Hà Nội văn

Vết sẹo

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn {Ngày xuất bản}

Từ ngày lên cấp ba, thằng Hải thường ở tịt trong nhà. Hiếm khi người ta thấy nó ló mặt ra ngoài phố, trừ những lúc đi học. Nó đã tỏ tường một sự thật, điều mà người ta lâu nay vẫn bàn tán xì xào, rằng nó không phải con của bố nó.

Nó là con của ông hàng xóm cùng dãy phố, chỉ cách nhà nó hơn chục nhà. Càng lớn, nó càng cao nhẳng, tóc xoăn tít, da ngăm đen và cái mặt choắt lại. Giống ông hàng xóm ấy như lột, không lẫn vào đâu được.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Mẹ nó là y tá bệnh viện huyện. Ông hàng xóm là bác sĩ cũng làm ở bệnh viện đó. Ông khám bệnh kê đơn, còn mẹ nó hỗ trợ ông thăm khám và chăm sóc, theo dõi sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân nào cần điều trị tại nhà, ông lại giới thiệu mẹ nó tới tiêm thuốc, truyền dịch... Có lẽ nó là kết quả của những đêm mẹ nó và ông ta trực cùng nhau ở bệnh viện.

Bố nó quanh năm gắn với chiếc xe ôm, thường đứng đón khách ở ngã tư phố huyện. Mỗi khi có chiếc xe khách đường dài nào dừng lại trả khách thì bố nó và mấy người xe ôm khác lại nhào tới, tranh nhau mời gọi. Hôm nào may mắn có được vài cuốc xe thì khá, còn không thì...

Mẹ nó là trụ cột kinh tế trong nhà. Trong bữa ăn, mọi người ít trò chuyện với nhau. Bố nó thường buông bát đũa trước, ra hiên nhà ngồi rít thuốc lào. Mẹ nó chê mùi thuốc lào hôi hám. Nhưng bỏ gì thì bỏ, chứ bỏ thuốc lào thì bố nó không thể. Thành thử, bố nó cứ hút, nhưng ở một góc hiên nhà.

***

Được cái thằng Hải học rất giỏi. Có lẽ do nó mang cái gen trội của ông bác sĩ, cũng như mái tóc xoăn và màu da đen khác lạ vậy. Càng ngày nó càng ghét cay ghét đắng khi nhìn thấy mình trong gương. Nó ước nó giống bố nó. Nó ước nó như bao đứa trẻ khác, không giống bố thì giống mẹ hoặc giống cả hai. Đằng này nó chẳng giống mẹ, chẳng giống bố, chỉ giống ông hàng xóm, mà lại còn giống như lột.

Bây giờ thằng Hải đã lớn, tâm sinh lý thay đổi hằng ngày. Những lời bàn tán xì xào dù nhỏ cũng tới tai nó. Nó ít khi mở lời nói chuyện với mẹ. Nó căm thù ông bác sĩ. Khi đi học phải qua nhà ông ta, nó cố đạp xe thật nhanh. Nhưng trong một giây lát thoáng qua, ánh mắt nó nhìn liếc ngang như tìm kiếm một điều gì đó.

Bọn con trai tầm tuổi nó ngoài giờ lên lớp thường đốt thời gian trong những quán game hoặc mải miết chạy theo quả bóng tròn. Thằng Hải thì không. Nó trốn biệt trong nhà và vùi đầu vào sách vở. Nó tìm thấy niềm vui trong những trang sách. Nó đam mê tìm lời giải cho những bài toán hóc búa. Nó thích thú với những công thức phản ứng hóa học phức tạp. Nó kinh ngạc khi biết rằng cơ thể con người có thể vẽ lại bằng một bản đồ gen, với những bài toán di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong căn phòng nhỏ của nó có ánh sáng của một thế giới khác rộng lớn và bao la.

