.000 lượt thích với nội dung một lái xe buýt tuyến số 33 Xuân Đỉnh - Cụm công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội) cõng một hành khách bị ngất xỉu vào cấp cứu trong Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội.

tai-1.jpg
Công nhân lái xe buýt tuyến số 33 Nguyễn Sỹ Long bế nữ hành khách bị ngất xỉu vào bệnh viện.

Theo đó vào ngày 17-7, công nhân lái xe Nguyễn Sỹ Long và nhân viên bán vé Nguyễn Thị Hương Lý cho xe xuất bến như bình thường. Khi đi đến đoạn đường Phạm Văn Đồng, bỗng trên xe có một nữ hành khách bị ngất xỉu. Mọi người trên xe tri hô thì chị Hương Lý đã xuống xem xét tình hình và cố gắng trợ giúp nữ hành khách tỉnh lại. Tuy nhiên nữ hành khách có biểu hiện lịm đi, mặt mũi tái nhợt.

Trước tình hình trên, lái xe Nguyễn Sỹ Long đã xin phép hành khách trên xe thông cảm để anh điều chỉnh lộ trình và lái thẳng xe vào bệnh viện gần nhất để cấp cứu cho nữ hành khách. Đồng thời chị Hương Lý gọi điện về trung tâm điều hành để báo cáo tình hình. Sau khoảng hơn 5 phút, anh Long đã lái xe đến trước Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và anh Long đã cõng nữ hành khách đi thẳng đến bộ phận cấp cứu.

Rất may, sau khoảng 5 phút được bác sĩ thăm khám nữ hành khách đã tỉnh lại. Sau đó anh Sơn và chị Hương Lý đã trở về xe buýt và tiếp tục hành trình. Trước phản ứng trên của anh Sơn và chị Hương Lý, những hành khách trên xe đã tán dương và khen ngợi sự chuyên nghiệp và linh hoạt của anh chị.

Anh Nguyễn Sỹ Long cho biết: “Tất cả mọi công nhân lái xe và nhân viên bán vé đều được tập huấn rất kỹ những tình huống phát sinh trên xe buýt và cách xử lý tốt nhất với tôn chỉ đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của hành khách lên hàng đầu. Bất kỳ công nhân lái xe nào trong trường hợp của tôi đều cũng sẽ xử lý như vậy. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn những hành khách trên xe đã giúp đỡ, cảm thông trong những tình huống như trên”.

Chị Nguyễn Thị Hương Lý thì chia sẻ: “Tôi mới gắn bó với nghề bán vé trên xe buýt được hơn một năm, tuy nhiên cũng đã gặp không ít những tình huống phát sinh đòi hỏi nhân viên bán vé phải có kỹ năng cũng như tập huấn từ trước. Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe của hành khách phải được đặt lên hàng đầu và lấy sự hài lòng của hành khách làm thước đo chất lượng dịch vụ. Đối với tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui, càng ngày tôi càng yêu công việc này hơn. Thật hạnh phúc khi được đồng hành cùng hành khách đi làm, đi học mỗi ngày trên những chuyến buýt văn minh, tiện ích”.

Thi đua nghìn việc tốt trong ngành

Đối với những người làm trong ngành Giao thông vận tải, tháng 8 là một tháng rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn, bởi ngày 28-8 là ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải. Năm nay, ngành Giao thông vận tải sẽ kỷ niệm 79 năm truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2024), vì vậy Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã phổ biến và phát động các đơn vị vận hành phong trào thi đua trong toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, tháng 8 cũng là tháng thi đua gặt hái nhiều thành tích, lan tỏa phong trào người tốt việc tốt nhân ngày truyền thống của ngành.

Điển hình, vào ngày 5-8, chị Nguyễn Hồng Anh (thị xã Sơn Tây) có đi chuyến buýt số 111 Bến xe Sơn Tây - Bất Bạt nhưng đã vô tình đánh rơi chiếc điện thoại iPhone 15 trên xe. Sau khi về đến nhà, chị Hồng Anh mới tá hỏa khi phát hiện không còn chiếc điện thoại trên người. Ngoài giá trị chiếc điện thoại lớn chị Hồng Anh còn lo sợ vì điện thoại chứa rất nhiều thông tin quan trọng của chị. Cùng lúc đó trên xe buýt 111, công nhân lái xe Nguyễn Mạnh Tùng và nhân viên bán vé Phùng Thị Hà phát hiện một chiếc điện thoại iPhone nghi do của hành khách làm rơi trên xe. Hai anh chị đã báo cáo sự việc về trung tâm điều hành để tiến hành tìm chủ nhân chiếc điện thoại. Đến ngày hôm sau, chị Hồng Anh nhận được tin báo đến Bến xe Sơn Tây nhận lại tài sản.

