Di sản

Hồi sinh lụa La Khê

Phương Thúy 03/11/2024 14:26

Tìm lại phương pháp dệt vải của cha ông, thổi hồn cho lụa trong những sản phẩm thời trang, thích dụng với đời sống hiện đại…, đó là những việc làm bền bỉ của gia đình nghệ nhân Lê Đăng Toản, làng La Khê (phường La Khê, quận Hà Đông) từ nhiều năm nay với mong muốn khôi phục nghề dệt thủ công truyền thống.

z5975520110748_14cc2c248fb6.jpg
Nghệ nhân Lê Đăng Toản và du khách tham quan triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi”.

Tiếng nói mới từ lụa

Trong không gian triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi” trưng bày 5 bộ áo dài do các sinh viên chuyên ngành Thời trang và Sáng tạo của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) thiết kế. Đây là một học phần nghiên cứu của sinh viên năm thứ 2 khi tìm hiểu kỹ thuật truyền thống áp dụng cho thời trang. Điểm chung của những bộ trang phục này là đều được may bằng lụa của làng La Khê (Hà Đông), sử dụng kỹ thuật đan của nghệ nhân làng Phú Vinh, tạo nên lớp bao che, trang trí.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sự liên kết các ngành trong sản phẩm thời trang cũng là một trong những định hướng đào tạo, với mong muốn mở ra nhiều hướng tư duy sáng tạo, vừa học hỏi kỹ thuật mới, vừa biết kế thừa các ngành nghề thủ công. Đây là bộ sưu tập áo dài “Giao thoa” đoạt giải Ứng dụng cao của Cuộc thi "Thiết kế Áo dài Hà Nội - Tinh hoa Áo dài" do Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức. Bộ sưu tập góp phần tôn vinh nghệ thuật thủ công truyền thống, tôn vinh hình ảnh người nghệ nhân tinh tế, khéo léo, thông qua góc nhìn mới mẻ và hiện đại của thế hệ trẻ, truyền tải thông điệp về sự trân trọng và tiếp nối các giá trị văn hóa cổ truyền.

Bên cạnh những sáng tạo của các bạn trẻ, 5 bộ áo dài tân thời mang họa tiết, hoa văn điển hình của Hà Nội, được thể hiện bằng kỹ thuật vẽ tay của một họa sĩ miền Nam cũng được giới thiệu tới người xem trong triển lãm “The La - Ngàn năm canh cửi”. Cầu Long Biên và những vườn cải vàng ở bãi bồi ven sông, chùa Một Cột trong đầm sen đua nở, Cột cờ Hà Nội trong sắc hoa sữa mùa thu... được tái hiện một cách tỉ mỉ bằng phương pháp tả chân. Họa sĩ Ngọc Hùng cho biết: “Vẽ trên vải lụa khác hoàn toàn so với trên toan. Mỗi loại vải lại có bề mặt, kết cấu khác nhau và đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng. Lụa La Khê vừa mềm vừa mát, tôi phải vẽ làm sao để giữ nguyên vẹn sự mềm mại đặc trưng của tà áo dài. Vì là sản phẩm sử dụng hằng ngày nên phải xử lý để không bị bong tróc, hài hòa với vóc dáng người mặc”.

z5975519683798_41f1b484c5d2.jpg

Cả hai bộ sưu tập áo dài trong khuôn khổ triển lãm nói trên đều được may bằng lụa La Khê, do nghệ nhân Lê Đăng Toản sản xuất. Bên cạnh đó, anh còn giới thiệu những bộ áo dài ngũ thân, tứ thân, áo giao lĩnh... được làm từ nhiều loại vải khác nhau như sa nam, the, lụa, lụa vân, xuyến, băng, quế... Mỗi loại vải đều có hoa văn và kỹ thuật dệt khác nhau. Triển lãm đưa du khách trở về truyền thống dệt vải của làng La Khê, một làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long xưa. Trải qua nhiều thế kỷ, cho đến nay, La Khê vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa và nghệ thuật trong từng sợi vải, lưu giữ tinh hoa của nghề canh cửi qua nhiều thế hệ.

Khôi phục kỹ thuật của cha ông

Gìn giữ nghề cha ông, đến nay nghệ nhân Lê Đăng Toản đã dệt được 9/14 loại vải. Chất liệu tơ tằm mát, nhẹ, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Tuy vậy, chất liệu này cũng được “mặc định” là khó tính khi dễ bị xô dạt, co ngót. Nghệ nhân Lê Đăng Toản ví dụ, với vải sa nam, để ra được thành phẩm vừa chắc chắn, thưa thoáng, tấm vải không bị xô dạt, anh đã dùng go võng, sợi dọc vặn, khóa sợi ngang. Với vải sa hoa Ngũ phúc chầu thọ, vừa kết hợp nền vải lụa và nền vải sa, tạo nên hoa văn trên nền sa, đòi hỏi quy trình dệt vải rất công phu, nhiều lớp lang. “Đây là chiếc áo với hoa văn cổ thời Nguyễn, dành cho các vị tú tài mặc. Ngày xưa cha ông chúng tôi dệt khung gỗ, thủ công. Còn bây giờ, với sự hỗ trợ của máy móc, việc làm nên những tấm lụa không mất nhiều thời gian như trước. Các mẫu in hoa văn tuy từ xa xưa, nhiều nhất là từ thời Nguyễn nhưng vẫn được nhiều người yêu thích” - nghệ nhân Lê Đăng Toản nói.