Thằng Hải đã tự quyết định với chính bản thân nó, rằng phải học thật giỏi để thi đỗ đại học. Vào đại học để thoát khỏi cái phố huyện này. Nó sẽ thoát khỏi ánh mắt dòm ngó tò mò và thương hại của hàng xóm. Nó sẽ vào tận Sài Gòn để học. Thậm chí nó còn muốn đi xa hơn nữa nếu có thể.

Ngày thằng Hải vào Sài Gòn học, mẹ nó chỉ dặn: “Vào đó lo mà học, thiếu tiền gọi mẹ”. Bố nó thì như mọi khi, chỉ ậm ờ chẳng nói chẳng rằng. Nó đi học rồi, chẳng hiểu bữa cơm nhà chỉ còn bố và mẹ ngồi với nhau sẽ nói chuyện gì. Có lẽ chẳng có chuyện gì mà nói. Gia đình nó như chường ra bộ mặt đủ vợ đủ chồng với xã hội, nhưng cuộc sống thật bên trong thì mỗi người một lối, kể cả nó.

***

Thế rồi trời bắt tội ông bác sĩ. Đang khỏe mạnh béo tốt vậy mà gầy rộc đi, sút cân rõ rệt. Ông chán ăn, buồn nôn và màu da đã đen lại càng khô sạm, trông rất khó coi. Ông đi khám trên bệnh viện thành phố và nhận kết quả cho biết ông bị suy thận giai đoạn cuối. Dao sắc không gọt được chuôi. Chỉ có hai lựa chọn cho ông: Hoặc phải thay thận hoặc chờ chết. Sự sống của ông tính bằng tháng bằng tuần. Ông chính thức có ba người con, hai trai một gái. Chúng đều đã lớn khôn và lập gia đình. Gia đình ông chẳng thiếu tiền, thậm chí rất giàu là đằng khác. Nhưng tìm được người hiến thận phù hợp trong thời gian ngắn là việc quá khó. Bệnh viện nơi ông đang nằm điều trị đề nghị một phương án: Mấy đứa con cân nhắc một người hiến một quả thận khỏe mạnh để ghép thận cứu bố.

Mới đầu ông bác sĩ gạt phắt đi phương án này. Ông thương mấy đứa con ruột và ông chẳng muốn đứa nào vì ông mà phải mất đi một phần cơ thể. Nhưng khi cái chết ngày một cận kề, ông thấy mình ham sống hơn bao giờ hết. Trớ trêu thay, chẳng đứa con nào muốn cho bố một quả thận. Chúng viện đủ lý do, rồi chốt lại là bố chúng nên trích một phần gia sản để tìm mua một quả thận ngoài chợ đen. Nhưng việc mua bán nội tạng giờ đang bị siết chặt sau mấy vụ bị báo chí phanh phui.

Thế nhưng một phương án chẳng ai ngờ lại cứu sống ông bác sĩ. Đó là thằng Hải. Mẹ thằng Hải sốc nặng khi biết con trai đồng ý hiến một quả thận cho ông bác sĩ. Mẹ nó chẳng hiểu lý do gì mà nó lại quyết định như vậy. Người hàng phố rỉ tai nhau: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Thằng này thế mà lại có hiếu với bố đẻ của nó”. Chỉ có thằng Hải mới rõ tại sao nó lại làm thế.

Muốn hiến tặng nội tạng thì theo pháp luật phải chứng minh được người hiến là người thân trong gia đình. Trên giấy tờ, nó không phải là con của ông bác sĩ. Vậy nên nó và ông ta phải làm xét nghiệm ADN để khẳng định ngược lại điều này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả giám định ADN khẳng định 99,9% thằng Hải và ông bác sĩ có quan hệ huyết thống. Chuyện đã rõ như ban ngày.

Có một thỏa thuận ngầm giữa nó và ông bác sĩ mà không đứa con nào của ông cũng như bố mẹ nó được biết. Sau khi được cứu sống, ông ta sẽ lo cho nó đi du học. Trong cơn bạo bệnh, ông bác sĩ chẳng tiếc bất cứ thứ gì. Tới lúc gần với thần chết hơn bao giờ hết ông mới biết điều gì là đáng giá nhất. Đó là sự sống. Dù gì thằng Hải cũng là con ruột của ông, mà nó lại còn học rất giỏi. Ông coi đó là sự đền bù thỏa đáng cho thằng con vô thừa nhận sau gần hai mươi năm trời. Ông còn có ý định để lại một phần gia sản cho thằng Hải nữa nhưng chưa cho nó biết. Ông muốn xem nó thể hiện như thế nào.

