Hà Nội 360

Canh Nậu - hội tụ tinh hoa nghề mộc

Nguyễn Mai {Ngày xuất bản}

Nghề đồ gỗ ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) nổi tiếng bởi có nhiều thợ tài hoa, khéo léo. Làng có những thợ chuyên đóng sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối; có người lại chuyên dựng nhà gỗ truyền thống, làm bàn ghế, giường tủ… Sản xuất đa dạng, phong phú với hàng trăm sản phẩm tinh xảo, bền đẹp, xã Canh Nậu đã và đang trở thành trung tâm hội tụ tinh hoa nghề mộc của thành phố và cả nước.

lang-nghe.jpg
Chế tác tranh gỗ tại làng nghề xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất).

Tài hoa đôi bàn tay người thợ

Đôi tay thoăn thoắt đục từng thớ gỗ, tạo hình sản phẩm, vừa làm anh Nguyễn Trung Thắng ở Cụm công nghiệp xã Canh Nậu vừa chia sẻ: "Tôi gắn bó với nghề truyền thống của làng hơn 30 năm nay. Hiện gia đình tôi chuyên sản xuất dòng sản phẩm sập gụ, tủ chè, trường kỷ. Đây là các món nội thất quen thuộc của những gia đình khá giả thời xưa. Ngày nay, kinh tế phát triển, nhiều gia đình có điều kiện lại tìm về với các sản phẩm nội thất truyền thống". Cũng theo anh Thắng, để làm ra các sản phẩm chất lượng tốt, độ bền cao thì nguyên liệu phải là các loại gỗ cẩm, trắc, gụ, mun. Một tủ chè hoàn thiện có giá từ 100 đến 300 triệu đồng, tùy theo chất liệu gỗ và độ tinh xảo của tủ.

Cũng ở xã Canh Nậu, nhưng anh Đỗ Thế Vệ chuyên dựng nhà cổ. Đến nay, anh Vệ đã dựng hàng trăm ngôi nhà gỗ truyền thống cho người dân ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Theo anh Vệ, xưa Canh Nậu có hàng chục tốp thợ đi dựng nhà thuê khắp nơi. Ngày nay, số thợ dựng nhà cổ ở làng không còn nhiều, nên anh cố gắng gìn giữ nghề cha ông để lại. “Vẫn kinh nghiệm lấy mực thước dựng nhà của cha ông, nhưng tôi tập trung nhiều cho các bức chạm trổ hoa văn trên các vách gỗ, tạo nét đẹp tinh xảo cho mỗi ngôi nhà truyền thống…”, anh Vệ nói.

Trong khi đa số các hộ chuyên về đồ gỗ nội thất, dựng nhà truyền thống, anh Bùi Bá Trọng, chủ cơ sở đồ gỗ Trọng Tuyết lại có hướng đi riêng, đó là làm tranh khắc gỗ. “Ở làng Canh Nậu mỗi người mỗi việc, nên mình cố gắng tìm ra thứ khác biệt để sản phẩm có chỗ đứng riêng trên thị trường. Tôi chuyên điêu khắc tranh theo các điển tích cổ, như: “Tùng cúc trúc mai”, “Vinh quy bái tổ”, “Thuận buồm xuôi gió”, “Phu thê viên mãn”, “Sơn thủy hữu tình”… Làm tranh điêu khắc đòi hỏi yếu tố kỹ thuật rất cao và khéo léo để bức tranh sinh động. Còn về chất liệu, tôi thường chọn gỗ gụ, gỗ hương… nguyên khối, vừa sang trọng, vừa bền chắc”, anh Trọng tâm sự. Những bức tranh gỗ của anh Trọng có giá từ 50 đến 60 triệu đồng, một số bức có giá lên tới 150 triệu đồng.

Thêm động lực cho làng nghề lớn mạnh

Theo Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Đỗ Ngọc Quang, Canh Nậu là xã lớn của huyện Thạch Thất, người dân có nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống. Năm 2002, làng nghề đồ gỗ Canh Nậu đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống. Kể từ đó đến nay, nghề mộc ở Canh Nậu ngày càng phát triển. Nếu như trước đây, các công đoạn từ pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện đều được làm thủ công, phụ thuộc vào sức lao động chân tay, thì ngày nay, các xưởng mộc trong làng Canh Nậu, đặc biệt là các chủ xưởng trẻ tuổi đều mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất. Sản phẩm của người Canh Nậu đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Là một trong những hộ sản xuất lớn ở xã Canh Nậu, anh Nguyễn Văn Thủy chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất chia sẻ: “Tôi pha gỗ, tạo phôi rồi giao cho các hộ nhận về nhà gia công. Khi xong sản phẩm, tôi nhận lại để hoàn thiện và đưa ra thị trường. Làm tại nhà, các hộ tranh thủ được thời gian và chúng tôi cũng đỡ áp lực về mặt bằng sản xuất. Hiện tôi đang giao hàng cho 20 hộ sản xuất tại nhà”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, những năm gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ làng nghề phát triển. Hằng năm, nhiều hộ sản xuất ở làng được mời tham dự các hội chợ trưng bày và quảng bá sản phẩm. Mới đây, đại diện các hộ sản xuất ở làng nghề đã được mời tham gia cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các làng nghề để tháo gỡ khó khăn và gợi mở những định hướng phát triển sản xuất cho tương lai.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, người dân xã Canh Nậu mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm mở rộng cụm công nghiệp và tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, tập huấn cho người dân phát triển thương mại điện tử để đạt kết quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh và gìn giữ nghề truyền thống.

Nguyễn Mai