Xưa và nay

Xiếc ở Hà Nội xưa

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Người xưa gọi những trò giải trí như múa, hát, leo dây, rối… là tạp kỹ hay tạp hỷ. Theo thời gian, các môn này phát triển hoàn chỉnh, trong đó có trò “leo dây múa rối”. Cuối thế kỷ XIX, cụm từ “leo dây múa rối” đã được thay thế bằng từ "xiếc", phiên âm từ "cirque" của tiếng Pháp.

xiec1.jpg
Rạp xiếc Trung ương ngày nay.

Một số tài liệu cổ cho biết, thời nhà Lý ở Thăng Long thường diễn ra các trò “leo dây múa rối” khi kinh thành có dịch bệnh, mừng thọ vua, Tết Nguyên đán hay hội hè mùa xuân. Nhà Lý đã đúc tiền bằng đồng nên người xem thả tiền vào cái thúng để thưởng cho người biểu diễn. Các trò “leo dây múa rối” xuất hiện trước thời nhà Lý.

Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, vào thời Đinh Tiên Hoàng (968 - 980) đã xảy ra dịch bệnh làm chết nhiều người. Các quan cho rằng, dịch là do ma quỷ gây ra nên cho rắc vôi quanh nhà để ngăn ma quỷ. Tuy nhiên, việc rắc vôi không có tác dụng. Thấy vậy, một pháp sư phương Bắc tên là Dũ Văn Mâu, ngoài 40 tuổi, liền xin dạy các trò “leo dây múa rối” cho ma quỷ xem. Ma quỷ bị cuốn hút sẽ không còn thời gian đi quấy nhiễu.

“Leo dây múa rối” gồm các trò như căng dây thừng to vào hai cột cao hơn mặt đất vài mét, sau đó hai người cân bằng bằng hai tay đi qua đi lại. Trò khác là chôn cây tre khoảng 3 - 4m xuống đất, sau đó một người đàn ông leo lên đặt tấm ván trên đỉnh rồi múa trên tấm ván. Lại có trò cho ngựa chạy vòng tròn trên bãi đất trống, người cưỡi sẽ đứng hay nằm, có khi cúi sát nhặt một vật ở dưới đất.

Trong cuốn “Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài” (1778) của thầy tu người Anh Jerome Richard có ghi chép về nghệ thuật “leo dây múa rối”. Jerome Richard sống ở Đàng Ngoài 18 năm nên am hiểu về xã hội kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Về nghệ thuật biểu diễn đường phố, ông viết: “Ở các khoảng đất trống trong kinh đô, thỉnh thoảng có nhóm người biểu diễn, họ hát múa, có anh ra làm trò (nhân vật hề trong chèo), lại có một nhóm gác cây tre lên hai cột hai bên, sau đó hai người đàn ông gầy gò đi ngược chiều mà không có bảo hiểm. Đến đoạn giữa cây tre, rất tài tình, họ tránh nhau rồi đi về hai đầu mà không ngã xuống đất”.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, thành phố thường xuyên có các gánh xiếc của người Anh, Pháp, Hà Lan… sang biểu diễn. Một trong những điểm họ hay thuê để dựng sân khấu là chợ Hàng Da vì khu vực này có bãi đất trống rất rộng. Các gánh xiếc Amstrong của Anh, Jsako của Hà Lan ngoài các tiết mục cần sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo, dũng cảm của con người còn có xiếc thú. Họ đặt các chuồng nhốt thú sát tường Nhà thờ Tin Lành. Tiếng gầm của sư tử, hổ khiến dân chúng tò mò kéo đến xem rất đông. Có bà già lần đầu thấy “ông Hổ” nằm trong cũi đã chắp tay vái lạy.

xiec1a.jpg
Một tiết mục xiếc được yêu thích của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Internet

Những tiết mục xiếc nước ngoài mê hoặc một thanh niên Việt Nam là Tạ Duy Hiển. Ông đã bỏ nghề trồng răng, vận động các thành viên trong dòng họ lập gánh xiếc. Với một số tiết mục khó, ông thuê người Pháp huấn luyện, còn các tiết mục khác thì ông cùng anh em tự nghiên cứu, luyện tập. Năm 1922, gánh xiếc gia đình của ông Tạ Duy Hiển có tên là Long Tiên đã ra mắt tại chợ Hàng Da. Đây là gánh xiếc mà diễn viên hoàn toàn là người Việt Nam và ông Tạ Duy Hiển là người đầu tiên mở ra nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại.

Không chỉ diễn ở Hà Nội, Long Tiên còn diễn ở các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Năm 1935, gã hề da trắng của gánh xiếc Amstrong trong khi diễn đã xúc phạm người Việt nên bị khán giả Hà Nội và các tỉnh tẩy chay. Không có khán giả, Amstrong lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, không còn tiền trả lương cho diễn viên cũng như mua thịt nuôi hổ và sư tử. Trong sự tột cùng của túng quẫn, chủ gánh đã tự tử tại Hà Nội. Những người còn lại trong gánh phải bán hết đạo cụ và thú để thanh toán nợ nần và ông Tạ Duy Hiển đã mua lại để lập môn xiếc thú. Ông mua lô đất rộng ở đầu phố Quần Ngựa (ngõ 32 phố Đội Cấn ngày nay) làm trại nuôi thú, đồng thời cũng làm nơi huấn luyện tiết mục. Long Tiên có các nghệ sĩ giỏi nghề, tiết mục nào cũng lạ, độc đáo và vô cùng hấp dẫn, những anh hề hóm hỉnh vui nhộn, lại có cả xiếc thú nên gánh sang biểu diễn tại Lào và Campuchia hằng tháng trời.

Sau năm 1954, xiếc Việt Nam phát triển với nhiều tiết mục như nhào lộn trên không, đu bay, chống kiếm, dạy sư tử, hổ... Rạp Nhà Bạt ở Công viên Thống Nhất một thời luôn là niềm khát khao của lũ trẻ ngày nghỉ học và trong ba tháng hè. Và đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất trong cả nước có rạp chuyên biểu diễn xiếc, trong đó các tiết mục xiếc thú luôn được trẻ em yêu thích.

Nguyễn Ngọc Tiến