Xưa và nay

Vài thông tin về tờ báo L’Avenir du Tonkin

Trần Ðình Ba 17/10/2024 09:22

Tọa lạc ở địa chỉ số 44 Lê Thái Tổ, trụ sở Báo Hànộimới ngày nay - một trong những điểm “phải check-in” của giới trẻ cũng như du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội - vốn là một công trình kiến trúc mang phong cách cổ điển được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.

Trải qua hơn 130 năm kể từ khi xuất hiện, đến nay tòa nhà này vẫn được đánh giá là một trong những công trình có kiến trúc đẹp nhất ở phía tây hồ Gươm. Song, không nhiều người biết, thuở ban đầu, nơi đây chính là trụ sở của tòa soạn báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ) với số đầu tiên ra đời cách đây tròn 140 năm.

hnm.jpg
Trụ sở báo L’Avenir du Tonkin, nay là tòa soạn Báo Hànộimới. Nguồn ảnh: Manhhai/Flickr

Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận báo chí ra đời trước nhất ở Nam Kỳ với tờ Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine, xuất hiện ở Sài Gòn năm 1861.

Phải hơn 20 năm sau, Bắc Kỳ mới có tờ báo đầu tiên được xuất bản tại Hà Nội. Và, mặc dù là tờ báo thứ hai xuất hiện tại Bắc Kỳ nhưng thông tin về báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai của Bắc Kỳ) đến nay thực sự rất ít ỏi. Thậm chí, nhiều thư mục báo chí không ghi nhận sự hiện diện của tờ báo này. “Thư tịch báo chí Việt Nam” (Tô Huy Rứa chủ biên, xuất bản 1999), “Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam” (Nguyễn Thành, xuất bản 2001)... cũng không thấy thông tin về L’Avenir du Tonkin.

Sách “Lịch trình tiến hóa báo chí quốc ngữ” (in năm 1942) thuật lại cuộc triển lãm sách báo mở tại Sài Gòn ngày 11-7-1942 của nhà sách Nguyễn Khánh Đàm, căn cứ vào tập tùng biên của Nha Học chánh Đông Dương số 1 ra tháng 9-1929 và cho hay, nhà in Imprimerie du Gouvernement (Nhà in Chính phủ) là nhà in đầu tiên được lập ở Hà Nội vào tháng 11-1883. Và, tờ báo đầu tiên in tại đây là tờ Bulletin du Commité d’études agricoles industrielles et commercial-es de l’Annam et du Tonkin. Cũng tại nhà in này, báo L’Avenir du Tonkin ra đời (thông tin nhà in được ghi rõ tại chân trang trang 4, cũng là trang cuối của báo). Sách “Lịch trình tiến hóa báo chí quốc ngữ” ghi: “Sang năm sau (13 Décembre 1884) Jules Cousin xuất bản tờ L’Avenir du Tonkin thoạt kỳ thủy cũng là quan báo”.

Thực ra, căn cứ theo trang nhất của tờ L’Avenir du Tonkin số 1, cũng như ghi chép của Claude Bourrin, thì tờ báo này ra đời ngày 15-12-1884 chứ không phải 13-12-1884. Cũng vì theo thông tin trong sách “Lịch trình tiến hóa báo chí quốc ngữ” nên một số nghiên cứu báo chí về sau bị nhầm lẫn, như “Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945” (Huỳnh Văn Tòng) ghi nhận báo ra ngày 13-12-1884. Với số đầu tiên ra ngày 15-12-1884, L’Avenir du Tonkin là tờ báo thứ hai được xuất bản ở Bắc Kỳ. Dựa vào tài liệu số hóa của báo tại Thư viện Quốc gia Pháp (BnF), số cuối cùng là số 13720, ra ngày 17-6-1941, với trụ sở tòa soạn tại số 114 đường Jules Ferry, tức phố Hàng Trống, Hà Nội.

Khi mới ra đời, báo L’Avenir du Tonkin gồm 4 trang, trong đó trang cuối dành cho phần quảng cáo các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, buôn bán… Số trang về sau tăng lên 8 trang, rồi đến 10 trang. Ban đầu báo ra vào các ngày 5, 15 và 25 hằng tháng. Về sau báo ra đều đặn vào các ngày thứ bảy hằng tuần rồi dần chuyển thành nhật báo. Khi mới xuất hiện, cung cách trình bày của L’Avenir du Tonkin khá giống kiểu của Gia Định báo khi chia ra làm hai cột để trình bày các tin tức. Điểm này có thể nhận thấy qua một vài số báo như số 21 (ra ngày 5-7-1885), số 37 (26-2-1887)… Bước sang năm 1888 về sau, báo ngày càng trình bày chuyên nghiệp với khung, cột tin bắt mắt hơn.

Là tờ “quan báo” do nhà nước bảo hộ xuất bản, L’Avenir du Tonkin in bằng tiếng Pháp, được phổ biến trong giới công chức. Cùng với sự phát triển của báo, độc giả mở rộng thành phần tới những trí thức Tây học, học sinh... Trong bức thư gửi Thống sứ Paul Bert ngày 17-6-1886 của Trương Vĩnh Ký có đoạn đề cập đến tờ báo này như sau: “Lại tôi đã lảnh [lãnh] chủ nhậm tờ Công Báo, vậy xin Đại Nhân dạy gởi cho tôi những nhựt báo như L’Avenir du Tonkin cho thấy mối quan tâm của họ Trương tới tin tức từ tờ báo này”.

