Di sản

Đình Cự Đồng

Quỳnh Ngọc {Ngày xuất bản}

Đình Cự Đồng (hay đình Đông Lâm) là ngôi đình cổ nằm trên địa bàn tổ 1 phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội).

Đình là nơi thờ vị phúc thần Thành Công Tương Liệt đại vương và Quế Hoa công chúa họ Đặng. Cùng với Cự Đồng còn có 5 thôn làng khác cũng thờ vị danh tướng Thành Công, gồm: Thôn Nha, thôn Trạm, Tư Đình, Sài Đồng, Ô Cách.

cu-dong.jpg

Thành Công Tương Liệt đại vương có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán những năm đầu Công nguyên. Khi lên ngôi vua, Trưng Trắc giao cho ông cai quản vùng đất Gia Lâm. Nhận lệnh, ông về trông coi việc binh và dạy dân làm ruộng, chăn tằm. Khi Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta, tướng Thành Công giúp vua kháng chiến, nhưng do quân ta ở thế yếu hơn nên khi vua tự vẫn, ông cũng hy sinh tại huyện Tống Sơn (Thanh Hóa).

Đình Cự Đồng còn thờ Quế Hoa công chúa họ Đặng, người có công giúp dân trừ tai dẹp họa và dạy dân làm ăn. Ngoài thờ các vị thành hoàng làng, trong đình còn phối thờ Mẫu và Phật.

Mặt bằng kiến trúc của đình Cự Đồng gồm các công trình: Nghi môn, giếng, sân, đại bái có kết cấu kiểu chữ “đinh”, nhà tả - hữu mạc. Từ ngoài vào khuôn viên đình là cánh cổng lớn xây kiểu trụ vòm, mái lợp ngói ta cong vút. Hai bên là hai trụ biểu, chính giữa là cửa gỗ hình vòng cung được trang trí con tiện. Tỏa bóng bên cửa đình là một cây đa to, rễ buông dài từ cành chạm đất. Tiếp đó là một giếng tròn lớn quanh năm nước trong xanh, rồi đến nghi môn gồm 4 trụ biểu và bức bình phong lớn. Sau đó là khoảng sân rộng, hai bên là nhà tả - hữu mạc. Chính giữa là tòa đại bái gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên đỉnh bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt. Ngoài cùng là đôi trụ biểu.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như đạo sắc phong niên hiệu Gia Long 9 (1810); 2 cỗ long ngai, bài vị sơn son thếp vàng; 2 pho tượng chó đá cao 75cm ở cổng đình mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; 1 cỗ kiệu long đình sơn son thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX cùng hệ thống đại tự, hoành phi, câu đối.

Lễ hội truyền thống đình Cự Đồng được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Hai hằng năm. Đáng chú ý nhất trong lễ hội là lễ rước nước và nghi lễ tế thánh cùng nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát cửa đình...

Không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa, đình Cự Đồng còn là di tích cách mạng kháng chiến. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng, nơi ẩn náu của cán bộ Việt Minh, nơi tập luyện của dân quân du kích và bộ đội địa phương. Năm 2007, đình Cự Đồng được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

Quỳnh Ngọc