“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến anh chị và hy vọng rằng Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco và Xí nghiệp Bus 10-10 sẽ biểu dương tinh thần, hành động đẹp của anh chị, để có nhiều người hơn nữa học hỏi và noi gương theo anh chị. Những hành động đẹp như vậy không chỉ mang lại niềm vui cho người nhận mà còn lan tỏa tinh thần yêu thương và trách nhiệm trong cộng đồng” - chị Hồng Anh viết trong thư cảm ơn.

tai-2.jpg
Trao trả tài sản để quên trên xe buýt cho hành khách tại tuyến buýt 112.

Hay như trường hợp để quên đồ trên xe buýt của bà Đỗ Thị Trách, 70 tuổi ở thôn Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) ngày 25-7 đã thể hiện sự trách nhiệm và chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ xe buýt. Buổi trưa hôm đó bà Trách bắt xe buýt tuyến 103 Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) ở Hà Đông. Khi xuống xe ở Bình Đà, bà Trách đã để quên túi đồ, bà rất buồn và nghĩ không thể tìm lại được nữa.

Song, chỉ khoảng nửa giờ sau, có một nhân viên bán vé đã gọi điện cho bà và hẹn và ra điểm buýt Bưu điện Bình Đà để nhận lại. Do là khách quen nên nhân viên bán vé nhanh chóng tìm được số điện thoại của con gái bà Trách để liên lạc. Sau khi nhận lại đồ bà Trách có viết thư tay cảm ơn, trong đó có đoạn: “Cảm ơn xe buýt Hà Nội đã tuyển được những nhân viên có tấm lòng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn nghĩa cử tốt đẹp này!”.

Vào khoảng 18h ngày 5-8, trên xe buýt số 12 Công viên Nghĩa Đô - Khánh Hà (Thường Tín) xảy ra sự việc một nữ hành khách bị ngất xỉu trên xe. Khi đó đã về gần đến cuối bến Khánh Hà, công nhân lái xe Đoàn Văn Hà và nhân viên bán vé Nguyễn Đức Hải đã cõng nữ hành khách khoảng 100 mét chạy thẳng vào Trạm Y tế xã Khánh Hà để sơ cấp cứu. Rất may, sau mấy phút được hỗ trợ y tế nữ hành khách đã tỉnh lại và gọi người nhà đến đón về. Anh Hà chia sẻ: “Lúc đó chúng tôi rất hốt hoảng nhưng biết điểm cuối gần trạm y tế nên đã đi thẳng về bến thật nhanh. Sau đó anh Hải cõng nữ hành khách vào trạm, cho dù rất mệt vì quãng đường xa nhưng chúng tôi rất vui vì đã giúp đỡ được hành khách”.

ba-luan.jpg
Nhân viên bán vé Hoàng Phương Chi trao trả tài sản cho người nhà bà Luân.

Hay như trường hợp của bà Trịnh Thị Luân (quận Hà Đông) vào ngày 30-5, bà Luân đi xe buýt tuyến 01 Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Gia Lâm, biển kiểm soát 29F-002.04 và khi xuống xe có để quên 1 vali đồ trên xe. Sau đó bà Luân đã liên hệ với đường dây nóng và được thông báo công nhân lái xe Nguyễn Việt Hà và nhân viên bán vé Hoàng Phương Chi có phát hiện một chiếc vali để quên trên xe và hẹn bà Luân đến nhận lại tài sản. Bà Luân vô cùng biết ơn vì trong vali của bà có chiếc máy trị liệu sức khỏe trị giá gần 8 triệu đồng.

Ông Trần Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Tân Đạt (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho biết: Cứ 10 ngày một lần, tất cả chúng tôi đều có thống kê các hoạt động của công nhân lái xe và nhân viên bán vé trong đó có quá trình nhân viên phục vụ hành khách. Chúng tôi luôn đặt sự an toàn và hài lòng của khách hàng lên hàng đầu để tập trung phục vụ. Tại các lớp đào tạo, chúng tôi không chỉ mời chuyên gia đến chia sẻ mà còn để đội ngũ nhân viên trao đổi, tương tác và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ra sức thi đua, lao động đạt thành tích và hiệu quả cao.

Nguyễn Văn Công