Hà Nội văn

Như những dòng sông

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng {Ngày xuất bản}

Hồi chiến tranh, tía tôi đi công tác và hy sinh trên dòng Mê Kông, lúc đó tôi mới tượng hình sáu tháng.

Tôi sinh ra trong rừng tràm, tuổi thơ quanh quẩn với cây cối, chim chóc và súng ống. Lớn lên chút, má xin cho tôi về một đơn vị khai hoang và sản xuất. Hồi đó cực mà vui, ban ngày cày cấy, ban đêm rủ nhau qua phum(1) ở bờ bên kia biên giới chơi với tụi thằng Sét, thằng Cay. Tụi nó trạc tuổi tôi, cùng bú chung bầu sữa bà mẹ Rết.

mh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Bấy giờ tôi đã mười tám tuổi, nhưng lâu lâu không qua phum, tôi lại nhớ cái mùi dầu khuynh diệp trong nhà bà mẹ Campuchia biết rành tiếng Việt. Nhớ thì lại sang, tôi lại ùa vào lòng mẹ nói, “con nhớ me(2) quá chừng”. Mẹ cười, kêu Sét và Cay bắt con gà, xé khoai để anh em nhậu chơi. Tôi không lạ gì hũ gạo, mắm đường mẹ cất ở đâu trong gian bếp. Nồi cháo thơm lừng, con gà xé khoai nằm trong đĩa, thể nào tôi cũng lấy cái cánh xé nhỏ để vào chén mẹ, rồi mẹ lại gắp cho tôi cái mề. Sự thân thuộc ấy đã thành nếp quen rồi. Không ai giành cái mề gà với tôi, bởi mẹ hay nhắc, “thằng Hai nó thích ăn nhứt đó”.

Thân như máu thịt, mẹ Rết và cả phum thương tôi cũng như tôi thương cái phum ấy, như cánh đồng tràm ngâm giữ cuống rốn của mình. Vậy nên tôi đã khóc trong lúc gọi về cho má hay: “Người ta đánh mình thiệt sao vậy mẹ?”. Tôi chạy về phía núi, nơi đơn vị du kích đang đóng ở công sự. Có tiếng hỏi vọng ra: “Thằng kia, chạy đi đâu đó?”. Tôi sựng lại: “Tui ở đồng tràm ra, trong đó bị pháo”. Người đàn ông đứng lên, đó là cậu Năm, đồng đội của má tôi. Cậu nắm lấy tay tôi: “Bây giờ lộn xộn, mầy chạy về không được đâu. Thôi ở lại đây với tao, có mắm ăn mắm có rau ăn rau”. Tôi bậm môi, gật đầu. Cậu đưa tôi khẩu súng rồi nói: “Giữ đó”...

Tôi tìm về làng sau cả ngày lội tắt qua mấy cánh đồng cỏ cao tới ngực. Khi ấy chiến sự đã lộ rõ khuôn mặt nhám nhúa, đầy máu lửa. Tôi không hiểu tại sao mình lại bước vào một cuộc chiến khi cả hai quê hương vừa mới cất súng vào kho chưa ráo mùi thuốc cháy. Tôi lại thấy sông, con sông Mê Kông chảy qua đất mẹ, con sông Mê Kông có tía tôi lênh đênh đầu bãi cuối gành nào đó, con sông Mê Kông vấy máu đỏ, càng lúc càng loang xa, má tôi chèo xuồng chở tôi trên đó...

Tôi cứ chập chờn hình ảnh Sét và Cay bị bắt lính. Bọn họ bắt bận bộ đồ màu đen, cầm cây súng và chỉ về phía tôi, hét to: “Bắn! Bắn đi”. Tôi nhìn, đôi mắt Sét và Cay đầy nước, rồi ùa chảy như con đê lớn hôm bị pháo bắn sang, tràn trề nước. Nhưng mũi súng ngắn đã kê vào thái dương Sét và Cay. Tôi hét to: “Sét ơi! Cay ơi!”, rồi giật mình tỉnh giấc. Không biết Sét và Cay có bắn tôi không, hay là tôi sẽ bắn Sét và Cay… Chợt lòng nghe dậy lên tiếng gọi “trời ơi!” sao mà thăm thẳm. Nhưng đó là mơ thôi. Tôi tin mẹ Rết có cách để Sét và Cay trốn, không bị bắt đi lính. Mẹ rành rẽ chuyện đời, bà sẽ không để những đứa con của bà chết trong lửa đạn.

