Sống đẹp

Bền bỉ góp sức xây dựng Thủ đô

Nhóm phóng viên {Ngày xuất bản}

Từ năm 2010 đến 2023, UBND thành phố Hà Nội đã tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú” cho 139 cá nhân. Đây là những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, tiêu biểu dẫn đầu ở lĩnh vực họ đang làm và là gương sáng để mọi người học tập. Nhân dịp này, một số “Công dân Thủ đô Ưu tú” đã chia sẻ với Báo Hànộimới về quá trình cống hiến bền bỉ vì Thủ đô thân yêu.

cong-dan-1.jpg

Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2023 Lê Đình Duật:

25 năm, vận động hơn 1.400 lượt người hiến máu

Tôi sống ở Hà Nội từ năm 1963. Khi đó, tôi vừa hoàn thành huấn luyện tân binh ở Thanh Hóa và được điều ra Hà Nội để chuẩn bị cho việc bí mật thành lập đơn vị Tên lửa phòng không. Đến năm 1965, tôi chính thức trở thành chiến sĩ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, tham gia bảo vệ Thủ đô.

Là người sống ở Thủ đô, được chứng kiến sự thay đổi qua nhiều thời kỳ, tôi rất mừng. Hà Nội phát triển ngày càng nhanh, cho thấy thành quả của cách mạng và lòng yêu nước của nhân dân đã góp phần dựng xây Thủ đô ngày càng phát triển đẹp, văn minh, hiện đại.

Với mong muốn cống hiến xây dựng Thủ đô, khi nghỉ hưu, tôi vẫn dành 26 năm (từ năm 1992 đến năm 2018) tham gia công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở phường và khu dân cư. Trong thời gian đó, tôi tâm huyết xây dựng địa bàn khu dân cư nói riêng và phường Thanh Xuân Trung nói chung ổn định, phát triển. Đặc biệt, từ năm 1999, tôi bắt đầu được tiếp cận với phong trào hiến máu tình nguyện và gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện suốt từ đó đến nay. Gần 25 năm qua, tôi và gia đình đã vận động được 1.415 lượt người tham gia hiến máu, đã được 1.307 đơn vị máu an toàn, tương đương 457 lít máu. Số máu đó đã cứu chữa được 3.921 bệnh nhân. 6 thành viên của gia đình tôi đã hiến được 264 đơn vị máu an toàn. Tính riêng 7 tháng năm 2024, tôi đã vận động được 102 đơn vị máu.

Suốt gần 25 năm làm công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện, tôi đã được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư khen, gặp mặt, tuyên dương; được trao tặng các danh hiệu “Gia đình hiến máu tiêu biểu Việt Nam”, “Gia đình có 3 thế hệ hiến máu tình nguyện”...; và năm 2023, tôi vinh dự được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú”. Sự ghi nhận đó mang lại niềm hạnh phúc lớn lao, khẳng định việc tôi và gia đình làm có ý nghĩa với dân, với nước, đồng thời tiếp thêm cho tôi động lực để còn sức khỏe là còn cống hiến. Mỗi lần được biểu dương, tôi lại thấy trách nhiệm của mình nặng hơn và luôn hứa sẽ tiếp tục làm việc có ý nghĩa nhân văn cao cả này.

Giờ đây tôi đã ở tuổi 81, sức khỏe có giảm so với trước, song chừng nào còn đủ sức khỏe, còn minh mẫn, còn có điều kiện thì tôi còn tiếp tục làm và là nòng cốt cho gia đình trong việc duy trì công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện, với mong muốn đóng góp được nhiều đơn vị máu, cứu sống được nhiều người bệnh - đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình tôi.

Hiền Thu ghi

cong-dan-2.jpg

Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2021 Phan Thị Bính:

Vẫn nối dài hành trình thiện nguyện

Tôi được UBND thành phố trao tặng danh hiệu Công dân Ưu tú năm 2021 vì đã có những đóng góp cho cộng đồng qua hoạt động thiện nguyện suốt hơn 20 năm qua.

Sau khi được vinh danh, tôi muốn lan tỏa tinh thần thiện nguyện giúp đỡ những người khó khăn hơn, tiếp tục làm những công việc tốt hơn, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương người như thể thương thân”. Mỗi năm tôi làm thiện nguyện ở các tỉnh khác nhau, nhiều nhất là miền Trung. Có đến nơi, chứng kiến tận mắt, mới thấy hậu quả của chiến tranh để lại quá lớn. Vì vậy, chúng tôi dốc sức cho Quảng Trị - mảnh đất chịu nhiều bom đạn của giặc Mỹ.

Chiếc xe cứu thương trước đây chuyên chở người bệnh miễn phí, giờ để chở hàng hóa đi từ thiện ở các tỉnh. Dù làm lâu và làm nhiều như vậy, nhưng tôi chưa từng kêu gọi ủng hộ kinh phí mà hầu hết làm bằng chính sức mình. Ai biết và tự nguyện ủng hộ, tôi sẽ nhận, còn không, tôi chỉ vận động mọi người ủng hộ quần áo, chăn màn và một số vật dụng. Tôi cũng chẳng bao giờ thống kê xem mình đã làm từ thiện được bao nhiêu tiền.