***

Ca phẫu thuật thành công. Quả thận của thằng Hải thích ứng hoàn toàn với cơ thể ông bác sĩ. Sau một thời gian theo dõi, các bác sĩ khẳng định nguy cơ thải ghép đã bị loại bỏ. Ông bác sĩ như được sinh ra một lần nữa.

Sức khỏe thằng Hải thì không có gì đáng lo. Ca phẫu thuật chỉ để lại sau lưng nó một vết sẹo dài cỡ gang tay. Vết sẹo nó chỉ có thể nhìn thấy khi soi gương hoặc cảm nhận được khi sờ tay vào. Thằng Hải đã lựa chọn. Nó chọn đối mặt với sự thật. Giờ đây nó đã được thừa nhận. Hàng xóm láng giềng xôn xao một thời gian dài về quyết định táo bạo của nó. Ai cũng tặc lưỡi nhưng công nhận thằng bé dũng cảm và có hiếu. Họ không biết rằng chính ánh nhìn thương hại của họ sau bao năm lại tích tụ một sức mạnh cho thằng Hải. Để rồi tới thời điểm, nó đã bùng phát và đưa tới một quyết định táo bạo tới khó tin.

Ông bác sĩ tìm một trung tâm xúc tiến du học để lo thủ tục cho thằng Hải. Quyết tâm của nó không phải bàn - sắc lẹm như con dao mổ đã rạch vào tấm lưng trần của nó.

Thằng Hải nhập học một trường đại học y có tiếng ở Mỹ. Ngày nó bay, chỉ có ông bác sĩ và mẹ nó ra sân bay đưa tiễn. Ở sân bay chiều hôm đó, ông bác sĩ, mẹ nó và nó trông như một gia đình nhỏ hạnh phúc tiễn đứa con học giỏi đi du học. Đời thật oái oăm. Nhưng chẳng có một nụ cười hạnh phúc nào cả. Chỉ có một đôi lời dặn dò của mẹ nó. Nó tuyệt nhiên chẳng nở một nụ cười. Nó cũng chẳng khóc. Nó chỉ thấy trống rỗng đến kỳ lạ.

Năm năm du học ở Mỹ đã tôi luyện thằng Hải thành một con người cứng cỏi và trưởng thành. Nghề y như một bàn tay thần kỳ hàn gắn nỗi đau hữu hình và vô hình.

Ngày Hải trở về, cũng là ngày ông bác sĩ đau trở lại. Quả thận của Hải trong cơ thể ông đã đi tới tận cùng tuổi thọ. Một tháng sau thì ông ra đi. Theo di chúc, gia sản của ông để lại một nửa cho Hải. Mấy đứa con chính thức của ông gần như nhảy dựng lên nhưng chẳng thể thay đổi được gì khi nghe luật sư công bố. Nhưng trước mặt tất cả mọi người, Hải nhẹ nhàng thông báo, nó sẽ không lấy gì trong khối tài sản ấy. Hải cho ông bác sĩ một quả thận. Đổi lại, Hải có một cuộc đời mới. Hải được thừa nhận, được thực hiện ước mơ cháy bỏng là trở thành bác sĩ ở một nền khoa học tiên tiến nhất thế giới. Có lẽ cuộc đời có cái lẽ công bằng của riêng nó.

Sau tang lễ ông bác sĩ, Hải trở lại Mỹ để bắt đầu chương trình thực tập nội trú chuyên khoa kéo dài trong ba năm. Nó đã giành được học bổng loại ưu. Một chân trời mới với tương lai rộng mở đang chờ đón nó. Sau lưng nó, vết sẹo dài cũng mờ dần theo năm tháng.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn