Hà Nội văn

Nhà rộng, nhà hẹp

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ {Ngày xuất bản}

Nhung đứng trước gương ngắm chiếc váy hoa cô mua ở nước ngoài, cả màu hoa và kiểu may làm cô ưng ý nhất trong tủ đồ của mình. Nhung hình dung mọi người sẽ dồn ánh mắt, xuýt xoa trước nhan sắc, phong độ của cô trong buổi gặp mặt bạn học cũ lớp 12B nhân kỷ niệm 15 năm ra trường.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Ngày ấy, đúng hơn là từ hồi lớp 10, Nhung đã có cảm tình với Dũng. Nhung ngồi bàn trên, Dũng ngồi ngay phía sau. Bắt đầu từ việc mượn sách mượn vở, rồi những buổi cùng nhau ôn tập chuẩn bị kiểm tra học kỳ, hai đứa có vẻ tâm đầu ý hợp. Dũng thường chép bài giúp Nhung những lần cô nghỉ ốm, có lần tối mịt anh còn đến nhà Nhung giảng lại bài, cùng cô làm bài tập. Một lần vào buổi tối, mẹ Nhung bỗng lên cơn hen, khó thở. Bố đi công tác vắng, vợ chồng anh trai thì ở riêng, trong lúc Nhung cuống quýt không biết xoay xở ra sao thì Dũng chủ động gọi xe đưa bà đến bệnh viện cấp cứu, rồi chạy đôn đáo làm thủ tục giấy tờ, mua thuốc và đưa bà về lại nhà sau khi bác sĩ đã xử lý y thuật. Nhung rưng rưng: “Cảm ơn Dũng nhiều! Một mình Nhung lúng túng quá!”. Dũng xua tay: “Ơn huệ gì! Mẹ Nhung cũng như mẹ Dũng mà”.

Tình bạn thân thiết dần chuyển thành “tình yêu học trò” khi hai người học năm cuối phổ thông trung học. Dũng cao lớn vạm vỡ, gương mặt hiền, hay cười và thường nói chuyện khôi hài, thu hút không ít bạn nữ trong trường. Nhung da trắng, mái tóc đen xõa ngang vai, cặp mắt to tròn, chiếc răng khểnh càng làm cô thêm duyên dáng. Những lần sinh hoạt ngoại khóa hay tập văn nghệ, đôi bạn cứ quấn quýt bên nhau. Đám bạn cùng lớp xầm xì: “Đẹp đôi nhỉ! Không biết chừng cuối năm hai đứa cho bọn mình ăn kẹo cũng nên?!”.

***

Một buổi tối đầu thu, sau khi đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, Dũng và Nhung sánh vai nhau thả bộ bên hồ Thiền Quang. Những làn gió mát thổi nhè nhẹ làm mái tóc Nhung bay sang chạm vào má Dũng. Chợt Dũng nắm tay Nhung, kéo cô ngồi xuống ghế đá ven hồ. Nhung thấy ngực mình nóng ran, một niềm xao xuyến kỳ lạ. Dũng bất ngờ ôm lấy Nhung, hơi thở ấm nóng bên tai cô, anh thủ thỉ: “Mình đi đăng ký kết hôn, có được không, Nhung?”. Cô gái ngạc nhiên, cười rồi đẩy nhẹ tay Dũng: “Sao thế? Hà Nội không vội được đâu mà Dũng!”. Rồi Nhung bảo cần thời gian để hiểu thêm về nhau, về gia đình hai bên, hơn nữa còn phải mấy năm học đại học, ra trường có việc làm, chứ bây giờ về với nhau thế này chắc chắn phụ huynh không bao giờ đồng ý. Dũng bóp chặt tay Nhung: “Nhất trí với ý kiến thủ trưởng!”.

Ít hôm sau, Dũng đưa Nhung về nhà giới thiệu với bố mẹ. Nhà Dũng trên gác hai trong một số nhà có nhiều hộ ở phố cổ. Căn phòng chỉ chừng 25 mét vuông, có bố mẹ, Dũng và cậu em trai đang học lớp 9. Bố mẹ Dũng làm công nhân, sắp đến tuổi nghỉ hưu. Lúc Dũng đưa Nhung về, hai đứa vào quán uống nước. Nhung hỏi: “Nhà Dũng ở đây lâu chưa?”. Dũng bảo: “Nhà này gốc của nhà bà nội. Ông nội mình là chiến sĩ Điện Biên Phủ, sau khi về tiếp quản Thủ đô thì ông lấy bà và ở đây từ đó đến nay. Các hộ trong số nhà này đều là họ hàng, chú bác, anh em với nhau. Sau khi ông bà nội mất, nhà mình tiếp tục sống ở căn phòng ấy”. Nhung im lặng, có vẻ suy nghĩ lung lắm.

Rồi Nhung dẫn Dũng về nhà mình, gặp bố mẹ, còn đưa Dũng đến nhà bác, chị ruột của bố Nhung. Không khí những lần gặp gỡ ấy đều vui vẻ. Bố Nhung nói riêng với con gái: “Cậu chàng này nom có chí khí, có trách nhiệm đấy. Nhưng... quyết định thế nào là tùy ở con”. Bác gái Nhung gọi cô đến nhà, nói thẳng: “Nhà nó chật như hũ nút, lấy nhau thì chui vào đâu? Thời buổi này cái nhà là đầu tiên, có an cư mới lạc nghiệp. Mày có phải ma chê quỷ hờn gì đâu mà đâm đầu vào đấy!”. Nhung lúc đầu nghe bác nói hơi sốc. Rồi nhiều đêm ngẫm nghĩ, cô thấy bác nói vậy cũng là vì thương cháu gái, cũng có cái lý của nó.

Nhung nói lại ý của bác gái cho Dũng nghe. Anh buồn ra mặt. Rồi Dũng hỏi: “Thế ý Nhung thế nào?”. Nhung nói rất nhỏ: “Các cụ nhà Nhung còn bảo thủ lắm. Nhung không thể sống chỉ theo ý mình được”. Là người tự trọng cao nên Dũng không khẩn cầu, xin xỏ tình cảm của Nhung. Thời gian đầu anh còn gọi điện cho Nhung, nhưng về sau hai người cứ xa dần, xa dần. Họ ít gọi điện, nhắn tin như xưa nữa, cũng không gặp nhau thêm lần nào.

***

Nhung tốt nghiệp đại học loại giỏi, lại được nhận học bổng làm thạc sĩ ở nước ngoài. Thời gian đầu xa Dũng cô cũng trăn trở, dằn vặt ghê gớm với nỗi nhớ và bao kỷ niệm đẹp của tình yêu học trò. Rồi theo thời gian, Nhung cũng dần nguôi ngoai, nhất là từ khi quen biết và có cảm tình với một anh phó tổng giám đốc một tập đoàn trong thời gian cô đang học ở nước ngoài. Viễn cảnh về một cuộc sống đầy đủ với biệt thự hàng trăm mét vuông, tiện nghi hiện đại, xe sang... được anh chàng doanh nhân vẽ ra làm Nhung dường như quên hẳn Dũng với căn phòng chật chội ở phố cổ. Kỷ niệm ấy cứ mờ dần và rơi vào quên lãng lúc nào cô cũng chẳng biết.

Sau khi lớp 12B chia tay, đa phần vào đại học, đứa thì mở công ty kinh doanh, sản xuất, có đứa đi nước ngoài học rồi định cư luôn... Mỗi người một con đường nên gần như bặt tin về nhau. Riêng Dũng, Nhung cố tình không quan tâm đến anh, mong quên đi quá khứ để sống cho hiện tại và tương lai. Cô chỉ nghe đám bạn kháo rằng, Dũng xung phong đi nghĩa vụ quân sự ngay sau khi nhận kết quả tốt nghiệp phổ thông loại giỏi.

Bảo vệ xong luận văn thạc sĩ, về nước Nhung tổ chức đám cưới ngay. Tổ ấm của vợ chồng cô là căn biệt thự ba tầng có cây xanh, hồ bơi riêng. Sướng nhất là nhà rộng rãi, nội cái việc lau dọn cũng phát mệt. Nhà cô trong khu đô thị mới, có bảo vệ canh gác 24/24. An ninh cực kỳ bảo đảm. Nhung được chồng xin việc làm chỗ quen biết, dần dần lên chức trưởng phòng tại một tổng công ty. Cô thường được chồng chở ô tô đi làm, thi thoảng mới tự đi xe máy.

