Hà Nội văn

Thương nhớ dế cơm

Nguyễn Văn Chiến {Ngày xuất bản}

Chuyến du lịch nghe chừng không được suôn sẻ là mấy vì gặp đúng những hôm mưa xối xả. Sau cơn mưa tôi và bạn lang thang sau phía trạt cỏ để hít khí trời trong lành.

Đang tản bộ thốt nhiên bạn reo lên: Kìa! Một chú dế cơm! Ký ức tưởng chừng đã ngủ quên từ bao giờ ùa về theo hai từ “dế cơm”. Tôi nhìn chú dế cơm nhỏ xíu đang búng càng tanh tách trên những lá cỏ xanh mơn mởn mà lòng dội về bao cảm xúc xao động, bồi hồi.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Lại nhớ tháng 8, tháng 9 âm lịch khi những cơn mưa kéo về tầm tã thì mùa dế cơm cũng bắt đầu. Dế cơm có hình dáng nhỏ hơn các loại dế khác, trông có vẻ xấu xí nhưng lại là một món quà tuyệt hảo đối với trẻ con chúng tôi ngày ấy. Sau trận mưa đầu tiên lũ trẻ con trong làng chuẩn bị “đồ nghề” để đi săn dế với chiếc giỏ mây buộc dây thừng ngang hông, một chiếc cuốc và nếu đi săn vào ban đêm thì thêm một chiếc đèn pin bé.

Dế cơm thường trú ngụ ở trong hang, mưa xuống hang đầy nước, chúng bò ra miệng hang, lũ trẻ chúng tôi chỉ cần nhanh tay tóm gọn dế cho vào giỏ là xong. Những con dế nào “gan lì” ở trong hang thì dùng xô nước dội cho đầy miệng hang đợi dế ngạt ngoi lên thì bắt. Tôi hào hứng kể với bạn về một “tuổi thơ dữ dội”, bạn cười khanh khách rằng bạn cũng sinh ra và lớn lên ở quê, cũng quen thuộc với các trò bắt dế. Hồi nhỏ bạn hay dùng dây xoắn làm từ phanh dây xe đạp, có nối thêm lò xo ở đầu dây. Khi dùng dây chọc sâu vào tận đáy hang, khéo léo vặn sợi dây sang phải nhiều lần, dế sẽ bị cuốn vào lò xo phía đầu mũi và rút dây ra là lấy được dế. Bạn bảo mỗi lần “tóm” được dế còn nghe được âm thanh rè rè phát ra rất thú vị. Nhờ có sáng kiến này mà thời gian đi săn dế rút ngắn một cách đáng kể.

Đi săn dế cơm, chúng tôi chỉ mong gặp được dế cơm trống. Vì chúng to hơn dế mái, thân hình lại chắc nịch, đôi khi nhìn đôi mắt láo liên nhìn như van nài trông đáng thương vô cùng. Nhưng ngày ấy cuộc sống nghèo khó, trẻ con vốn dĩ chỉ nhớ tới bữa ăn béo ngậy nên nhanh chóng quên đi. Tôi nhớ món dế cơm chiên nước mắm thơm phưng phức mà lòng dạ lúc nào cũng cồn cào khi nhắc tới. Dế cơm bỏ ruột, đầu, chân, chỉ giữ lại phần thân sau đó được rửa sạch bằng nước muối để khử mùi bùn tanh và giúp thịt dế trở nên đanh, chắc hơn. Bắc chảo dầu lên bếp phi thơm hành tỏi rồi bắt đầu cho dế vào chiên đến khi ngả màu cánh gián thì thêm chút nước mắm, mì chính vào là ăn được. Đĩa dế cơm vàng hươm, bóng lẫy, thơm nức là món thương món nhớ của tuổi thơ những đứa trẻ quê chúng tôi. Dế chiên ăn với cơm nóng trong thời tiết se se lành lạnh nữa thì nồi cơm chẳng mấy chốc mà sạch veo. Mẹ tôi thường cười “đổ lỗi” cho những chú dế cơm vàng hươm là nguyên nhân gây… tốn cơm, nhưng hễ anh em chúng tôi xin đi bắt dế thì cả nhà đều hào hứng, trông đợi.

Nhoáng một cái tuổi thơ chúng tôi đã lùi xa. Những đứa trẻ quê mang theo ký ức bùn ruộng lên phố học tập rồi ở lại phố mưu sinh, lập nghiệp. Dế cơm bây giờ ở thành phố cũng chẳng thiếu vì đã trở thành món ăn đặc sản. Nhưng hình như những con dế cơm được nuôi nhốt “công nghiệp” chẳng thể ngon bằng những chú dế cơm gắn liền với nỗi tò mò háo hức và cả những lặn lội ngày xưa. Thương nhớ quá những mùa dế cơm năm nào...

Nguyễn Văn Chiến