Tháng 9-2022, tôi mở Phòng khám Đông y Từ Tâm Phúc Thiện Đường khám miễn phí cho người nghèo tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với bao ấp ủ. Tuy chỉ hoạt động được 11 tháng, do chủ nhà lấy lại mặt bằng, phòng khám đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 7.000 bệnh nhân. Hiện nay, tôi đang làm thủ tục để mua đất ở Hà Nam xây dựng phòng khám mới để chữa bệnh cho người nghèo. Tôi đã nỗ lực để thực hiện tâm nguyện: Bà con khi đến phòng khám, ngoài việc được khám chữa bệnh, phát thuốc, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu... miễn phí hoàn toàn còn được cung cấp suất ăn miễn phí.

Ở Hà Nội, mỗi khi tổ dân phố, Hội Chữ thập đỏ của phường kêu gọi tham gia hoạt động thiện nguyện gì tôi cũng ủng hộ. Không tham gia được thì ủng hộ tiền. Mới đây nhất là tôi gửi tiền ủng hộ phát hàng trăm suất cơm ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Chúng tôi còn tập kết hàng để đi Sơn La hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong 1,5 tấn gạo mang đi, riêng tôi ủng hộ 1 tấn. Tôi mua thêm muối, mì tôm, dầu ăn, bột canh, kêu gọi ủng hộ quần áo, vật dụng... những mong chia sẻ làm vơi đi khó khăn của bà con.

Tôi còn hai tâm nguyện nữa là xây dựng nhà dưỡng lão và trại trẻ cho người nghèo chưa làm được. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục điều hành Nhóm thiện nguyện Từ Tâm, đi khắp mọi miền giúp đỡ người nghèo, bà con dân tộc thiểu số. Tôi chỉ mong muốn mang được niềm vui, nụ cười đến với mọi người, đó là hạnh phúc của tôi, không cần bằng khen hay huân chương gì khác nữa. Hành trình 24 năm thiện nguyện của tôi chắc chắn không dừng lại, sẽ vẫn nối dài, đến những nơi cần sự giúp đỡ.

Nguyệt Ánh ghi

cong-dan-3.jpg

Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018 Phạm Thị Tuyết:

Đam mê giữ gìn truyền thống văn hóa ẩm thực

Sau khi được các thực khách trong và ngoài nước ghi nhận thành công trong nhiều món ăn, tôi mở nhà hàng ở số 25 Mã Mây và từ năm 2003, tại địa chỉ này, tôi mở lớp hướng dẫn học viên nấu các món ăn truyền thống của người Hà Nội.

Nấu các món ăn truyền thống của Hà Nội, điều quan trọng là phải thổi được hồn cốt của Hà Nội vào món đó. Tôi là người Hà Nội gốc, gắn bó với cha mẹ, ông bà ở mảnh đất này nên có một tình yêu sâu sắc với Hà Nội và luôn mong muốn giữ những nét văn hóa truyền thống. Xã hội càng phát triển, hội nhập là điều đáng mừng, song tôi vẫn luôn dạy các con cháu những gì là truyền thống thì phải cố gắng gìn giữ, không phải hòa nhập rồi thành hòa tan, mất gốc.

Dù chế biến món ăn ở trong nước hay đi giới thiệu với thế giới, tôi luôn chuyên tâm vào làm, bất kể giờ giấc, cho dù có phải thức đêm để chuẩn bị, thực hiện đúng lời dạy của bà, của mẹ là “làm đến nơi, đến chốn”, làm bằng cái tâm và đạo đức nghề nghiệp ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến tìm hiểu truyền thống văn hóa gắn với món ăn, ý nghĩa của món ăn, rồi tính toán cân đối dinh dưỡng, tiếp đó là không gian ăn, cách ăn...

Niềm đam mê, tâm huyết suốt đời của tôi dành cho ẩm thực đã được các cấp, các ngành ghi nhận; được trao tặng nhiều danh hiệu “Nghệ nhân ẩm thực dân gian Việt Nam”, “Nghệ nhân Ưu tú”, “Nghệ nhân hàng đầu Việt Nam”, “Công dân Thủ đô Ưu tú”; được lựa chọn là đầu bếp lên thực đơn và nấu tiệc chiêu đãi 21 nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị APEC (diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017)... Hiện nay đã 71 tuổi, song tôi vẫn chưa nghỉ ngơi mà vẫn gắn với các công việc ẩm thực như cái nghiệp. Ngoài thời gian hướng dẫn nấu các món ăn cho học viên tại nhà hàng ở phố Mã Mây, tôi vẫn tham dự nhiều sự kiện lớn ở trong nước và quốc tế để giới thiệu, quảng bá về những món ngon Hà thành như phở, bún thang, bún chả, nem cua bể....

