Hà Nội 360

Xứng đáng là đô thị dẫn đầu cả nước

Phan Thế Hải {Ngày xuất bản}

Thăng Long - Hà Nội có vinh dự, tự hào là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và được Người dành nhiều sự quan tâm. Người xác định Hà Nội là “đầu tàu”, “gương mẫu”, nơi mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” và luôn mong muốn “Hà Nội thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

duong-sat.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Thảo Ngọc

Sứ mệnh “đầu tàu” của cả nước

Điều này đã được Bác Hồ nhắc lại nhiều lần khi nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội. Tư tưởng, tình cảm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm đượm sâu sắc vào suy nghĩ và việc làm của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội, tạo nên những phong trào cách mạng sâu rộng trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Thủ đô, để có một Thủ đô “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn” như ngày hôm nay và phấn đấu “xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

70 năm qua, các thế hệ người Hà Nội đã vì cả nước và cả nước đã vì Hà Nội để làm nên lịch sử, nơi thể hiện sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam. Ngày 10-10-1954 trở thành dấu mốc lịch sử không quên đối với các thế hệ người dân Việt Nam. Đây là mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bước vào xây dựng xã hội mới do nhân dân làm chủ.

Từ một thành phố đã chịu nhiều tổn thương từ chiến tranh, giờ đây, Hà Nội đang phát triển từng ngày để xứng đáng là trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học, có vị trí hàng đầu của cả nước. Chính quyền và người dân Hà Nội đang ra sức xây dựng Thủ đô hòa bình, Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, điểm đến không chỉ của mỗi người dân Việt Nam mà còn của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hà Nội đã “thay da, đổi thịt” từng ngày để hoàn thiện mình, trở thành một đô thị tầm cỡ khu vực. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại trải đều bốn phía Thủ đô như: Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Vinhomes Smart City; Việt Hưng, Vinhomes Riverside, VinCity Ocean Park; Linh Đàm, Gamuda; Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn... Những cái tên đã đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.

Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

Cùng với việc đồng bộ hóa hạ tầng đô thị trong khu vực nội đô, Thành phố cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện ven đô: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, mấy chục năm qua, Hà Nội đã và đang tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đã thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo thêm nhiều không gian, cảnh quan đẹp cho Thủ đô.

Hướng tới xây dựng thành phố “không dây” an toàn, văn minh, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, điện lực thực hiện hạ ngầm đường dây. Theo đó, hàng loạt “mạng nhện” gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được xóa bỏ. Các tuyến phố sau khi được “xóa rác trời”, thực hiện chỉnh trang hè phố, kết hợp trồng cây xanh... mang đến bộ mặt đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.

Xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (ngày 12-9-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, tránh cản trở sự đi lại của nhân dân, làm từng bước, tránh làm rồi lại phá đi và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp. Những lời dạy của Người vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong những năm qua, do sự phát triển quá nóng nên Hà Nội đã bộc lộ những bất cập ở nhiều mặt, đặc biệt là giao thông công cộng. Để khắc phục tình trạng này, Thành phố đang đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030 nhắc lại định hướng phát triển Hà Nội là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phương án phát triển trong Quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển, gồm: Văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng là đô thị dẫn đầu của cả nước như nguyện ước của Bác Hồ.

Phan Thế Hải