Hà Nội văn

Dưới ánh đèn lồng

Linh Châu {Ngày xuất bản}

Khi bầu trời bớt đi cái gay gắt, những cơn gió heo may của mùa thu dịu dàng khẽ lướt qua, nhẹ nhàng cuốn theo từng cảm xúc của một mùa yêu thương.

Trên các dãy phố, hương thơm ngọt của bánh nướng lan tỏa, hòa quyện với sắc màu rực rỡ của những chiếc đèn lồng xanh đỏ, khiến lòng người ngập tràn cảm xúc, như được ôm trọn vào bầu không khí đong đầy kỷ niệm của thời ấu thơ.

nguyen-sa.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Ngày còn bé, mỗi dịp Trung thu về, cả xóm chài nghèo quê tôi như khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ. Những chiếc đèn lồng đủ sắc màu treo dọc bờ sông lung linh dưới ánh trăng, ánh sáng rực rỡ phản chiếu xuống mặt nước, tạo nên một khung cảnh huyền ảo và đầy thơ mộng. Trong khoảnh khắc ấy, dường như mọi lo toan, vất vả của cuộc sống đều tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và sự hân hoan ngập tràn trong lòng mỗi người. Đèn lồng được chế tác tinh xảo từ hai nguyên liệu chính là tre và vải lụa. Khung đèn được làm từ những cây tre già, sau khi được chọn lựa kỹ càng, chúng được ngâm trong nước muối khoảng mười ngày để chống mối mọt, sau đó phơi khô và vót mỏng từng nan tre. Vải lụa dùng để bọc đèn phải có độ dai vừa đủ, để khi căng lên khung, vải không bị rách, tạo nên những chiếc đèn lồng bền đẹp, lung linh. Lũ trẻ háo hức, rộn ràng chuẩn bị cho những tiết mục văn nghệ sẽ biểu diễn sau lễ rước đèn của xóm. Người lớn hình như cũng mong đến rằm tháng Tám để được nhìn thấy những nụ cười ngây thơ rạng rỡ của lũ trẻ bên những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, và những chiếc mặt nạ đa dạng hình dáng.

Tôi chợt nhớ đến chiếc đèn lồng vỏ bưởi mà bà nội đã làm năm nào. Sau khi hái quả bưởi to và tròn nhất trong vườn, bà ngồi trên chiếc chõng tre, nhẹ nhàng khía vỏ thành năm cánh đều đặn như nhau. Bà tỉ mỉ tách từng múi bưởi để sang một bên, rồi dùng con dao nhỏ sắc bén khéo léo tỉa trên vỏ bưởi thành những hình ngôi sao năm cánh, hình tròn, mặt trăng, thậm chí là hình thoi, trái tim… Chỉ trong chốc lát, dưới bàn tay khéo léo của bà, hình dáng của chiếc lồng đèn đã dần hiện rõ. Quai đèn được làm từ sợi dây dù chắc chắn, còn cán cầm là một thanh nan bằng nứa nhỏ nhắn. Một cây nến nhỏ xíu được bà cẩn thận đặt vào giữa lòng vỏ bưởi, để khi đêm xuống, chiếc đèn lồng đơn sơ ấy cũng lung linh tỏa sáng rực rỡ, mang theo ánh sáng ấm áp và kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ tôi.

Dưới ánh trăng màu nhiệm, mọi thứ xung quanh như được dát một lớp bạc mỏng lấp lánh và lũ trẻ chúng tôi ai cũng cầm trên tay những chiếc lồng đèn khác nhau. Dù chỉ được làm từ những vật liệu thô sơ, nhưng những chiếc lồng đèn thời ấy vẫn đẹp và thật đặc biệt. Có chiếc được làm từ ống bơ sữa, vỏ lon nước ngọt, hay đơn giản chỉ là vỏ hộp carton với đủ kiểu dáng sáng tạo. Nhưng đẹp và thú vị nhất vẫn là chiếc đèn của cu Tít với những chú đom đóm lập lòe khiến không ít đứa trẻ trong làng phải ghen tỵ, bởi ai cũng biết rằng việc bắt được những chú đom đóm không hề dễ dàng. Tôi cũng hãnh diện tự hào về chiếc đèn lồng của mình, bởi nó mang theo tình yêu thương và sự khéo léo của bà - người luôn dành cho cô cháu gái nhỏ những điều tốt đẹp nhất có thể.

Bây giờ, mỗi khi sắp đến tết mùa trăng, khi bước chân lang thang qua những con phố tràn ngập đèn lồng, giữa biển người tấp nập, tâm trí tôi lại không thôi nhớ về những Trung thu năm xưa ở quê nhà. Thu nay, thật khó để thấy bóng dáng những chiếc đèn lồng tự chế với ánh sáng diệu kỳ mà chúng tôi từng tự tay làm nên. Quá khứ như một thước phim đẹp, lặng lẽ trôi trong dòng chảy của cuộc đời, để giờ đây, khi mái tóc đã điểm màu sương gió, nỗi rung cảm khi nhớ về những ngày xưa ấy vẫn trong veo, tinh khôi như thuở nào. Tôi chợt muốn hóa thành cô bé ngày ấy, cùng lũ bạn thân cầm trên tay chiếc đèn lồng bằng vỏ bưởi, chạy lon ton khắp xóm với nụ cười rạng rỡ, để một lần nữa sống lại những khoảnh khắc ngọt ngào, bình dị mà sao khó quên.

Linh Châu