Hà Nội văn

Duyên tháp Bút

Truyện ngắn của Lê Tấn Hiển {Ngày xuất bản}

Từ quê lên Hà Nội học đại học, năm đầu độ đôi ba tháng tôi về thăm nhà một lần. Lần nào mẹ cũng tiễn ra tận sân ga, lúc tôi yên vị đâu đấy trên tàu rồi bà vẫn đứng ngóng lên. Qua cửa sổ toa, tôi ngoái xuống dặn:

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

- Lần sau mẹ cứ ở nhà, không phải đưa con đi nữa cho mệt.

- Sư bố cô! Tôi nuôi cô ngót hai chục năm còn được, giờ vài cây số ra ga thấm tháp gì.

- Mẹ mà không nghe, từ giờ con không về nữa đâu!

- Á à! Cô dọa mẹ đấy hả? Có giỏi thì kiếm tấm chồng thành phố rồi ở hẳn Hà Nội, mai mốt tôi ra tận Thủ đô thăm thì khỏi vất vả đưa đón...

Thực ra tôi chỉ nói dỗi cho mẹ khỏi đưa tiễn, nhưng câu nói nửa đùa nửa thật của mẹ làm tôi suy nghĩ suốt hành trình gần hai trăm cây số. Chỉ là mẹ mong muốn cuộc sống sau này của tôi được may mắn, hạnh phúc. Nhưng lấy chồng Hà Nội ư? Phận gái quê như tôi sao dám mơ điều đó!

Vậy mà cái điều ngỡ như không tưởng ấy lại đến với tôi, dường như là định mệnh, số phận vậy!

Khi tôi học năm thứ ba thì Mười học năm cuối. Chúng tôi quen biết nhau trong một lần đi tình nguyện giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt. Anh hăng hái, can đảm và mạnh mẽ bao nhiêu thì tôi lại rụt rè, tự ti bấy nhiêu. Một vài lần hò hẹn, cũng chỉ đi dạo hay xem phim, ngồi quán nước. Biết tôi quê miền Trung, trong những cuộc trò chuyện, Mười thường kể về những di tích, thắng cảnh của Hà Nội mà bất cứ ai đến Thủ đô cũng háo hức muốn thăm. Thấy tôi tròn mắt lạ lẫm, anh bảo sẽ lần lượt đưa tôi đi xem, thưởng ngoạn tận nơi: “Ở Hà Nội mà chưa đến những nơi này thì thật có lỗi với thành phố em ạ!”.

Thế rồi, tận dụng những ngày nghỉ, Mười chở xe đạp đưa tôi đến những nơi mà anh từng kể. Đầu tiên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, anh nói được xây dựng từ mười thế kỷ trước, là trường đại học đầu tiên của nước ta. Sau đến thành Cửa Bắc, anh chỉ cho tôi vết đạn đại bác của giặc bắn vào lõm cả tường thành. Rồi qua Cột cờ Ba Đình, chùa Một Cột, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng... Tới đâu anh cũng giới thiệu qua những chứng tích liên quan đến lịch sử của Hà Nội. Tôi tò mò: “Sao anh biết nhiều vậy ?”. Anh đáp: “Anh sinh ra ở Hà Nội mà. Quê hương của mỗi người đều có những danh thắng rất riêng mà mọi người con của quê không lý gì lại không tìm hiểu cho tường tận”.

Đặc biệt nhất với tôi, như là một kỷ niệm không bao giờ quên, là ngày Mười sắp thi tốt nghiệp. Lúc anh đến đón, tôi ngạc nhiên hỏi:

- Anh đang bận học thi mà. Đi đâu lúc này?

- Đến một nơi quan trọng, rồi em sẽ biết...

Và anh đưa tôi đến tháp Bút gần cổng đền Ngọc Sơn, bên hồ Gươm, rồi thầm thì:

- Chỗ này thiêng lắm, các sĩ tử sắp vào kỳ khoa cử thường đến đây khấn cầu, nhiều người đã đậu thủ khoa đấy.

Tôi bĩu môi:

- Anh cũng mê tín vậy sao?

Anh nghiêm mặt:

- Chuyện tâm linh, không đùa được đâu.

Thế rồi, dù chưa có kết quả thi anh lại đưa tôi đến tháp Bút chuyến nữa. Lần này vào ban đêm. Tôi đùa:

- Thi xong rồi, thủ khoa chỉ chờ nhận bằng, còn đến đây nữa làm gì?

