Hà Nội văn

Ngày phố vào đông

Nguyễn Trọng Văn {Ngày xuất bản}

“Tần ngần em gái mười lăm tuổi/ Hà Nội vào đông má ửng hồng”. Tôi viết câu thơ ấy khi một lần chuyện phiếm giữa “cái lạnh đầu đông” của Hà Nội, người bạn tôi đã bảo: “Giải nghĩa cái lạnh đầu đông của Hà Nội là gì ư? Các ông cứ hình dung trước mặt mình một “tiểu thư Hà thành” tuổi mười lăm là rõ”.

ngay-vao-pho.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Nói rồi người bạn của tôi bằng “thái độ” của một người Hà Nội gốc đã “chỉ ra” rằng: Cái lạnh đầu đông của Hà Nội giống như một cô gái tuổi mười lăm ấy. Rạo rực mà ngây thơ. Hồn nhiên mà cuốn hút. Người con gái khi bước vào tuổi mười lăm có cái gì đấy khiến ta phải ngước nhìn, làm ta phải để ý.

Thực là diệu kỳ. Cái lạnh đầu đông của Hà Nội vừa gần lại vừa xa. Nó vừa hiện hữu lại vừa hư vô.

Ngày phố vào đông. Cũng là lúc chúng ta “giã biệt” những ngày nắng lửa. Tạm xa những ngày thu hanh vàng sắc nắng. Và để ngỡ ngàng đón nhận chút lạnh đầu đông.

Có người bảo rằng: “Ngày phố vào đông cũng là ngày ta chợt nhận ra những gì mà ta ngỡ đã lãng quên”. Hà Nội mùa đông có nét riêng của Hà Nội, những đường phố như cũng chợt đổi thay khiến ta thấy giật mình. Giật mình bởi buổi sáng hôm nay, buổi sáng “ngày phố vào đông ấy” khác hẳn so với những buổi sáng hôm trước. Phố phường như “khoác lên mình bộ quần áo mới” vừa lạ lẫm lại vừa ngỡ đâu đây. Ngoài đường phố, những cô gái tuổi mười lăm với đôi má ửng hồng, tươi tắn cắp sách tới trường. Trong làn gió đông buổi ban đầu lưu luyến là những mái tóc xòa bay như gợi lên bao cảm xúc cho thơ ca nhạc họa.

Ngày phố vào đông, ai dường như cũng thấy tha thiết hơn, cũng thấy mình trở nên đằm thắm hơn. Cảm giác muốn xích lại gần nhau bất chợt làm ta như đằm mình lại sau bao nhiêu ngày “hờ hững” với xung quanh. Người Hà Nội hôm nay xuống phố mà thấy dấy lên niềm tin yêu rất lạ kỳ. Nói là lạ kỳ bởi mới trước đó thôi còn có cảm tưởng như cái gì cũng muốn qua mau, cái gì cũng muốn thật xa. Thì nay, hiện hữu ngay bên cạnh mình là cảm giác gần gũi, cảm giác thân quen. Những cảm giác ấy ùa về vừa đỗi thân thương lại vừa đỗi ngỡ ngàng.

Có người đã bảo: Cái lạnh đầu đông chợt tới cũng có nghĩa là ngày phố đã vào đông. Phố đã vào đông cũng là thời khắc phố phường Hà Nội, cũng là thời điểm người Hà Nội có được khoảnh khắc “gây thương nhớ” đến lạ lùng.

Cảm giác đón nhận cái lạnh đầu đông đã cho ta tự tin xuống phố. Ngồi bên nhau với ly cà phê nóng, nhìn ra ngoài phố ta thấy không gian như mở cõi lòng vậy. Trong lòng dấy lên chút mơ màng trong cái lạnh thuở ban đầu, nó vừa “ngòn ngọt” lại vừa chan chan đắng như ta vừa uống xong ngụm cà phê vậy.

Đông đã về thật rồi, không hiểu sao người Hà Nội lại nói rằng: “Vậy là mùa mong đợi nhất trong năm cũng đã tới”. Tôi nghĩ điều mong đợi đó cũng có lý bởi vì mùa đông ở Hà Nội không lẫn đi đâu được, không lẫn vào đâu được. Phố se se, người cũng se se. Từ đâu đó thoảng đưa tới mùi khoai lang nướng, mùi ngô nướng. Những thứ mùi “mùa đông Hà Nội” ấy như rạo rực thêm bởi cũng đâu đây thoảng đưa tới mùi nước phở quyến luyến.

Dừng chân ngắm lại phố phường. Dừng chân nghe tim mình thổn thức. Thấy gần lắm những mối cảm tình như chợt về trong làn gió mang màu lãng mạn, đượm chút se se.

Tôi dừng lại bên hè phố, những chiếc xe đạp chở hoa đi ngang qua. Nhưng bông cúc họa mi như những nụ cười chúm chím đang “đánh thức mùa đông” về hay chính là gió mùa đông đã đánh thức cúc họa mi? Chắc là cả hai rồi, màu trắng tinh nguyên của cúc họa mi cũng là biểu tượng của nét thanh tao, nét dịu dàng của người Hà Nội.

Ngày phố vào đông, Hà Nội khoác lên mình một tấm áo mới với gam màu có chút buồn nhưng đượm vẻ lãng mạn. Mùa đẹp đã về. Mùa đông Hà Nội với màu thi vị đã về. Chưa đi xa mà man mác nỗi nhớ. “Tôi tô màu trắng lên giấy trắng/ Thảo bức tình thư gửi cuối trời/ Hà Nội đông này ai có biết/ Má hường em hóa nỗi riêng tôi”.

Nguyễn Trọng Văn