Xưa và nay

Ký ức về phố Thạch Bàn

Nguyễn Trọng Văn {Ngày xuất bản}

Tôi có nhiều kỷ niệm với phố Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Con đường này bây giờ là trung tâm của phường Thạch Bàn, với mặt đường rộng 12m.

Hai bên đường, nhà nhà nối nhau, cửa hiệu san sát. Đường Thạch Bàn dài 1.650m, kéo dài từ điểm giao với đường 5 tới chân đê Xuân Quan, cùng với đường Nguyễn Văn Linh và đường Cổ Linh là những con đường huyết mạch của quận Long Biên và khu vực phía đông Hà Nội.

thach-ban.jpg
Phố Thạch Bàn hôm nay. Ảnh: Linh Tâm

Nhớ hồi cuối tháng 12-1972, thời điểm không quân Mỹ mở chiến dịch ném bom bằng máy bay B52 xuống Thủ đô Hà Nội. Dạo ấy muốn từ phía bắc hay phía đông vào nội thành Hà Nội chỉ duy nhất có cầu Long Biên. Bom Mỹ đã làm hư hỏng nhiều đoạn nên cầu Long Biên đã yếu lại thêm đông đúc.

Để có thêm đường vào nội thành vượt qua sông Hồng dạo ấy còn có những bến phà và cầu phao. Và, cầu phao Thạch Bàn là một “con đường” vào nội thành thuận lợi nhất, có lượng người, xe nhiều nhất. Cầu phao Thạch Bàn đủ sức chịu cả những chiếc xe tải vận chuyển hàng hóa qua sông Hồng lên phía Bắc, Tây Bắc và phía Đông.

Tôi nhớ, hồi 12 ngày đêm quân dân Hà Nội chống trả máy bay Mỹ ấy, cánh học sinh chúng tôi phải đi sơ tán, nghỉ học. “Nhàn cư sinh nông nổi”, bọn choai choai 14 - 15 tuổi chúng tôi đang tuổi hiếu động nay được nghỉ học và xa Thủ đô thì chân tay bứt rứt lắm. Muốn chạy chơi đâu cũng bị người lớn cấm cản vì đề phòng máy bay Mỹ ném bom hay bắn tên lửa. Thành thử cứ quanh quẩn làng trên xóm dưới mãi cũng chán.

Qua 2 rồi 3 ngày Hà Nội hứng chịu bom B52 Mỹ, chúng tôi dù ít tuổi cũng nhận ra quy luật của không quân Mỹ. Cứ tầm 9h tối trở ra thì máy bay B52 mới ra Hà Nội. Thế là sau một cuộc bàn bạc ngắn, chúng tôi quyết định đầu giờ chiều sẽ cùng đạp xe về Hà Nội.

Dạo đó là mùa đông, rét tái tê, chúng tôi đạp xe chừng 25 cây số trong 2 tiếng đồng hồ từ nơi sơ tán về tới Hà Nội. Trời rét và có mưa phùn nhưng chuyện đạp xe “nhỏ như con thỏ”. Chúng tôi đạp xe qua Xí nghiệp May 10 ở ven đường 5, chừng cây số thì rẽ vào đường Thạch Bàn.

Đường Thạch Bàn dạo đó tuy được trải nhựa nhưng khá nhỏ, chỉ rộng độ 3m. Nhưng khoái nhất là đường Thạch Bàn chạy xuyên qua cánh đồng lúa “rì rào sóng hát”. Thêm nữa, hai bên đường là những hàng phi lao cao vút, gió đông thổi qua ruộng lúa đưa tới ngọn cây phi lao làm hàng cây như cất lên tiếng hát đồng quê.

Chúng tôi vừa đạp xe vừa ngắm đồng lúa vừa ngửa cổ nghe tiếng chim sẻ kêu chích chích trên vòm lá phi lao. Cảm giác sợ hãi máy bay Mỹ tan biến, chỉ còn lại cảm giác lâng lâng, kiểu “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Hương lúa chín thoang thoảng bay...”.

Đạp xe tới chân đê, chúng tôi xuống xe đẩy bộ lên đê. Đứng trên đê sông Hồng nhìn tuốt qua bờ bên kia thấy dòng sông sao dài rộng thế. Cũng chẳng hề gì, vì chỉ đạp xe qua cầu phao Thạch Bàn là chúng tôi đã sang tới phố.

Quanh quẩn dạo chơi trên những đường phố vắng vẻ, thoảng vài chiếc xe tải nặng nề ra thì chủ yếu là các anh chị tự vệ súng khoác vai đi tuần tra. Dĩ nhiên là chúng tôi phải “lỉnh” sau gốc cây rồi, chờ các anh chị tự vệ đi qua thì lại nhong nhong đạp xe “bát phố”. Khát thì uống nước vòi công cộng, đói thì tìm mua mấy chiếc bánh mì để nhai rồi lại tu nước máy công cộng.

Thế mà cũng chơi được trọn buổi chiều với Hà Nội. Trời nhá nhem tối, chúng tôi bảo nhau đạp xe quay về nơi sơ tán. Về tới nơi, ăn uống no nê máy bay Mỹ mới ầm ầm lao ra Hà Nội. Giờ thì quen rồi, chẳng xuống hầm ngồi làm gì cho thêm sợ. Chúng tôi cứ đứng trên nóc hầm mà nhìn lên trời, hướng mắt về phía Hà Nội. Sau đó thì tưng tửng vừa ôm nhau vừa nhảy nhót tưng bừng khi thấy B52 cháy rực trời.

Đường Thạch Bàn giờ khác xưa nhiều lắm. Từ năm 2013, một đường phố thực sự ra phố với tiếng còi xe inh ỏi, người đi tấp nập. Nhất là khi đường Cổ Linh được nối thông lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì lượng xe cộ qua lại thêm nhộn nhịp.

Cuối phố Thạch Bàn, đoạn sắp tới đê sông Hồng là chợ Thạch Bàn. Dân ở đây quen gọi là “chợ mới” bởi cách đây khoảng 10 năm, chợ Thạch Bàn được xây dựng, nâng cấp lên từ ngôi chợ cũ. Danh xưng “chợ mới” đã trở nên quen thuộc với người dân trong những câu chào, lời hỏi thăm.

Ở gần đầu đường Thạch Bàn, đoạn sắp tới chỗ giao với đường 5, chỗ ấy xưa là Nhà máy Gạch Thạch Bàn. Hồi tôi còn ở trong quân đội cũng nhiều lần tới đây mua gạch về cho đơn vị. Đến thời đổi mới, Nhà máy Gạch Thạch Bàn “nâng đời” thành Công ty Cổ phần Gạch ngói Thạch Bàn (TBC) nhưng chuyên về sản xuất gạch lát nền khổ rộng. Thương hiệu TBC một thời “lừng lẫy” bởi chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Giờ thì Công ty đã chuyển đổi mô hình thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn và chuyển về nơi sản xuất mới ở Bắc Giang. Địa điểm nhà máy cũ giờ trở thành khu đô thị cao cấp với những dãy biệt thự kiểu châu Âu sang trọng.

Mặc dù đã về lại khu phố cổ mấy năm nay nhưng mỗi khi có việc tôi lại sang Thạch Bàn chơi, lại có dịp chạy xe dọc phố để nhìn ngắm những tòa nhà mới xây dựng. Thư thái thì tới chân đê sông Hồng rẽ vào vãng cảnh chùa Cự Linh nổi tiếng, hưởng không gian thanh vắng cho tâm hồn thanh nhã.

Nguyễn Trọng Văn