Anh cười nhưng vẻ mặt đầy nghiêm túc:

- Chốn linh thiêng, đâu chỉ cầu việc thi cử. Lần này, ta cầu... duyên.

Rồi anh dìu như kéo tôi về phía sau tòa tháp, nhìn ra mặt hồ lấp lánh ánh đèn từ những lùm cây phía bờ bên kia. Tôi còn chưa hiểu ra sao thì anh ấp vào môi tôi một nụ hôn. Với tôi, đó cũng là nụ hôn đầu đời, dài và ngọt ngào, ngây ngất. Sau đó, dường như mọi ý tứ, giữ gìn không còn nữa, chúng tôi ngồi xuống bờ đá chân tháp Bút trò chuyện rất lâu. Cuối cùng, anh thủ thỉ:

- Anh yêu em! Ngay từ lần gặp đầu tiên. Em có yêu anh không?

- Có! Em yêu anh! Chỉ sợ em không xứng...

- Nghĩa là sao?

- Em là con gái quê, nghèo lắm!

- Ôi, giàu nghèo mà làm gì chứ? Xưa bố mẹ anh đến với nhau cũng từ hai bàn tay trắng mà.

Rồi anh kể chuyện bố mẹ tham gia kháng chiến, vất vả thiếu thốn trăm bề nhưng tình yêu giữa hai người vẫn nảy nở. Bố mẹ anh có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954. “Chắc là để ghi nhớ mốc son quan trọng ấy các cụ mới đặt tên anh là Mười đấy”. Im lặng hồi lâu, anh chợt rưng rưng: “Nhưng anh ra đời chưa được đầy năm, thì bố mất vì tái phát chứng sốt rét ủ từ những năm kháng chiến”.

Trước lúc chia tay, anh nắm tay tôi, giọng nghiêm trang:

- Anh sẽ đưa em về gặp mẹ. Chắc mẹ sẽ quý em lắm. Nhưng hãy hứa với anh một điều: Nếu vắng anh, em sẽ thay anh chăm sóc và trò chuyện cùng mẹ, được không?

- Đương nhiên là được rồi, mẹ anh cũng như mẹ em mà... Nhưng “vắng anh” là sao, em không hiểu?

Mười trao tôi một nụ hôn nữa, bỏ lửng câu trả lời rồi quay xe phóng về trên phố khuya se lạnh gió heo may.

***

Cả tuần sau tôi cứ miên man nghĩ mãi về câu cuối cùng anh nói đêm ấy, mà không sao lý giải nổi. Cho đến một buổi sáng tới trường, thấy mọi người xúm đông quanh bảng thông báo, tôi tò mò lại xem mới biết đó là danh sách sinh viên nhập ngũ đợt này. Rất nhiều ánh mắt thoáng buồn vì sắp phải chia tay các bạn rời giảng đường lên đường nhập ngũ. Nhưng biết làm sao được, cả nước đang lên đường ra trận, cần sức trai đóng góp. Nhưng tôi vẫn thấy bất ngờ, có phần hụt hẫng khi thấy tên anh có trong danh sách.

Ra là vậy. Lòng tôi dậy chút tự ái, dỗi hờn. Tôi tìm gặp nhưng dường như Mười tránh mặt, bèn viết mấy chữ nhờ gửi cho anh: “Sao anh có thể đối xử với em tàn nhẫn vậy? Sự kiện quan trọng thế anh nỡ giấu, không nói với em được sao? Mà anh là con một, trong diện được ưu tiên không phải nhập ngũ cơ mà?”. Hôm sau mới thấy anh hồi âm: “Anh xin lỗi, vì hiện cũng chưa biết xử sự ra sao, bởi việc này anh cũng chưa cho mẹ biết... Gặp nhau anh sẽ giải thích rõ để em hiểu. Nhưng sinh viên đại học mà nói là “phải nhập ngũ” nghe chừng chưa ổn đâu”...

