Ly cà phê bản Noong Bua
Hồi ấy là vào tháng 5 năm 1973. Hiệp định về đình chiến và chấm dứt chiến tranh ở Lào đã ký kết được ba tháng. Đại đội tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ cắm cờ theo Hiệp định ở khu vực Keng Nhao, phía tây đường 231 trên cao nguyên Bolaven.
Đại đội được lệnh rút ra Saravan để cùng trung đoàn chuẩn bị ra Bắc. Chỉ còn trung đội tôi ở lại làm nhiệm vụ bàn giao rồi rút sau.
Chờ tới nửa tháng chẳng thấy có đơn vị Pathet nào tới nhận bàn giao, chúng tôi đành lặng lẽ thu dọn và lên đường. Sau một ngày ròng rã cuốc bộ hơn ba chục cây số dưới trời nắng gắt, trung đội về tới bản Noong Bua, một bản Lào khá trù phú nằm sát đường 231, giáp ranh giữa cao nguyên Bolaven và bình nguyên Saravan.
Tôi bị sốt rét từ hôm trước, không có thuốc uống, lại đắng miệng, không ăn được nên càng mệt mỏi. Ba chục cây số hành quân, ba lô và súng đạn phải nhờ đồng đội mang giúp. Chiều tối tới bản Noong Bua, chúng tôi xin ở nhờ nhà dân. Tối ấy, anh em nấu cháo đường cho tôi mà tôi cũng chỉ gắng ăn được lưng bát. Đêm ngủ li bì, chân tay rã rời.
Đường về nơi hội quân với đại đội còn hơn trăm cây số, phải bốn ngày hành quân căng thẳng nữa. Thấy tôi không đủ sức theo đơn vị, cũng không thể để một người ở lại trông tôi vì cả trung đội lúc này chỉ có 9 người nên Trung đội trưởng Dũng quyết định gửi tôi lại bản, chờ khi nào xe của trung đoàn vào chở gạo thì đón về. Tại bản Noong Bua này còn kho gạo hơn hai tấn của tiểu đoàn.
Gia đình tôi ở nhờ có một cô con gái. Tôi chỉ biết tên cô là Bun Tha Li, còn ông bà thì tôi cứ “phò”, “me” (bố, mẹ) mà gọi. Thuốc tây không có, Tha Li cho tôi uống thứ thuốc lá gì đó có vị đăng đắng. Tôi cố uống, sau đó là cố ăn để không phụ lòng Tha Li. Tha Li từng học lớp y tá của bộ đội Việt dạy cho phụ nữ các bản vùng Saravan hơn một năm trước, nhờ thế mà cô biết khá nhiều tiếng Việt. Còn tiếng Lào của tôi chỉ đủ ở mức hỏi thăm đường và xin ăn.
Sau hai ngày được Tha Li chăm sóc, tôi đã bình phục. Ngồi bên cửa sổ nhà sàn, tôi hay ngắm nhìn Tha Li làm việc. Cô gái Lào vùng bán cao nguyên này có nước da trắng. Váy áo không cầu kỳ nhưng đẹp hơn nhiều so với các bạn gái học cấp ba ngày xưa của tôi, chủ yếu là áo trắng phin nõn, quần lụa. Khi xuống dưới đất, Tha Li đi đôi dép Thái Lan xỏ ngón, lên nhà thì đi chân đất, để lộ bắp chân trắng ngần dưới chiếc váy thổ cẩm. Cái áo trắng có thêu hoa thưa quanh cổ là áo cộc tay và ngắn, hơi nhướng người lên là hở một phần bụng. Tất cả những hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh trong tôi. Niềm xao xuyến trộn lẫn giữa lòng biết ơn được chăm sóc và sự mến thương rất khó diễn tả bằng lời.