Một hôm đi làm về, Nhung bỗng thấy quanh các ngả đường vào khu đô thị xuất hiện nhiều người mặc áo grab ngồi trên xe máy, đa phần tóc cắt cua, mặt mũi bặm trợn, tay xăm trổ cầm cốc nước hút hút như đang đợi khách. Lượng ô tô con ra vào khu đô thị có vẻ đông hơn thường ngày. Đúng lúc Nhung dừng xe máy trước barie thì một chiếc ô tô con màu đỏ vừa trờ tới. Lập tức mấy người grab bật dậy nhanh như cắt, lao tới chặn xe, khống chế lái xe. Cửa xe bật mở, gã tài xế không kịp trở tay, miễn cưỡng đưa tay vào còng số tám. Xe cảnh sát ập đến đúng lúc, đưa tất cả về căn biệt thự sát nhà Nhung tiến hành khám xét. Ra là bọn tội phạm thuê căn biệt thự này làm nơi tập kết ma túy chuyển từ biên giới về rồi chia nhỏ, chia nhau đưa đi tiêu thụ tại các vũ trường, quán bar trong thành phố. Nhung sực nhớ lại mấy tháng trước chị bạn làm cùng đã buồn bã kể rằng, em trai chị ta mới qua đời do sốc ma túy vì chích quá liều...

***

Bước vào buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm ra trường, lớp 12B được cựu lớp trưởng thông báo một tin dữ: “Bạn Phạm Tiến Dũng của lớp ta, nhà ở phố cổ Hà Nội, vừa hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại biên giới”. Nhung hốt hoảng: “Dũng nào? Có phải Dũng ngồi bàn phía sau tớ phải không?”. Lớp trưởng bảo tin từ gia đình và đơn vị của Dũng nên rất chính xác. Cả lớp trầm hẳn xuống, thống nhất cùng qua nhà động viên gia đình Dũng. Thấy các bạn học phổ thông của con đến nhà, bố mẹ Dũng bật khóc nức nở. Nhung ôm lấy mẹ Dũng. Hai bác cháu cùng òa khóc. Nhung nấc lên: “Bác tha lỗi cho con...”.

Chiều hôm sau, lễ truy điệu Đại úy Phạm Tiến Dũng được cử hành. Thì ra sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dũng xung phong đi nghĩa vụ công an, rồi anh thi vào Đại học Cảnh sát. Ra trường, Dũng được điều về một đơn vị cảnh sát phòng chống ma túy. Trong một chuyên án phá đường dây sản xuất, vận chuyển ma túy lớn từ nước ngoài vào nội địa, tổ trinh sát của Dũng được giao nhiệm vụ chặn đường rút lui của nhóm tội phạm. Mặc dù chúng chống trả quyết liệt nhưng đơn vị vẫn bắt gọn các đối tượng cùng tang vật. Nhưng trước đó không may Dũng đã bị trúng đạn của một đối tượng nấp trong bụi cây cách đó không xa...

***

Thi hài liệt sĩ Phạm Tiến Dũng được phủ lá quốc kỳ đỏ chói với ngôi sao vàng rực rỡ, trang trọng. Khói hương vấn vương bên những vòng hoa trắng khiến mọi người không cầm được nước mắt. Các bạn học cũ không ai bảo ai đều rưng rưng xúc động. Riêng Nhung, cô ôm ngực cố nén những tiếng khóc chực bật ra thành tiếng. Ánh mắt Dũng trong khung ảnh như nhìn cô, nửa như trách móc, nửa như hứa hẹn một điều gì đó tốt đẹp trong tương lai.

Nhung thầm khấn, như nói riêng với Dũng: “Anh Dũng ơi, em thật nhỏ bé, quá nhỏ bé trước anh... Đến bây giờ em mới phần nào hiểu anh... Nhà rộng hay nhà hẹp đâu có nghĩa lý gì đối với sự hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân của anh, phải thế không anh? Anh hãy yên nghỉ và đừng trách cứ gì em, anh nhé!”.

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