Di sản

Kể chuyện "phố hàng" trong Ngôi nhà di sản

An Định 19/10/2024 13:02

Sân khấu thực cảnh với khả năng khai thác tối đa bối cảnh, không gian văn hóa, mang đến những trải nghiệm đa giác quan đang là xu hướng được công chúng yêu thích.

Mới đây, phiên bản 2 của chương trình thực cảnh “Chuyện phố hàng” đã ra mắt tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, với mong muốn tạo nên một sản phẩm nghệ thuật - du lịch đặc sắc, mang vẻ đẹp riêng của phố cổ Hà Nội.

nha-87.jpg
Vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” mang đến cho du khách cảm nhận đa giác quan. Ảnh: Hoàng Quyên

Tái hiện phố hàng

Là một hoạt động diễn ra trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chương trình thực cảnh “Chuyện phố hàng” giống như một “cánh cửa” đưa người xem hôm nay trở về với ký ức phố. Đó là câu chuyện của chính Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây khi người xem “xuyên không” về những năm 1930 của thế kỷ trước.

Khi đẩy cánh cửa gỗ đã sậm màu thời gian, du khách dường như bước vào không gian hoàn toàn khác, thoảng hương trầm, hương sả và lời chào nhẹ nhàng: “Cảm ơn quý vị đã đến thăm tư gia nhà chúng tôi hôm nay, mời quý vị lên gác thắp hương cho gia tiên”.

Và, hành trình khám phá Ngôi nhà di sản bắt đầu theo tiếng bước chân cọt kẹt lên cầu thang gỗ cổ để chiêm ngưỡng cách bài trí ban thờ gia tiên của người Hà Nội xưa, rồi khách theo bước gia chủ qua phòng khách vào phòng bếp, nơi đang tỏa ra hương thơm món chè sen, của một vài nồi nước lá cổ truyền, mùi thuốc bắc...

Khẽ khàng, du khách chọn cho mình một chỗ ngồi trong số 36 ghế được kê sẵn ở gian ngoài để hòa mình vào vở diễn thực cảnh kéo dài 36 phút, gợi nhớ về cảnh sinh hoạt tại chính ngôi nhà này trong giai đoạn nó thuộc về gia đình một thương nhân bán thuốc bắc. Những cảnh sinh hoạt như thái thuốc, tán thuốc, bắt mạch kê đơn, chữa bệnh... được tái hiện bằng ngôn ngữ sân khấu hình thể, ánh sáng, âm nhạc... mang đến trải nghiệm thú vị cho người xem.

Nghệ sĩ Ưu tú Ánh Tuyết, đạo diễn chương trình cho biết: Đây là dự án chúng tôi đã ấp ủ suốt 2 năm qua. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi rất vinh dự được ra mắt vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Chúng tôi muốn kể câu chuyện di sản trong không gian đầy tính văn hóa, lịch sử. Không gian tuy chật hẹp nhưng đầy tính văn hóa, với nhiều lớp lang, chúng tôi đã tận dụng từng bối cảnh nhỏ nhất. Từ cái cây, cánh cửa... mang đến cho chúng tôi nhiều ý tưởng cũng như sự sáng tạo nghệ thuật. Qua câu chuyện này, chúng tôi mong muốn tái hiện đời sống của người Hà Nội những năm 1930 - 1950, kể về 36 phố phường, về những ngành nghề mà người Hà Nội đã làm. Một câu chuyện về đời sống, nét văn hóa của người Hà Nội. Đơn giản thôi, như là cách họ bắt đầu một ngày như thế nào, ăn ở ra làm sao, đối xử với nhau như thế nào. Vở diễn gần như không có lời thoại, chỉ bằng hình thể để cho khán giả, đặc biệt là du khách nước ngoài dễ tiếp cận hơn.

Mang đến sức sống mới cho ngôi nhà di sản

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX còn giữ được cấu trúc gần như nguyên vẹn cho đến nay. Ngôi nhà có diện tích 157,6m2, từng trải qua nhiều lần đổi chủ. Trong đó, quãng năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây. Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27-10-1999 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Từ nét kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ) cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16-2-2004, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp Quốc gia.