Sang ngày thứ ba tôi đã có thể cùng Tha Li dạo chơi quanh bản. Ở Noong Bua có nhiều vườn trồng cà phê cùng một số ít cây ăn quả, chủ yếu là dừa. Tha Li ít kể về mình mà hỏi chuyện tôi rất nhiều. Tôi kể cho Tha Li về gia đình mình, chuyện học hành trước khi đi bộ đội. Tha Li hỏi tôi: “Con gái Việt Nam đẹp lắm phải không?”. Biết tôi chưa có người yêu Tha Li tỏ ra thích thú. Tha Li có vẻ mến tôi và tôi có cảm tưởng trong mắt của cô ấy, mọi chàng “tà hán Việt” (bộ đội Việt Nam) đều đẹp và đáng yêu. Có lẽ đây là một điều may mắn cho bộ đội tình nguyện Việt Nam khi được người dân Lào rất quý mến và hết lòng giúp đỡ.
Khi nghe tôi nói đã chục tháng trời chưa được uống cà phê, lại biết tôi còn gói đường nhỏ anh Dũng để lại cho, Tha Li cười:
- Chúng mình cùng làm cà phê để uống nhé!
- Tha Li biết làm cà phê uống à? Anh đã qua nhiều bản vùng này, chưa thấy ai tự làm cà phê để uống bao giờ...
- Em biết. Bộ đội Việt Nam dạy đấy!
Tha Li dừng lại một chút rồi nói từng từ trong tiếng cười tinh quái: “Cà phê bít tất”. Tôi cũng bật cười rồi như vô tình nắm lấy tay Tha Li. Tha Li vung vẩy tay trong tay tôi nhưng không rút ra, cười rất vui.
Lúc này cà phê đang độ chín rộ. Chiều hôm đó Tha Li đưa tôi vào vườn nhặt hạt cà phê. Toàn hạt khô đã tróc trơ nhân. Tha Li bảo đây là những hạt cà phê do con sóc chuột chọn ăn quả chín rồi nhả hạt, làm tôi nhớ đến những con sóc chuột lần mò ăn thủng các ruột tượng gạo của lính hồi chúng tôi mới vào Trường Sơn, ở trạm 5. Có lẽ các vườn cà phê ở cao nguyên Bolaven này cũng có đầy sóc chuột, nhưng chẳng ai xua đuổi.
Tôi từng xem mấy anh lính cũ trong đại đội chế biến cà phê nên không lạ khi thấy Tha Li làm gần đúng như thế. Cũng đem hạt cà phê nhặt được về giã, rồi rang qua ba lửa, khói mù mịt như cháy nhà. Sau lửa thứ ba, Tha Li cũng cho vào chút mỡ gà, đảo khô rồi mới bắc ra. Cà phê giã xong không có rây mịn nên cuối cùng vẫn phải đun kiểu “bít tất” để có nước cà phê. Tối ấy, tôi cùng gia đình Tha Li uống cà phê và hút thuốc rê, nói chuyện râm ran. Không biết có phải đã lâu không được uống mà tôi thấy ly cà phê của Tha Li làm ngon tuyệt, ngon hơn cả những bát cà phê “B52” mà anh em trong trung đội nấu uống trong những tối mùa mưa ở hậu cứ bản Xamxinuc. Qua ánh sáng của bếp lửa chập chờn, tôi nhận ra ánh mắt long lanh và thật vui của Tha Li khi nhìn sang tôi.
Ngày hôm sau chúng tôi lại cùng nhau đi chơi, ra bờ suối, vào cánh rừng già gần bản. Tình cảm càng ngày càng thân thiết và có phần quyến luyến, nhưng chúng tôi vẫn hết sức tôn trọng nhau. Phần tôi, đang là một người lính tình nguyện nên chẳng thể bạo gan làm điều gì không phải. Và có thể vì thế mà Tha Li càng tỏ ra quý mến tôi hơn. Vốn tin tưởng bộ đội Việt, “phò”, “me” của Tha Li cũng chẳng tỏ ý phàn nàn hay ngăn cản khi thấy chúng tôi ríu rít bên nhau.
Chiều ngày thứ năm, xe tải của trung đoàn tới bản Noong Bua. Ngoài lái xe còn có ba chiến sĩ nữa đi theo để bốc gạo. Kho gạo cách bản một đoạn nên họ tự lo chỗ nghỉ, không ở cùng nhà Tha Li với tôi.
