Hà Nội văn

Chuyến đò cuối cùng

Truyện ngắn của Sơn Trần {Ngày xuất bản}

Trời đã vào đông, thời tiết vùng cao đỏng đảnh chẳng khác gì một người khó tính. Mới ló nắng đã tuôn mưa. Mà mưa thì cứ dầm dề, dai dẳng, còn nắng chỉ lóe lên yếu ớt, mong manh.

minh-hoa-2a.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Thầy Thạnh vừa xong tiết dạy ở lớp 5B. Đây là lớp chủ nhiệm cuối cùng trong cuộc đời giáo viên của thầy. Hồi đầu năm, biết là không còn nhiều thời gian gắn bó với phấn trắng, bảng đen, thầy đã xin thôi công tác chủ nhiệm vì sợ bàn giao lớp nửa chừng ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, nhưng trường đang thiếu giáo viên nên Ban giám hiệu đã thuyết phục thầy.

Tâm trạng dạo này của thầy Thạnh có gì đấy rất khó tả, cứ rối bời, vui buồn đan xen, kiểu như người sắp đi xa chứ không phải sắp được nghỉ ngơi, về với gia đình sau gần bốn mươi năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Mấy ngày nay, cứ sau giờ tan trường thầy lại nán lại nhìn lớp học như để ghi nhớ những gương mặt thân quen. Hồng Nguyên lớp trưởng ngồi ở bàn cuối, ngoan hiền, học giỏi. Chỗ này là cậu bé Đinh Ngơn, người đồng bào, cặp mắt lúc nào cũng mở to ngơ ngác. Cô bé Đinh Thị Mây ngồi đầu bàn hai, hát hay, có ước mơ làm cô giáo. Chỗ cửa sổ kia là cô bé mồ côi tên Đinh Thị Ray, nhà nghèo lắm, hay theo ông bà lên rừng kiếm măng, kiếm nấm bán lấy tiền mua gạo... Có cái gì đó dâng lên làm thầy Thạnh nghèn nghẹn, quay đi. Buổi chiều miền cao buồn hiu hắt.

***

Gia đình ở dưới thành phố, cách trường cả trăm cây số nên thầy Thạnh phải ở nhà công vụ cùng nhiều giáo viên khác. Thỉnh thoảng, cuối tháng thầy mới về thăm vợ con. Trước kia, từ nhà lên núi lọc cọc đạp xe mất cả ngày trời, đoạn vào làng phải dắt bộ, có chỗ phải vác xe mà đi. Sau này có xe máy, đường sá thông thoáng hơn đã rút ngắn thời gian. Mấy năm gần đây thầy chuyển sang đi xe bus.

Đám đất rộng bên hông trường, sát sân chơi của học sinh, các thầy cô đánh luống trồng hoa với rau xanh. Thế nên có rau sạch ăn quanh năm, có hoa để ngắm và cắm lọ cũng lãng mạn lắm. Thầy Thạnh là người chăm ra vườn nhất. Thầy bảo, tuổi già lấy công việc chân tay làm vui. Mấy cô ngồi nhặt rau bó lại để vào túi nilon đem ra dốc cho người dân quanh đấy. Họ nói cười vui vẻ. Cô Tâm nhìn thầy Thạnh nói: “Thầy về xuôi rồi, thỉnh thoảng nhớ ghé lên thăm tụi em nhé?!”.

Một nỗi buồn len nhẹ vào lòng. Thầy Thạnh dừng cuốc, quay sang nhìn các cô. Cô Tâm, cô Thắm, cô Ngọc. Cả thầy Tín, thầy Cường vừa đi đánh bóng chuyền dưới nhà văn hóa xã về. Những gương mặt giáo viên thân quen đã công tác với nhau trên dưới mười năm, trong số ấy có mấy đôi vợ chồng. “Dĩ nhiên rồi, đây là chốn cũ yêu thương mà!”. Thầy Thạnh pha trò nhưng lại khiến không khí chùng xuống hơn. Mỗi người dường như đuổi theo một suy nghĩ. Có lẽ điểm chung vừa xuất hiện trong đầu họ là sự trống vắng.