Tìm thêm thông tin về L’Avenir du Tonkin, được biết trong cuốn “Le Vieux Ton-kin” (Bắc Kỳ xưa) của Claude Bourrin, cộng tác viên của báo, thỉnh thoảng có đề cập tới tờ báo. Qua đó, chúng ta biết được rằng L’Avenir du Tonkin do ông Jules Cousin làm Chủ nhiệm cùng với thành viên sáng lập khác là F. Mainfroy. Đến tháng 6-1885, Cousin trở thành chủ nhân duy nhất của báo. Sau khi Cousin mất năm 1887 trên đường về Pháp, Th. Chesnay và De Boisadam trở thành chủ mới của báo từ tháng 4-1888…

hnm-1.jpg
Báo L’Avenir du Tonkin số 1 ra ngày 15-12-1884. Ảnh: BnF

Theo sách “Le Vieux Tonkin”, trụ sở báo L’Avenir du Tonkin nằm trên phố Hàng Thêu(*). Địa điểm này nằm ở đoạn cuối phố Lê Thái Tổ bây giờ, và trụ sở của tờ L’Avenir du Tonkin nay chính là trụ sở Báo Hànộimới. Cuốn sách có đoạn như sau: “Phố Hàng Thêu có khách sạn Lớn (Grand hotel) nơi hiện nay là trụ sở của tờ L’Avenir du Tonkin. Sự ra đời của báo nhờ vào sự trợ giúp về thiết bị vật tư ấn loát do Chính quyền Bảo hộ nhập khẩu thiết bị để cho ra được một cách hoàn chỉnh một cơ quan ngôn luận thay cho tờ Công báo”. Ngoài tên báo chữ Pháp, manchette của báo từ cuối năm 1888 còn có chữ Hán thể hiện tính chất nhà nước của báo với tên gọi Đại Nam công báo (xem số 133, ngày 29-12-1888).

Báo L’Avenir du Tonkin bao quát khá nhiều chủ đề và chủ yếu liên quan đến Bắc Kỳ như tên gọi của báo. Ngay khi ra đời, ở trang nhất của số 1, báo đã có thông tin rõ về tôn chỉ, mục đích. Theo đó, sự ra đời của L’Avenir du Tonkin nhằm làm cầu nối thông tin cho người Pháp ở Bắc Kỳ những thông tin đang diễn ra ở ngoài xứ, cũng như thông tin cho người Pháp ở chính quốc biết những thành tựu đã thực hiện được ở Bắc Kỳ. Xuyên suốt quãng thời gian tồn tại, báo là một công cụ thông tin hữu hiệu về các vấn đề thời sự, kinh tế, văn hóa… cho độc giả. Có thể đơn cử, báo có những bài viết về biểu diễn kịch, khiêu vũ tại nhiều đô thị ở Bắc Kỳ, như L’Avenir du Tonkin số 19 (ra ngày 15-6-1885) miêu tả dạ hội của người Pháp tại Hà Nội; số 77 (3-12-1887) có thông tin về sự mở rộng địa giới của thành phố Hải Phòng ở trang 3…

Có một chi tiết khá hài hước được “Le Vieux Tonkin” thuật lại, liên quan đến báo L’Avenir du Tonkin cùng ông Chủ nhiệm Cousin. Theo đó, mặc dù có lúc báo thực hiện chức năng thông tin, phản biện xã hội nhưng cũng gặp sự khó khăn từ chính quyền. Số là về mặt thực phẩm, dẫu người Pháp tại Hà Nội được cung cấp khá tốt đồ hộp cũng như thức ăn sản xuất tại địa phương, nhưng thịt tươi ngon còn thiếu. Nắm bắt thực trạng này, tờ L’Avenir du Tonkin đã có bài viết yêu cầu mở cửa hàng thịt tư nhân. “Nổi cáu vì sự cạnh tranh có thể xảy ra, viên sĩ quan quân nhu đã cắt khẩu phần thịt bò hàng ngày của ông chủ báo và còn gửi cho ông ta một bức thư thú vị sau: “Ngài chẳng hiểu những gì ngài viết ra. Người ta cần một hàng thịt ư? Xin ngài hãy hỏi nơi khác, nơi có hàng thịt ấy. Nơi không có hàng thịt, thì ngài hãy xin lỗi và không cần gửi bông mua hàng làm gì. Ký tên: Albert Billoux”.

Theo lời kể của Vũ Ngọc Phan trong hồi ký “Những năm tháng ấy”, dạo nhà phê bình văn học tương lai còn nhỏ, ở cùng gia đình tại ngôi nhà cổ 54 Hàng Đào, vẫn còn nhớ Hà Nội có báo L’Avenir du Tonkin.

Trong hồi ký, nhà văn họ Phan cho biết ông Bùi Bằng Đoàn là khách quen của thân sinh cùng chú Tư của Vũ Ngọc Phan nên hay đến chơi nhà 54 Hàng Đào: “Ông Bùi Bằng Đoàn có trí nhớ rất lạ. Trước cửa trụ sở báo L’Avenir du Tonkin ở phố Hàng Trống có dựng cái bảng đen viết bằng phấn những tin tức của hãng Havas. Ông Đoàn không biết chữ Pháp, nhưng xem xong bản tin, ông về chơi nhà thày tôi, lấy giấy bút ghi lại cả bản tin, không sót một dấu chấm, một dấu phảy. Ông giáo Trần Ngọc Tôn, khi đó dạy ở trường Pháp Việt, có mặt trong nhà thày tôi, liền dịch những chữ Pháp ghi chép ra tiếng Việt cho mọi người xem”.

--------------
(*) Phố Hàng Trống có một thời gian ngắn mang tên phố Hàng Thêu.

Trần Ðình Ba