Ngày cuối cùng ở bản, tôi và Tha Li quyết định không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở nhà. Chúng tôi pha nốt chỗ cà phê và gói đường. Ngồi bên Tha Li ngoài mặt vui nhưng lòng tôi lại chạnh buồn. Nơi đây có thể coi như hết chiến tranh. Còn ở miền Nam thì nghe nói tình hình đã căng thẳng trở lại. Nếu có được ra Bắc an dưỡng ít lâu thì rồi trung đoàn cũng sẽ phải vào Nam chiến đấu chứ không trở lại mảnh đất Nam Lào đã gắn bó với chúng tôi suốt những năm tháng qua.
Tất cả những suy nghĩ đó trong lòng, tôi không thể nói ra được. Tha Li đang vui và đang rất hy vọng. Không thể để cho cô ấy sớm buồn, còn hy vọng thì quả thực rất nhỏ nhoi. Ngày cuối cùng bên Tha Li cứ thế chầm chậm trôi.
Mãi chín giờ sáng hôm sau mới có tiếng còi xe “bim, bim” ngoài bản. Tôi đeo ba lô và khoác súng lên vai, chào “Sabaidi phò me” rồi cùng Tha Li xuống nhà. Chúng tôi chia tay nhau. Tha Li nắm lấy hai bàn tay tôi, hai đứa nhìn thẳng vào mắt nhau, chẳng ai nói gì, muốn khóc mà không dám khóc. Nhìn vào mắt “sao” Tha Li, tôi hiểu rằng khoảng cách để đưa chúng tôi đến với tình yêu lúc này chỉ chưa đầy gang tấc, nhưng cây súng trên vai và bộ quân phục tôi đang mặc đã giữ cho khoảng cách ấy không bị phá vỡ. Tôi rút nhẹ tay mình khỏi tay Tha Li, nói nhỏ: “Tạm biệt Tha Li, anh sẽ rất nhớ em” rồi quay đi, thế mà bên tai vẫn kịp nghe Tha Li nói: “Em yêu anh”.
Ô tô chuyển bánh và tôi bắt đầu rời xa bản Noong Bua, rời xa Tha Li. Vướng hàng cây nên tôi không nhìn được Tha Li, nhưng tôi tin cô ấy sẽ còn đứng đó rất lâu. Tôi muốn kêu thầm một câu: “Tha Li ơi, anh cũng rất yêu em!”.
Trung đoàn tôi không ra Bắc mà về đứng chân ở Tha Teng mấy tháng để củng cố rồi sau đó vào miền Nam chiến đấu. Thời gian ở Tha Teng, tuy chỉ cách hơn trăm cây số vậy mà tôi không thể nào trở lại bản Noong Bua để thăm Tha Li. Nhưng tôi không thể nào quên người con gái Lào ấy. Tha Li đã chăm sóc tôi vượt qua cơn sốt rét với tình cảm như của một người mẹ, người chị, người em và cả người yêu nữa. Quần áo của tôi trong mấy ngày ở đấy cũng do Tha Li đem ra suối giặt, phơi khô rồi gấp lại để vào ba lô cho tôi. Tha Li đối với tôi đã vượt qua cả mức nghĩa tình của người dân Lào với bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Phải tới ngày kết thúc chiến tranh, đơn vị chuyển lên cao nguyên Buôn Ma Thuột, tôi mới lại có dịp được uống cà phê. Cầm ly cà phê trên tay, tôi lại nhớ tới Tha Li. Tha Li ơi, giờ này em có còn ở bản Noong Bua? Có còn nhớ tới người lính tình nguyện Việt Nam được em chăm sóc năm xưa? Người ấy đã mang theo tình cảm của em như một sức mạnh để đi qua cuộc chiến. Anh đã mãi nợ em một tình yêu mà có thể chẳng bao giờ đền đáp được.
Dù chưa thể thành mối tình đầu, nhưng hình ảnh của Tha Li vẫn mãi nằm trong một góc trái tim tôi. Và cứ khi nào ngồi uống cà phê một mình, tôi lại nhớ tới em và thầm nhắc: “Anh yêu em”.