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà sẽ hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý để nhân dân phố cổ biết cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ. Việc dựng vở diễn thực cảnh tại đây nhằm giới thiệu một cách sinh động hơn về nét văn hóa người Hà Nội xưa.

Tuy nhiên, không gian của nhà cổ cũng khiến việc dựng vở gặp nhiều thách thức. Giám đốc Công ty Femor Nguyễn Quốc Tính - đơn vị tổ chức sản xuất chương trình cho biết: Chúng tôi không được thay đổi hiện trạng của ngôi nhà, đó là thách thức đầu tiên; thứ hai là các nghệ sĩ phải tranh thủ tập vào buổi tối muộn do ban ngày ngôi nhà vẫn mở cửa phục vụ khách du lịch. Trong không gian chật hẹp như vậy, chúng tôi phải sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để khán giả ngồi ở gian ngoài vẫn thấy được cảnh sinh hoạt phía sau, dưới bếp...

Vẫn trăn trở bài toán vận hành

Thực ra trước đó, tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, công chúng đã được xem một số hoạt cảnh về nét sinh hoạt của người Hà Nội xưa hoặc xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, triển lãm... gợi nhớ Hà Nội xưa. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ là những hoạt động mang tính sự kiện, chưa tạo được dấu ấn của điểm đến. Ngay với ê kíp thực hiện “Chuyện phố hàng”, năm 2023, họ cũng đã thực hiện tại đây phiên bản đầu tiên của “Chuyện phố hàng” nhưng đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì. Chính vì vậy, việc vận hành vở diễn, để có thể biểu diễn thường xuyên, tạo dấu ấn điểm đến yêu thích của du khách khi đến với phố cổ vẫn là một bài toán khó.

Ông Nguyễn Quốc Tính cho biết, năm 2023, mặc dù vở diễn được đánh giá rất tốt nhưng tại thời điểm ấy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành. "Trên sân khấu người xem chỉ thấy có 5 diễn viên nhưng chúng tôi cần cả chục người, từ người đón tiếp khách đến bộ phận kỹ thuật... Không gian ngôi nhà chật hẹp, mỗi buổi diễn chúng tôi chỉ phục vụ được 36 khách, trung bình 2 show diễn vào các tối cuối tuần. Vì vậy, để đảm bảo chi phí vận hành cho vở diễn thì cần phải tính toán rất kỹ" - ông Quốc Tính nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Tính, đơn vị quyết tâm vận hành show diễn vào năm nay bởi theo đánh giá chung, từ cuối năm 2023 trở lại đây, lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, các công ty du lịch cũng đang tìm kiếm thêm các trải nghiệm để xây dựng tour cho khách quốc tế.

“Đây là một căn cứ để chúng tôi quyết tâm vận hành chính thức show thực cảnh này. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy một xu hướng là các bạn trẻ hiện có mong muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống, nên vở diễn không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế mà còn đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ” - ông Nguyễn Quốc Tính chia sẻ.

Với giá vé dự kiến từ 13 - 15 USD (khoảng 350 nghìn đồng) cho một combo trải nghiệm kéo dài khoảng 1 tiếng, chương trình khám phá không gian Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và thưởng thức vở diễn thực cảnh “Chuyện phố hàng” được nhiều đơn vị lữ hành đánh giá là hợp lý để có thể vận hành định kỳ, tạo ra dấu ấn mới cho điểm đến. Theo kế hoạch, sau chương trình “Chuyện phố hàng” kể về nghề làm thuốc, ê kíp sẽ thực hiện các vở diễn khác kể về những phố nghề khác trong khu 36 phố phường Hà Nội.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi mong muốn các hoạt động như thế này được triển khai nhiều hơn nữa. Đây là một mô hình tốt để các điểm di sản trong khu phố cổ cũng như các trung tâm văn hóa có thêm những tour hoặc chương trình thực cảnh giới thiệu tới du khách.

An Định