Và lần gặp ấy, vẫn ở chân tháp Bút. Chưa vào chuyện tôi đã xin lỗi anh vì lỡ lời hôm trước. Anh bảo:

- Không sao, nhiều người vẫn bảo thế mà. Chỉ vì anh nghĩ, làm trai thời chiến, được cầm súng đi chiến trường, ở đâu chưa nói, chứ với thanh niên Hà Nội, phải coi là một vinh dự, tự hào chứ. Có không ít người còn viết đơn bằng máu xin ra mặt trận đấy. Anh tuy là con một thật, hoàn cảnh khi anh đi gia đình sẽ thế nào, anh biết lắm chứ. Nhưng bố anh năm xưa, cũng dân Hà Nội gốc, nhà có hai anh em thì cả hai đều vào bộ đội, tham gia kháng chiến, cũng suy tính gì đâu. Đợt này là anh viết đơn tình nguyện nên khu đội mới chấp nhận đấy. Như vậy, anh mới xứng đáng với truyền thống gia đình, và không hổ thẹn với cha chú...

Anh ngừng lại như để nén xúc động rồi tiếp:

- Thú thật, như lần trước mới ngỏ ý, anh chỉ lo cho mẹ. Nhưng giờ chỉ còn trông cậy nơi em thôi... Còn chuyện của chúng mình, mai này tan giặc anh sẽ về mà!

Những ngày sau, Mười bận rộn với việc chào hỏi họ hàng, bè bạn, rồi buổi lễ tiễn đưa của toàn trường cũng tới. Tôi chợt nhận ra rằng, lần tâm sự bên hồ Gươm ấy cũng là lần cuối cùng chúng tôi bên nhau.

Sau khi Mười lên đường nhập ngũ, tôi thường xuyên qua lại nhà, trò chuyện, động viên, an ủi mẹ anh. Một lần ngồi nhổ tóc sâu cho bà, bà thủ thỉ: “Thằng Mười đã nói hết với mẹ rồi, cho dù giờ mỗi đứa một đầu đất nước thì con kể đã như dâu trong nhà, có khó khăn gì, cứ nói mẹ biết nhé”.

Một, hai tháng đầu anh còn thư về, đến tháng thứ năm và bẵng đi từ đó tuyệt không một tin tức gì nữa. Báo chí đưa tin, chiến trường đang vào giai đoạn khốc liệt.

Thế rồi tôi cũng đã tốt nghiệp. Nhưng để có việc làm sau ra trường, thật là chật vật trăm bề. Biết tôi học sư phạm, mẹ nhờ người bạn cùng tham gia kháng chiến xin cho tôi được đi dạy ở một trường cấp 1 ở nội thành. Cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng hàng mấy năm sau, cả những khi tin chiến thắng từ mặt trận loan về, chúng tôi cũng vẫn không nhận được bất cứ tin tức gì về lứa sinh viên tòng quân năm ấy.

Một chiều muộn, tôi đến nhà anh. Thấy khói hương nghi ngút trong nhà, còn mẹ thì ngồi gục đầu trên giường bên tấm “giấy báo tử”, tôi choáng váng, ôm bà tìm lời động viên. Nhưng biết nói gì nữa khi tên anh rành rành thế kia, nên chỉ biết òa khóc thảm thiết, nước mắt hai mẹ con hòa vào nhau...

***

Một sáng chủ nhật, tôi dẫn học sinh lớp mình chủ nhiệm đi tham quan tháp Bút, nơi tôi vẫn thường đến mỗi khi nhớ anh. Đang mải chỉ lên tầng tháp có ba chữ “Tả thanh thiên” giới thiệu, giải thích với đám học trò nhỏ ý nghĩa lịch sử của tòa tháp, thì đằng sau có tiếng vỗ tay. Tôi quay lại và không tin nổi vào mắt mình:

- Anh Mười! Đúng anh rồi! Anh... còn sống ư?

Anh nhoẻn cười tươi tắn trong bộ quân phục mới, ôm choàng lấy tôi mà không giữ ý:

- Thì anh đang đứng trước em đây thôi.

- Nhưng sao nhà nhận được giấy báo tử...

- Là họ báo nhầm đấy. Ai chả có lúc nhầm lẫn. Mà anh của em thì chết làm sao được!

Ôi, định mệnh sao khéo tài tình làm vậy, đến không thể tin nổi. Xin các bạn hãy coi đây là đoạn vĩ thanh tuyệt vời của tình yêu chúng tôi, tình yêu dưới tòa tháp Bút, bên hồ Gươm huyền thoại lung linh bóng cầu Thê Húc sắt son.

Truyện ngắn của Lê Tấn Hiển