Trong cuộc đời giáo viên, mỗi lần chia tay đồng nghiệp là một lần hụt hẫng như mất đi một điều gì đấy gần gũi, thân thuộc. Nhất là những thầy, cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa. Từ lâu họ đã là một gia đình, coi nhau như anh chị em. Giữa núi rừng vắng vẻ, xa xôi, giữa bao nỗi lo về thời tiết khắc nghiệt, về gia đình, cha mẹ ở quê, việc học hành của bọn trẻ khiến họ xích lại gần nhau, yêu thương nhau hơn.

Thầy Thạnh công tác lâu năm nhất, được các giáo viên trẻ gọi là bố một cách thân thương, trìu mến:

- Nghe nói tuần này bố về quê ăn cưới con trai bạn học à?

- Bố ơi, qua phòng nhỏ Ngọc ăn cơm. Hôm nay có món nhím xào ngon lắm. Anh Cường được phụ huynh mang cho.

- Bố ơi, tối qua mưa con suối Lia đầy nước. Lát bố đi qua làng cẩn thận nhé!...

Những tình cảm đong đầy, những ân tình đáng nhớ. Bởi thế, nhiều lần có cơ hội chuyển về xuôi vì con cái học xong đại học không về quê mà ở lại thành phố làm việc, nhà chỉ còn mẹ già và vợ, nhưng rồi ánh mắt ngây thơ khát khao con chữ của lũ trẻ vùng cao, nét vui mừng của người dân khi nhận những bộ quần áo cũ mỗi lần thầy về nhà gom được mang lên đã làm thầy Thạnh thay đổi ý định. Dần dà cũng hết đời nhà giáo. Thầy Thạnh đã sống trọn vẹn suốt hành trình dài cho những điều tốt đẹp mà mình từng ấp ủ.

***

Thầy Thạnh tản bộ dọc con đường thân thuộc từ trường xuống làng. Một thói quen từ những năm gần đây. Có hôm thầy ghé vào ngồi uống nước, nói chuyện với các cao niên ở làng. Con đường uốn quanh, hai hàng cây nối dài xanh tốt. Những chiếc lá vàng lần lượt chao theo làn gió, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường. Bầu trời mùa đông không xanh trong mà sẫm tái. Những đám mây màu mỡ gà từ đâu kéo đến, giăng kín không gian. Cảnh này in sâu trong lòng thầy. Thầy thong thả dạo bước, nhìn ngắm xung quanh. Có giọt sương chiều đọng trên nhánh cỏ, lóng lánh dưới vạt nắng yếu ớt, hiếm hoi vừa chiếu rọi. Chợt thầy dừng lại khi trông thấy triền lau phất phơ bông trắng. Cỏ lau vùng này phát triển trên tầm đầu người, thân cứng cáp, là loài cỏ dại mọc hoang nhưng sức sống mãnh liệt. Khi những cơn gió mùa đông bắc bắt đầu tràn về thì một mùa hoa lau cũng hội ngộ với sắc trắng bạt ngàn đến nao lòng, rập rờn ở các triền sông, đỉnh đồi.

Dường như có điều gì lắng đọng trong tâm hồn thầy Thạnh khi nhìn những ngọn lau. Đôi mắt thầy như hút vào triền đồi trước mặt như nhớ lại điều gì. Mà đúng là thầy đang nghĩ về bức tranh của cậu học trò lớp 4 năm xưa tên là Siêng. Bức tranh vẽ bằng bút chì mô phỏng tấm lưng một người đàn ông đang ngược dốc, giữa một vùng cỏ lau bạt ngàn. Sau này, thầy Thạnh gặp lại tác giả bức tranh tại lễ vinh danh thanh niên tiên tiến xuất sắc của tỉnh, lúc này Siêng đã là giáo viên dạy mỹ thuật. Hỏi Siêng về ý nghĩa bức tranh năm xưa, cậu thành thật nói, lúc có ý định vẽ cỏ lau không hiểu sao trong đầu em lại hiện lên hình ảnh những người âm thầm vượt núi, băng rừng đem cái chữ đến cho trẻ em vùng cao. Thầy Thạnh xúc động ôm lấy cậu học trò cũ.

***

Nước suối Lia lại dâng đầy. Làng Toong bên kia suối, chừng vài chục nóc nhà, nằm chênh vênh bên sườn núi. Mùa mưa bão thường có nguy cơ sạt lở, lũ quét, có đợt bị cô lập hàng tháng trời. Mấy năm trước, có đoàn về khảo sát xây cầu nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên bản vẽ. Nghe nói do địa chất nơi dự kiến dựng những trụ cầu không đảm bảo.