Điều tôi tâm huyết là truyền được cho các lớp trẻ sau này ngoài nấu được các món ăn ngon còn hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống. Ẩm thực không chỉ đơn giản là làm chín lên để ăn mà còn bao hàm văn hóa ở nhiều khía cạnh, là ý ăn, ý ở, sự kín kẽ và sâu lắng, phạm vi hẹp có thể là nếp nhà, rộng ra có thể là văn hóa của dân tộc. Vì vậy, tôi luôn truyền đạt bằng cả tinh thần đam mê ẩm thực lẫn vốn kiến thức về văn hóa truyền thống. Đến nay, chỉ tính riêng các học viên nước ngoài đã được cấp chứng nhận học lớp nấu ăn do tôi trực tiếp hướng dẫn đã lên tới hơn 20 nghìn người.

Hai người con gái của tôi đều có nhiều bằng đại học, hiện cũng quay về mở nhà hàng, chung niềm đam mê như mẹ về việc giữ gìn truyền thống văn hóa ẩm thực. Với tôi, còn sức là còn đam mê và còn cống hiến cho nền văn hóa ẩm thực của Thủ đô yêu quý.

Hiền Chi ghi

cong-dan-4-1-.jpg

Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2023 Nguyễn Ngọc Tiến:

Còn sức khỏe còn đóng góp cho Thủ đô

Với tôi, viết báo là nghề nghiệp; viết văn, kịch bản phim, nghiên cứu văn hóa Hà Nội là sự dấn thân tự nguyện. Nhưng tất cả đều xuất phát từ tình yêu rất tự nhiên với thành phố nơi mình sinh ra, lớn lên và vui buồn với nó. Không chỉ ngợi ca, nhiều trang viết còn là lời góp ý chân thành, rút ra bài học cho hôm nay và tương lai.

Trong gần 30 năm làm việc tại Báo Hànộimới, tôi được phân công viết nhiều mảng khác nhau, song gắn bó và tâm huyết nhất với tôi là các đề tài văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là văn hóa Thủ đô. Thật khó có thể thống kê chính xác tôi đã viết bao nhiều bài nhưng trong những bài báo đó, dù ngắn hay dài, một kỳ hay nhiều kỳ tôi luôn tìm tòi, phát hiện cái mới còn ẩn chứa trong phù sa văn hóa của Kinh đô - Thủ đô qua góc nhìn của ngày hôm nay. Nhiều bài báo đã được trao Giải báo chí Ngô Tất Tố của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Giải báo chí quốc gia của Hội Nhà báo Việt Nam, giải thưởng của UBND thành phố Hà Nội... Cũng trong từng ấy năm, tôi đã cộng tác với nhiều báo, tạp chí, báo hình, báo nói, báo điện tử trên cả nước với đề tài duy nhất là Hà Nội. Tôi được Báo Đời sống và Pháp luật tin tưởng giao giữ mục “Hà thành kim cổ ký” 6 kỳ/tuần, viết mỗi tuần 1 bài cho chuyên mục “Sống ở Hà Nội” của Báo An ninh Thủ đô liên tục trong nhiều năm.

Ngoài viết báo, tôi đã xuất bản hơn một chục đầu sách về Hà Nội, gồm 8 cuốn khảo cứu, 1 tập tản văn, 3 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn. Trong đó, 2 cuốn “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội” được trao giải Vì tình yêu Hà Nội năm 2011 và giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Tôi viết nhiều kịch bản và lời bình phim tài liệu về đề tài Hà Nội đã phát sóng trên truyền hình, như “Không chỉ là kỷ vật", "Hồn xưa", "Khởi nghiệp", "Bác sĩ Trần Duy Hưng, một người Hà Nội", "Thủ đô ta”... Đặc biệt là 3 tập phim “Đảng bộ Hà Nội - 90 năm hình thành và phát triển”. Nhiều phim đã được trao giải A, B tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Năm 2012, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tôi đã làm triển lãm “Tôi kể chuyện này” trưng bày các vật dụng làm từ xác máy bay B52 bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội. Năm 2023, tôi đã được UBND thành phố trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú, đó là hạnh phúc, là niềm tự hào của cá nhân tôi.

Hiện nay tôi vẫn tiếp tục viết báo, khảo cứu, viết kịch bản phim, tham gia các dự án văn hóa Hà Nội. Tôi đang giữ chuyên mục “Sống ở Hà Nội” cho kênh VOV Giao thông, làm khách mời cho nhiều kênh của các đài truyền hình, tiếp tục cộng tác với nhiều báo, tạp chí trên cả nước. Tôi còn viết thuyết minh cho du lịch, làm giám khảo cho các cuộc thi viết về Hà Nội. Nếu còn sức khỏe, còn năng lượng tôi sẽ tiếp tục đóng góp việc nhỏ bé cho Thủ đô.

Dương Linh ghi

Nhóm phóng viên