Hà Nội văn

Giữa cánh rừng trưa

Ngọc Nữ {Ngày xuất bản}

Ngày bé, mỗi khi theo ba vào rừng hái măng, tôi lại thả mình nằm dài trên tảng đá đưa mắt ngắm nhìn dòng nước lướt nhẹ trên từng phiến đá nhấp nhô mà qua bao năm tháng đã dệt nên một màu rêu phong xanh mướt.

Phía trên cành cây, những tán lá xòe rộng đan xen từng sợi nắng rung rinh. Nắng có lúc thẳng đứng lặng thinh, lúc lại đưa mình theo cơn gió đùa nhau trên chòm lá xanh rồi hắt qua hắt lại trong mắt tôi thứ ánh sáng vàng óng ánh. Dây tầm gửi buông mình giữa không trung như tấm rèm xanh biếc ai đó treo giữa rừng. Tôi khe khẽ khép hàng mi để lắng đọng lại những thanh âm mà thiên nhiên gửi tặng. Tiếng lũ chim chuyền cành cất tiếng véo von gọi bạn. Tiếng con suối không ngừng gảy khúc nhạc róc rách bên tai. Và cả tiếng chú nai con với thân hình nhỏ nhắn bước trên mớ lá khô soàn soạt, chầm chậm uống từng ngụm nước. Khoảnh khắc ấy, tôi như ngừng nhịp thở.

minh-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Thi thoảng, tiếng loẹt xoẹt đều đều mỗi khi ba tôi đưa con dao vào sát gốc măng và cắt, tự nhiên hòa nhịp cùng âm điệu của rừng. Tôi nghe cả tiếng bước chân ba từ phía xa xa. Khi thì loẹt quẹt giữa đám lá tre, lúc lại thình thịch mỗi lần ba xoay mình rồi bưng chiếc thúng chứa mấy mụt măng vừa cắt qua bụi cây gần đó. Tôi chầm chậm đi về phía trước, nhìn dáng ba đang lom khom xé bỏ từng lớp áo của gốc măng. Tiếng sột soạt đều đều cho đến khi để lộ ra phần ruột măng trắng nõn.

Qua mỗi đợt mưa lớn, dưới những lùm tre già, nhiều mụt măng thi nhau trồi lên mặt đất. Ba thoăn thoắt đôi chân rồi đưa mắt kiếm tìm. Mớ măng non nằm sát đất, ba dùng mũi dao nhọn khéo léo cắt quanh viền tròn để lấy trọn mụt măng. Măng già đã nhô cao, ba dùng chân mang ủng đá mạnh, khúc măng văng về phía trước. Khi ấy tôi tưởng tượng ba là cầu thủ chuyên nghiệp, một chân đứng vững, một chân co lên rồi lấy đà sút mạnh quả bóng vào khung thành của đối phương. Đôi khi ba lại té chỏng quèo vì sút trượt chân, chiếc ủng văng xa đâu chừng ba thước. Ba và tôi nhìn nhau, cười vang cả cánh rừng.

Sau buổi sáng hái măng cật lực mà rôm rả ấy, gia đình ba người chúng tôi ăn cơm trưa ngay tại rừng. Chiếc cà mèn nhôm ba khay đựng được mẹ chuẩn bị từ sáng sớm. Tôi đưa hai tay áp vào chiếc khay đầu tiên đựng đầy cơm trắng, cơm vẫn còn hôi hổi nóng như bếp củi của mẹ còn hâm hấp than nồng. Mớ cá nục khô rim nước mắm ớt tỏi nằm xếp lớp gọn gàng ở khay thứ hai. Con cá nhỏ thó đâu chừng lóng tay mà ăn hết chén cơm vẫn còn hơn nửa. Khay cuối cùng mẹ đựng canh tập tàng, loại canh dân dã được nấu bởi đủ loại rau mọc quanh nhà.

Cũng có khi mẹ chỉ đem theo cái nồi nhôm hai quai cùng vài ba gói mì. Ba kê mấy cục đá cho ngay ngắn làm bếp. Tôi cũng đi loanh quanh nhặt mấy cành khô rồi phụ ba nhóm lửa. Rót nước từ chiếc can nhựa mang theo vào nồi, thi thoảng mẹ lại cời than ra, đút củi vào cho lửa đượm. Trong lúc ấy, tôi cùng ba đi hái rau dại trong rừng, có khi là mớ lá ớt, lúc lại rau trai và cả sam đất. Chờ cho chiếc nồi thổi bùng những bong bóng báo hiệu nước sôi, mẹ cho mớ rau đã rửa sạch vào nồi rồi nêm thêm gia vị. Tôi như chú mèo với cái bụng đói meo, xì xụp chén canh mì gói đơn sơ ấy một cách ngon lành.

Ăn cơm xong xuôi, ba trải tấm bạt to ra khoảng đất vừa dọn sạch. Lấy áo khoác kê đầu, tôi cứ thế chìm vào giấc ngủ, bên tai thi thoảng vẫn nghe tiếng gió xì xào trên ngọn lá. Lần nào cũng vậy, sau giấc ngủ ngắn ban trưa, cả nhà ba người chúng tôi lom khom lượm thêm mớ củi khô. Ba bảo làm như vậy là một công đôi việc, rừng vừa sạch gọn mà mẹ tôi lại có mớ củi đem về hong khô trên gác bếp. Trước khi rời đi, tôi bắt chước dáng vẻ của ba ngày nào, ngoái lại thì thầm lời tạ ơn với cánh rừng xanh ngát. Tôi gửi mong cầu rằng dẫu có bao thử thách, gian nan, rừng vẫn sẽ luôn hiên ngang ở đó, chở che cho những đứa con của mình.

Ngọc Nữ