Tình hình mưa gió thế này, cũng phải một tuần nữa học sinh làng Toong mới trở lại trường. Biết thế nhưng thầy Thạnh vẫn sốt ruột. Đứng trên bến nhìn dòng nước đục tuôn chảy, trườn lên đá, san rạp những khóm cây dại, mặt thầy Thạnh buồn rười rượi.

Ở vùng cao khí hậu khắc nghiệt, trụ được nhiều năm như thầy Thạnh quả là hiếm có. Thầy xem mảnh đất xa xôi này như quê hương thứ hai của mình. Thầy thuộc làu, hiểu biết về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đây. Ngày còn trẻ, thầy phụ trách công tác Đoàn, hay kết hợp cùng với các cán bộ xã xuống địa bàn. Đi tới đâu học trò cũng vui vẻ, tíu tít. Người dân gặp thầy giáo ban đầu còn rụt rè, ngần ngại, nhưng sau thấy thầy giáo cũng vui vẻ trò chuyện, cũng bỏ giày lên nhà sàn ngồi vít rượu cần thì họ trở nên dạn dĩ thân tình, sẵn sàng bắt con gà trong chuồng, gói cân thịt rừng cho thầy mang về. Thầy không nhận là họ không vui. Thầy Thạnh xem những chuyện đấy như kỷ niệm để đời, thể hiện tấm lòng của đồng bào người dân tộc dành cho giáo viên vùng cao.

***

Mấy ngày nay lớp học vẫn vắng bốn em ở làng Toong. Mỗi chiều thầy Thạnh đứng bên này suối nhìn qua chòm nhà khuất lấp sau rặng cây chỉ thấy những dải khói lam bay lên. Trời cứ mưa sụt sùi, không gian ứ đầy nước, gió thổi từng cơn lạnh tái tê. Thầy Thạnh băn khoăn không biết các em có đủ áo ấm để mặc hay không? Đã nhiều lần thầy kết nối với các đoàn từ thiện ở dưới xuôi mang lên sách vở, quần áo cho các em. Nhìn các em vui mừng xúng xính trong bộ quần áo mới thầy thấy hạnh phúc lắm.

Thầy Thạnh bước vào lớp. Hôm nay là buổi dạy cuối cùng. Thầy Thạnh ra hiệu cho các em ngồi xuống nhưng thầy vẫn đứng lặng chứ không mở cặp, giở sách ra như mọi hôm. Thấy thái độ của thầy khang khác nên đám học trò cũng e dè đưa những cặp mắt ngây thơ nhìn thầy. Không khí im ắng lạ thường. Ngay lúc này, thầy Thạnh muốn nói một điều gì đó nhưng sao khó mở lời quá. Đây không phải là lúc chia tay các em lên lớp mới hay lên cấp học cao hơn, cũng không phải là lúc chia tay các em nghỉ hè và thầy về thăm nhà dưới thành phố. Mà là cuộc chia tay mãi mãi, chấm dứt chặng đường gần bốn mươi năm đưa đò của một người thầy tận tụy.
Thầy Thạnh xúc động thật sự. Có lẽ ở lứa tuổi các em, nỗi buồn chia tay người thầy sẽ không đọng lâu, bởi những niềm vui trẻ thơ sẽ sớm khiến các em cân bằng cảm xúc. Nhưng với thầy Thạnh lúc này vừa hụt hẫng, vừa luyến tiếc khi phải rời xa mái trường, xa đồng nghiệp, xa các em học sinh thân yêu. Rồi đây, bên góc phố, trước hiên nhà, thầy chỉ biết nhìn mây mà lòng tự hỏi giờ này trống vào tiết chưa, lớp đi học đầy đủ không, học trò làng Toong có chờ nước rút mới qua suối không?

Chợt một làn gió khua nhẹ tán lá bàng ngoài sân xào xạc. Thầy Thạnh liếc nhìn qua cửa sổ. Mùa đang trôi trên từng sắc lá sẫm màu. Thầy Thạnh lúng túng lau vội giọt nước bất ngờ nơi khóe mắt.
Có tiếng xì xầm dưới lớp. Thầy Thạnh nhìn xuống rồi đưa mắt theo hướng nhìn của các em. Từ ngoài cổng bốn học trò làng Toong đang hối hả chạy vào, quần áo ướt sũng nước.

Truyện ngắn của Sơn Trần