Hay với loại vải the, vừa mỏng, bóng, mịn, vừa thoáng nhưng khi mặc lên không bị hở, nghệ nhân Lê Đăng Toản cho biết chất liệu này không chỉ để may áo dài mà còn dùng để may áo cho cả nam và nữ. Để tạo ra hoa văn dệt vải, anh dùng bìa các tông đục lỗ, tạo hình điều tiết sợi dọc, sợi ngang. Khuôn dệt vải được người thợ thủ công làm tỉ mỉ, sắp xếp các bố cục, họa tiết, làm quy chuẩn để dệt vải. “Nghề của chúng tôi nay đã đi theo hướng khác. Những tấm lụa đến tay người sử dụng có sự khác biệt về chất liệu, vừa cổ điển vừa hiện đại, từng hoa văn đều có ý nghĩa...” - anh Lê Đăng Toản cho biết.

Với truyền thống nông nghiệp lâu đời, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa gắn bó với đời sống người dân qua nhiều thế hệ. Từ Bắc chí Nam, đất nước ta có những làng lụa thủ công nổi tiếng như: Làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng nghề Lụa Mã Châu (Duy Xuyên - Quảng Nam), làng nghề lụa Tân Châu (An Giang), làng lụa Bảo Lộc - Lâm Đồng. Làng lụa La Khê xưa vốn chuyên may áo cho vua chúa, quan lại, nổi tiếng từ thế kỷ XVII, từng được ví như “tứ quý danh hương” cũng không thể tránh khỏi thăng trầm qua thời gian. Năm 2002, nhờ chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước cùng quyết tâm gìn giữ làng nghề của nhân dân La Khê, nghề dệt tơ tằm được khôi phục, sản phẩm lụa của làng được đến tay nhiều người tiêu dùng hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào đưa cổ phục Việt trở lại với đời sống được nhiều người hưởng ứng, mang đến cơ hội mới cho các làng nghề dệt lụa, trong đó có La Khê.

z5975518683454_e258416e55aa.jpg

Chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, vợ nghệ nhân Lê Đăng Toản, cũng là người thiết kế và đưa sản phẩm lụa La Khê quảng bá khắp trong Nam, ngoài Bắc cho biết: Lụa La Khê đã hiện diện ở một số sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước; tham gia các cuộc triển lãm làng nghề, lễ hội áo dài trong những năm gần đây. Việc giới thiệu các trang phục điển hình từ thế kỷ XVIII đến nay trong khuôn khổ triển lãm “The La - ngàn năm canh cửi”, từ chiếc áo tấc, áo Nhật Bình, áo ngũ thân đến áo dài tân thời, áo dài mang hơi thở đương đại... cho thấy quá trình gìn giữ và phát huy lụa trong đời sống hiện đại. “Chúng tôi đã cố gắng vừa khôi phục, vừa cập nhật về màu sắc, hoa văn và kiểu dáng cho phù hợp thị hiếu khách hàng, đồng thời cũng cho mọi người thấy tâm huyết trên mỗi sản phẩm của La Khê được làm bằng phương pháp thủ công. Từng chiếc khăn, từng tấm vải may áo dài đều được dệt, nhuộm thủ công và thế mạnh của La Khê vẫn là áo dài cổ phục, áo dài tân thời, áo sơ mi. Từng bước một đều phải chắc chắn, ra sản phẩm nào thì phải chắc, đẹp sản phẩm đó” - chị Quỳnh nói. Dự kiến, ngoài 9 loại vải như lụa vân, sa, sa nam, sa ngũ phúc, the trơ, the hoa, xuyến, lần là, quế, trong thời gian tới đây, xưởng dệt lụa của gia đình anh Lê Đăng Toản, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh sẽ khôi phục cách dệt vải băng, vải địa.

Từ câu chuyện của lụa La Khê, có thể thấy được tiềm năng phát triển của những làng nghề dệt thủ công truyền thống trong cả nước. Vừa gìn giữ nghề tổ, vừa học hỏi, sáng tạo, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu người dùng, vừa tạo ra bản sắc riêng…, đó luôn là bài toán đặt ra cho mỗi làng nghề, đặc biệt là trong bối cảnh nghề thủ công, mỹ nghệ là một trong những mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa.

Phương Thúy