Tôi 21 tuổi, vẫn ở cùng mấy cậu vừa trồng lúa vừa giữ làng. Má về thăm tôi, bà không buồn nhưng hình như cũng không vui. Má hỏi, con có sợ chết không? Tôi cầm tay má, con chỉ sợ đau, chứ không sợ chết. Con chết thì con không tiếc nuối gì, nhưng con sống mà để con đau, má đau, quê hương mình đau thì con quyết chết. Má cầm chắc tay tôi, rưng rưng: “Giống chi mà giống hệt thằng cha mầy con ơi!”.

Tôi biết, là con, mình không nên để những bà mẹ khóc thêm lần nữa.

***

Ít lâu sau, má nhờ người quen chuyển thư cho tôi. Trong thư nói rằng, má đã gặp cả nhà mẹ Rết ở bệnh viện ngoài Châu Đốc. Mẹ Rết bị thương, đoàn tản cư được cứu sống đưa xuống Châu Đốc. Mẹ Rết sau khi khỏe lại thì đòi về, đòi tìm tôi bằng được để gửi Sét và Cay đi theo. Má dặn rằng, nếu gặp mẹ Rết và mấy đứa thì tìm cách giúp họ. Gấp thư lại, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì nhà mẹ Rết còn sống, buồn vì tự hỏi tại sao họ không ở lại Châu Đốc mà quyết lên tìm tôi làm chi? Ven biên vẫn chưa yên tiếng súng, cơm gạo thiếu thốn đủ điều, sức khỏe mẹ lại đang yếu...

Tháng Sáu, sau cơn mưa, màn đêm chìm xuống nhanh đến lạ. Hôm nay là ngày rằm mà chẳng thấy trăng sao. Tôi chuẩn bị ngủ thì cậu Năm lay võng: “Hai! Xuống đây, có chuyện”. Tôi lật đật ngồi dậy theo ra phía bìa làng. Cậu Năm nói: “Anh em bắt được một tên Khmer Đỏ, nó khai có quen thân với con. Con coi đúng không, để tính”. Tôi linh cảm ngay một điều xấu, và đúng như hình dung trong đầu, trước mặt tôi là thằng Sét đang quỳ dưới gốc cây gáo, hai tay bị trói chéo ra sau, vẫn còn nguyên bộ đồ đen của lính Khmer Đỏ. Thấy tôi, Sét mếu máo: “Bòn(3) Hai, bòn Hai... Me chết rồi bòn ơi...”.

Tôi như chết cứng người, tim đập mạnh muốn văng khỏi lồng ngực. Tôi lại ngồi kế Sét:

- Me chết hồi nào? Còn

Cay đâu?

Sét thôi giàn giụa nhưng vẫn không cách nào quệt đi nước mắt:

- Me và on(4) bị ăng ka(5) bắt đi gánh đạn. Me và on trốn, trên đường đi me bị bắn chết. On mang xác me chôn ở chùa Tà Suốt. Rồi on trốn, hỏi thăm cả tháng nay mới lần mò về đây tìm bòn thì bị bắt. Còn Cay, nó đói quá nên không chịu trốn đi, nó theo ăng ka rồi Hai ơi.

Sét nhìn tôi, rồi nhìn những người đứng xung quanh, nói như van xin:

- Bòn cho on theo bòn nha. Chứ bây giờ on đói lắm, không biết đi về đâu.

Tôi không biết phải ứng xử ra sao. Lòng thì muốn Sét theo tôi, chơi chung từ nhỏ nên tôi biết Sét không phải là đứa ác, nhưng tôi không thể tự quyết định được. Tôi xin ý kiến cậu Năm, cậu im lặng hồi lâu rồi nói: “Kiếm gì cho nó ăn. Việc này để mai tính”. Tôi lấy bánh tét cho Sét ăn, vừa ăn Sét vừa khóc: “Lâu lắm rồi on mới được ăn bánh tét. Lâu, lâu lắm rồi Hai ơi”...

Sáng sớm, cậu Năm gọi tôi lên, nói sẽ chuyển Sét cho đơn vị bạn, mình không thể giữ Sét ở đây được. Tôi cũng không biết nói sao, chỉ xin gặp Sét lần cuối nhưng không được. Cậu đã bàn giao Sét từ hồi khuya rồi.

