Xưa và nay

Bến tàu điện Cầu Giấy

Trần Việt Hà {Ngày xuất bản}

Cuối thập niên 1950-1960, bến tàu điện Cầu Giấy nằm ngay đầu dốc Cầu Giấy, cách ngã ba đường đi Bưởi về phía nội ô chừng dăm chục mét. Đây là bến cuối cùng của tuyến tàu điện Bờ Hồ - Cầu Giấy - dài khoảng 5km. Ngày đó, phương tiện di chuyển phù hợp nhất với túi tiền của người bình dân, từ ngoại ô vào nội ô và ngược lại là tàu điện...

tau-dien.jpg
Ga Cầu Giấy thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Internet

Tôi nhớ ngày ấy ở khu vực Cầu Giấy, các phương tiện thô sơ chở khách bình dân và hàng hóa, ngoài xích lô, ba gác thì vẫn còn xe ngựa. Nhưng xe ngựa chỉ chạy từ Cầu Giấy đi Cầu Diễn và Nhổn. Trạm xe ngựa nằm ngay bên gốc cây đa hay cây gạo cổ thụ phía đầu ngã ba đường Bưởi.

Còn với tàu điện, khi đi từ dưới Cầu Giấy đến đầu dốc, bên phải là một barie tạo bằng một thanh tà vẹt bắc ngang hai thanh ray tàu được dựng lên ở mút cuối của đường ray. Đấy chính là mốc báo giới hạn cuối cùng của bến. Cách vị trí barie tầm vài chục mét, đường tàu được chia làm hai nhánh. Nhánh cong nằm bên phía dải đất có hồ và ruộng, giáp Trường Đại học Giao thông Đường sắt và Đường bộ (nay là Trường Đại học Giao thông Vận tải) dành cho đầu tàu chạy ngược sang đầu bên kia rồi lùi lại theo nhánh ray thẳng sát lề đường và ráp vào toa tàu thứ hai để đổi đầu. Tuyến này, tàu điện thường có hai toa, ngày lễ tết có thể nối thêm toa nữa.

Tàu điện ngày ấy được sơn màu đỏ ngả nâu. Toa đầu là đầu kéo. Hầu hết khách lên toa này không mang hoặc có mang theo hành lý nhẹ nhàng. Trên nóc toa có lắp cần vẹt để truyền điện từ đường dây chuyên dụng trên cao chạy dài suốt tuyến cho động cơ. Cần vẹt là một thanh kim loại dài giống như cái cần câu, ở đầu mút có trục lăn luôn tiếp xúc với đường dây điện trên cao. Mỗi đầu của toa có hai lối lên xuống ở hai bên thành tàu và không có cánh cửa như ô tô khách. Thay vào đó là sợi dây xích chăng ngang, có thể tháo ra khi khách lên - xuống tàu và móc vào khi tàu chạy. Ngay đó là cabin của người lái tàu. Toa thứ hai chở hành khách mang theo hành lý cồng kềnh. Trong những toa này, ghế ngồi được lắp dọc hai bên sát vách toa, còn lối lên xuống nằm giữa hai bên thành toa.

Giá vé đi tàu đồng hạng cho suốt tuyến là 1 hào, xuống các điểm dừng đón, trả khách trong tuyến là 5 xu. Trẻ con đi suốt tuyến mua vé 5 xu, bằng nửa vé người lớn.

Khách đi tàu có thể là viên chức cấp thấp, giáo viên, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân hoặc người buôn bán nhỏ. Nhiều nhất là người dân các làng Láng, An Hòa, Cót, Dịch Vọng, Mai Dịch... Họ mang rau quả, các loại hoa, cá tôm và các sản phẩm thủ công như giấy dó, vàng mã, hương nhang vào các chợ nội đô để bán. Vì thế, ở toa thứ hai và toa thứ ba, dưới gầm ghế ngồi hoặc ở các móc sắt dùng để treo hành lý bên ngoài mỗi toa đều lủng lẳng thúng, mẹt, quang gánh.

Đi tàu điện là niềm vui thích với lũ trẻ chúng tôi vì được vào phố, ngắm xe cộ vùn vụt lao qua ô cửa. Thêm vào đó, lũ trẻ chúng tôi rất thú cái ảo giác khi tàu dừng tránh, nhìn qua ô cửa, thấy đoàn tàu ngược chiều chạy qua mà cứ ngỡ tàu mình chạy.

Trên các toa tàu còn có rất nhiều “hành khách” đặc biệt. Đó là những người bán nước vối, chè mạn với một tay xách giỏ ấm chén, tay kia cầm cái ống điếu cày to dành cho các vị khách có sở thích hút thuốc lào. Đó còn là những người bán thuốc cam sài, cao dán, thuốc tẩy giun sán, dầu cù là, thuốc tẩy quần áo... được để trong một cái hộp gỗ mở nắp đặt trước ngực và có dây đeo cổ. Đó cũng có thể là những đứa trẻ bán kem, bán báo. Tất cả các mặt hàng đều được bán khi tàu đang chạy, cũng có khi họ chỉ lên bán vào lúc tàu dừng tránh đoàn tàu đi ngược hoặc đón trả khách ở các điểm đỗ. Trên tàu điện có đủ loại tiếng rao nghe rất vui tai, có vần điệu, âm sắc nhấn nhá. Ngoài ra, còn có những người hát xẩm mù lòa mang theo cây đàn nhị được một đứa trẻ cầm theo cái phách dắt đi.

Có lẽ, điều ấn tượng nhất với tôi khi đi tàu điện chính là những người hát xẩm ấy. Những câu hát của họ mang nhiều sắc thái biểu cảm. Lúc thì rộn ràng, vui tươi; khi thì tha thiết, nỉ non quyện với âm thanh của tiếng nhị, tiếng phách và tiếng chao chát của bánh xe tàu nghiến trên đường ray, trong nhịp lắc lư nhè nhẹ của toa tàu. Các âm thanh ấy hòa trộn vào nhau tạo nên một bản hòa tấu riêng mà chỉ khi đi tàu điện mới cảm nhận được.

Tàu từ Cầu Giấy chạy đến Bờ Hồ qua rất nhiều trạm dừng và tránh tàu. Trạm đầu tiên nằm trước cửa đền Voi Phục và trạm cuối cùng là Bờ Hồ - nơi xuất phát của bốn tuyến tàu điện tỏa đi các ngả: Chợ Mơ, Bưởi, Hà Đông và Cầu Giấy.

Giờ đây, khi đã ở ngoài cái tuổi “xưa nay hiếm”, những chuyến tàu điện Hà Nội một thời đã không còn nữa. Thay vào đó là tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông và mới đây là đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã đi vào hoạt động, rất rộng rãi, sạch sẽ. Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị (metro), cả trên cao lẫn chạy ngầm, được triển khai. Một Hà Nội với các phương tiện giao thông công cộng thế hệ mới, trong đó có các đoàn tàu điện đẹp đẽ, sang trọng sẽ góp phần tạo cho Thủ đô một diện mạo trẻ trung, năng động và hiện đại.

Dẫu vậy, tôi cũng như nhiều thế hệ người Hà Nội sẽ không bao giờ quên được tiếng leng keng của tàu điện xưa cùng những câu hát xẩm quen thuộc và tiếng rao mộc mạc của những người bán dạo trên tàu. Đó chính là ký ức thân thương của một thời Hà Nội!

Trần Việt Hà