Xưa và nay

Vui nhất có chợ Đồng Xuân

Nguyễn Trọng Văn {Ngày xuất bản}

Tôi may mắn có nhà ở gần chợ Đồng Xuân. Nhớ hồi trước Đổi mới, vào sáng chủ nhật, kiểu gì tôi cũng phải ghé vào chợ Đồng Xuân. Chẳng mua bán gì, chỉ cần được “đi chơi chợ”.

dong-xuan.jpg
Bên trong chợ Đồng Xuân.

Tôi tha thẩn khắp chợ, có lúc dừng lại ngắm nghía một hồi rồi lại đi tiếp. Có hôm mạnh dạn hỏi người bán hàng: “Cái này bán bao nhiêu?”. Sau khi nghe người bán hàng nói giá, tôi giả vờ lục túi và bảo đem thiếu tiền, hẹn hôm sau quay lại mua. Nói vờ vậy để người bán hàng không trách mắng, “đốt vía”, chứ thực tình hồi đó làm gì có tiền mà mua.

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ nhưng tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Mặt trước chợ là phố Đồng Xuân, phía Bắc là phố Hàng Khoai, phía Nam là phố Cầu Đông, phía Đông là phố Nguyễn Thiện Thuật. Hồi thành phố còn "tàu điện leng keng" thì phố Đồng Xuân có tuyến Bờ Hồ - Quán Thánh - Bưởi chạy qua. Ngày nhỏ, tôi cũng đôi ba lần đi chơi chợ, chán thì đợi tàu điện tới và nhảy lên. Trốn vé mà, nên tàu xuôi Bờ Hồ hay đi Quán Thánh cũng được, miễn là nhảy lên tàu cho khoái cái đã.

Phía Bắc chợ còn có quán Huyền Thiên, sau đổi thành chùa Huyền Thiên. Sát phía sau là chợ Bắc Qua họp ngay trên phố Nguyễn Thiện Thuật, là nơi chuyên bán hàng khô. Vì hai chợ sát nhau nên nhiều người quen gọi là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua.

Ở góc phía Tây Bắc của chợ, ngay trước mặt tiền chợ, có nhóm tượng Cảm tử để kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến diễn ra vào cuối năm 1946. Tôi nhiều lần được các bác chiến sĩ quyết tử Hà Nội năm 1946 kể chuyện Tiểu đoàn Quyết tử 101 Đồng Xuân (Trung đoàn Thủ đô) đánh kìm chân quân Pháp.

Rồi cả câu chuyện tình yêu của Đại tá Phạm Thư Chương - Chính ủy Sư đoàn hồi tôi mới nhập ngũ. Thủ trưởng của tôi là một thanh niên Hà Nội, đẹp trai lại rất thư sinh. Những ngày cùng Tiểu đoàn Quyết tử 101 Đồng Xuân đánh nhau với quân Pháp ngay trên chiến lũy chợ Đồng Xuân ấy đã cho ông Chương gặp một thiếu nữ Hà thành, cũng là một chiến sĩ của tiểu đoàn. Họ gặp nhau, yêu nhau và thành vợ chồng sau khi cùng Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu. Cô tiểu thư Hà thành ấy có hai chị em cùng là chiến sĩ quyết tử. Cô chị trở thành vợ của thủ trưởng của tôi. Còn cô em trở thành vợ của một chiến sĩ cùng đơn vị. Cái hay là hai cặp vợ chồng chiến sĩ quyết tử Hà Nội ấy sau này cùng ở một nhà. Tôi có mấy lần đến thăm vợ chồng thủ trưởng ở trong một ngõ nhỏ ngay dốc Hàng Than.

Ở khu vực chợ Đồng Xuân, vào tối thứ bảy, chủ nhật thường có “chiếu xẩm”. Một sân khấu nhỏ được dựng trước nhóm tượng đài Cảm tử. Các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) âm thầm biểu diễn phục vụ miễn phí. Khán giả đứng xem ngay trên phố Đồng Xuân. Khách ta có và khách tây cũng dừng lại nghe rất nhiều. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng giai điệu của xẩm cùng tiếng đàn, tiếng phách đủ để họ cảm nhận dòng âm nhạc được coi là “dân ca” của Hà Nội. Ấn tượng nhất có lẽ là bài “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” với những câu hát như “Hà Nội như động tiên sa, sáu giờ thắp hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân (í a), mùa nào thức nấy xa gần đến (i) mua...”.

Chợ Đồng Xuân ra đời năm 1889 nhưng phải đến năm 1890 chính quyền Pháp mới chính thức xây dựng chợ kiên cố với thiết kế gồm năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền được xây dựng theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Khoảng năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Tối ngày 14-7-1994, chợ bị hỏa hoạn, lửa thiêu rụi gần như toàn bộ các gian hàng. Phải đến ngày 19-7-1994, ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn. Đây là vụ cháy chợ lớn nhất tại Hà Nội cho đến nay.

Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối, chủ yếu dành cho bán buôn. Tuy nhiên, người mua vẫn tìm được những quầy hàng bán lẻ. Bên trong, chợ được chia làm 3 tầng với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Tại tầng trệt, từ cửa vào là các quầy hàng bán quần áo, giày dép, vali cho đến đồ điện tử như điện thoại, pin sạc, loa, đài..., chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Tầng 2 là khu vực bán buôn, bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc. Tầng 3 bán đồ dành cho trẻ nhỏ... Phía sau chợ có các hàng bán chim, thú cảnh. Hàng thực phẩm, ăn uống chủ yếu bán ở chợ Bắc Qua. Phía Bắc chợ là các hàng phục vụ khách ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây được vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc.

Còn vào những buổi tối cuối tuần từ thứ sáu đến chủ nhật, suốt từ phố Đồng Xuân kéo dài tới Hàng Đào là chợ đêm. Đi chơi chợ đêm cũng có nhiều thú vui. Vui nhất là tha hồ xem hàng hóa. Giá cả lại rẻ nữa.

Trải qua 134 năm, chợ Đồng Xuân vẫn tồn tại, gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của Hà Nội. Không chỉ là nơi bán buôn huyên náo, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của người dân Hà thành.

Hôm nay, tôi lại đi chơi chợ Đồng Xuân, lại đứng nghe hát xẩm: “Có chị hàng hoa chứ ngoài chợ có chị hàng hoa/ Có người đổi bạc đi ra đi vào, chứ nào hàng bún nấu bán (í) rao/ Bún nấu bán rao chứ nào hàng bún nấu bán rao (i)/ Nào hàng kẹo đạn ấy phở xào, rồi ngô bung lại thêm bánh rán kẹo vừng”...

Nguyễn Trọng Văn