Hà Nội văn

Còn ai ninh cháo muối cà…

Thùy Linh {Ngày xuất bản}

Thu đã se se lạnh khi sớm mai, khuya tối nhưng cái nóng nực lẫn với hanh khô những buổi trưa khiến ta vẫn thích thứ gì đó mát lành, thanh đạm với hương vị dân dã nấn ná từ đầu lưỡi tới trái tim. Là ta đang nhớ đến món cháo đậu cà, thức quà giản dị gây thương nhớ của ngày nắng nóng Hà Nội.

z5975995329873_59633977d5ef.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Tôi không sinh ra trong cái thời ngày xưa gian khó khi mà cháo đậu cà chỉ được xem như món ăn làm đầy bụng của con nhà nghèo. Từ khi có ký ức, món cháo ấy với tôi đã là thức quà đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Cách làm món cháo này cũng đơn giản, chẳng hề đắt đỏ. Chọn loại gạo ngon rồi ninh thành cháo với đỗ xanh hoặc đỗ đen tới sánh mịn. Cháo ra nồi phải đặc, dẻo, thơm, chỉ thuần túy cái vị ngọt bùi thanh nhã của ngũ cốc để ăn kèm đậu rán tẩm hành và cà pháo muối giòn. Họ nhà đậu đỗ thanh nhiệt mát gan, ngày hè lặng gió, có bát cháo đậu cà để mà nhâm nhi thì nóng nực, oi bức cách mấy cũng thấy tiêu tan hết.

Là món ăn đường phố gần gũi nên có thể bắt gặp cháo đậu cà ở bất cứ đâu tại Hà Nội, từ gánh hàng rong trên phố, sạp nhỏ vỉa hè hay căn tiệm be bé lọt thỏm giữa những khu chợ truyền thống. Ngày trước, phố chợ Phùng Khắc Khoan nơi mẹ tôi mưu sinh bằng nghề vải, mùa hè nào cũng vậy, cứ độ bốn, năm giờ chiều là lại nghe tiếng rao “Ai cháo đậu cà nào! Cháo đậu cà đây!” cùng dáng đi thong thả của cô hàng cháo. Chiếc xe đạp cũ kỹ với những vòng xoay cót két chở đằng sau nồi cháo to cùng hũ cà, hộp đậu và lỉnh kỉnh thìa bát. Cô không có bàn ghế cho khách ngồi, chỉ dắt theo xe cháo đi rồi dừng, dừng rồi đi, nán lại tại mỗi góc phố chừng nửa tiếng đến một tiếng. Khách có thể đứng bên xe cháo mà xì xụp hoặc nếu đã quen mặt thì có thể mang theo bát sành con con về nhà thưởng thức, trước khi nắng tắt cô sẽ quay lại thu.

Cô hàng chỉ bán cháo đậu xanh nấu đặc vừa, để nguội ăn cho mát. Món cháo không có gì đặc sắc nhưng thức ăn kèm thì lại vô cùng ngon miệng. Cà pháo là những quả nho nhỏ, ít hạt, hơi nhăn, được muối rất vừa vị nên chua chua mặn mặn, giòn tan và thoảng thơm mùi riềng. Đậu hũ từng bìa vuông vức, lớp da đậu hơi già vàng ruộm, ngâm tẩm trong nước mắm thơm phức, ăn vào chỉ thấy vỏ ngoài dai nhẹ, ruột trong mịn mềm, thấm đẫm mắm hành đậm đà. Cắn một miếng đậu, ăn một miếng cà, lại húp một thìa cháo mộc mạc, nắng oi bỗng chốc tan nhòe đi sau từng cái nhấm nuốt.

Cùng với trứng ngải cứu, bánh rán mật đường và chè bưởi..., cháo đậu cà đã trở thành món ăn vặt theo tôi lớn lên suốt những mùa hè ấu thơ. Bẵng đi một thời gian, tôi trưởng thành và bận rộn hơn, không còn chỗ cho những chiều hè yên ả nơi phố chợ với các thức quà quen và cũng chẳng biết cô hàng cháo đậu cà đã thôi thong dong bên xe cháo đẩy đi trên những nẻo đường phố phường tự bao giờ. Phố chợ nay vẫn như phố chợ xưa, lúc vãn lúc đông. Cửa hàng mẹ tôi thay đổi mấy bận nhưng vẫn còn đó khiêm tốn một góc. Chỉ có dáng người nhỏ thó bên chiếc xe rong cồng kềnh của cô hàng cháo là nhạt nhòa trong ký ức tôi. Nghe đâu con cái cô đều đã đỗ đạt thành tài, không cần dựa vào xe cháo của mẹ để bươn chải ăn học nữa. Chỉ có khách quen như tôi sẽ thi thoảng lại bị ký ức lao xao gọi mời...

Món cháo đậu cà qua nhiều năm biến thiên tuy vẫn giữ được cái hồn tinh túy giản dị xưa nay nhưng đã có thêm vài thay đổi. Có nơi người ta bỏ thêm trứng muối bùi béo, cà pháo ăn kèm cũng có khi là loại cà bát cỡ to muối chua ngọt với ớt, tỏi… Đôi khi "con sâu thèm" lăn lộn trong bụng, tôi lại nhớ món cháo đậu cà nguyên nước nguyên vị ngày xưa, nhưng cũng chỉ là nhớ vậy thôi. Trưởng thành, ta sẽ không vì thèm nhớ một điều gì mà lăn lộn ăn vạ để có cho bằng được. Ta sẽ chỉ thòm thèm gửi nỗi nhớ vào những bâng khuâng hoài niệm, vào câu văn và con chữ mong được sẻ chia với đời để từ đó, dù là dân Thủ đô hay vãng khách đều sẽ khắc ghi một thức quà dân dã mà khó quên mang tên cháo đậu cà.

Thùy Linh