Mắt tôi ứa như một dòng sông, đó là dòng Mê Kông bao đời người quê tôi và quê Sét uống no tắm mát. Con sông của tôm cá của phù sa, có đục có trong, có nước rong nước kén nhưng chưa bao giờ sông giận dữ dỗi dòng, chưa bao giờ sông tuôn những đợt mênh mông và đau đớn như lúc này. Sét ơi, Mê Kông có khi nào sẽ cạn đâu, Sét ơi!

***

Tôi gặp lại Sét sau đó một năm. Bây giờ Sét là một trong những du kích của phía bạn được cử phối hợp với chúng tôi hỗ trợ quân chủ lực đánh đồn Tà Suốt. Sét ôm tôi mừng như từ cõi chết trở về gặp nhau. Sét cười, rồi Sét lại khóc: “Cay là lính đồn này… Đêm nay nếu on và Cay chết cả, thì bòn hãy đem me về phum để nằm cùng tháp mộ với ông bà nội ngoại nghen”.

Tôi quay sang cáu với Sét: “Chưa gì mầy đã sợ chết rồi. Sống chết có số cả. Mầy không muốn trả thù cho me Rết sao?”. Sét cúi mặt không nói lời nào. Tôi nghe cả hơi thở của Sét cũng có điều chi đứt quãng.

Dòng sông trong tôi đang thắt lại, nghe xa xăm tiếng gọi “me ơi!” thảng thốt đến lạ kỳ. Nhưng đồn này đã nợ máu người dân phum nhiều lắm rồi, nhất định chúng phải trả giá. Tôi nói với Sét: “Nhất định chúng mình phải thắng và sống sót để đưa me về. Nhất định sống nghen Sét, nhất định thắng và sống!”. Sét nhìn tôi, không nói gì cả, đôi mắt đỏ như lửa đốt!

... Tiếng rên rỉ hòa vào mùi tử khí và thuốc súng khét lẹt tạo nên một không gian chết chóc vừa rờn rợn vừa não nề quánh đặc. Tôi bật đèn pin rọi quanh, không sao bình tĩnh được. Lòng tôi vừa lo âu, vừa rối bời như chân bị quấn lại bởi vô số dây rừng chằng chịt dưới những tầng xác lá. Xung quanh ngổn ngang gò đống và những bức tường nham nhở vết đạn. Ở góc đồn Tà Suốt, Sét nửa ngồi nửa nằm, vắt ngang bụng một xác người, tiếng Sét rên ai oán... Tôi ngồi xuống, chậm chạp bất thường mà đầu óc trắng trơn vô định. Tôi chạm tay lên xác người không cử động. Cái xác vẫn còn nóng hổi, nóng bởi máu người, thứ nóng có khả năng làm người ta lạnh buốt. Tôi kéo tay Sét ra, thì trời ơi, đó là xác Cay. Sét thì bị thương bởi một mảnh nhỏ cứa sát mé tai. Sét vừa khóc vừa rên. Tôi đưa Sét đi ra sông để chuyển về Châu Đốc, dọc đường Sét không thôi mê man hát...

Mấy năm ác liệt làm người ta không còn thì giờ để nghĩ suy nhiều về cái chết. Đến lúc cách xa sự nhập nhòa của cõi sống và cõi chết rồi, mới giật mình đã bốn năm trôi. Tôi xuôi Mê Kông trở về tìm được nơi chôn cất mẹ Rết và Cay. Cầm tay người em, đến gần mộ, chia cho một nén nhang rồi nói: “Sét à! Lạy me và Cay đi!”. Sét ngửa mặt lên trời cười ngật ngưỡng rồi xá lia lịa. Xong lại cười, nước dãi chảy ra từ khóe miệng, nước mắt chực rơi.

Bấy giờ đã vào xuân, dọc dòng sông bờ bãi đã lên xanh. Những cây cà na con bắt đầu lớn lên từ những trái con ngày nào rơi rào rào trong bão đạn. Dấu tích chùa chiền đổ nát rêu đã phủ xanh, những đứa trẻ không biết mặt cha đứng ven sông nhìn chúng tôi ngơ ngác như đang chờ đón một bóng hình nào đó, vừa tò mò vừa ngờ ngợ, đợi chờ. Thuyền tôi trôi mà sao cứ ngỡ dòng sông trôi. Ôi Mê Kông của tuổi thơ, của thanh xuân và của cả đời tôi...

---------

(1) Đơn vị hành chính nhỏ nhất của người Khmer (như xóm).

(2) Mẹ (tiếng Khmer).

(3) Anh (tiếng Khmer).

(4) Em (tiếng Khmer).

(5) Tổ chức chính quyền thời Khmer Đỏ.

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng