Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hạ Trại
Nằm ven bờ đê tả ngạn sông Hồng, từ thuở sơ khai, vùng đất Cự Khối đã là nơi được các bậc tiền nhân chọn để dựng làng, lập ấp. Minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của cộng đồng dân cư nơi đây là cụm di tích lịch sử đình - chùa Hạ Trại, nay nằm trên địa bàn Tổ dân phố số 1, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội.
Cụm di tích đình - chùa Hạ Trại quay theo hướng tây nam, tọa lạc trên một vùng đất thoáng rộng giữa làng, xung quanh là khu dân cư đông đúc, phía trước mặt là dải đất bãi phì nhiêu. Cụm di tích này được khởi dựng vào khoảng thời Nguyễn, trong đó đình Hạ Trại là nơi thờ Thành hoàng Lã Lang Đường, hiệu là Lã Đường Lam Đế Vũ đại vương - một trong những vị tướng có công phò tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X. Ngoài ra, tại đây còn thờ một vị Thành hoàng khác là Đức Án Cộng - người được tương truyền luôn âm phù cho nhân dân có cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt.
Do hoàn cảnh lịch sử, đình Hạ Trại từng bị phá hủy để phục vụ công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 2009, đình được phục dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Phía trước đình có giếng cổ cùng bình phong và sân vườn. Các hạng mục chính của đình gồm: Nghi môn, tòa đại bái rộng ba gian hai chái, trung cung rộng ba gian hai dĩ, hậu cung gồm 3 gian. Bên trong đình có các bộ vì được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, bẩy hiên” cùng các bộ vì kèo được đục kiểu “quá giang trốn cột”, trang trí hoa văn đơn giản.
Hằng năm, dân làng Hạ Trại tổ chức lễ hội truyền thống từ ngày 11 đến 12 tháng Hai để tri ân công ơn của các bậc tiền nhân. Lễ vật dâng cúng các vị Thành hoàng làng gồm hoa quả, bánh, cỗ mặn được đặt lần lượt ở hậu cung, đại bái, trung cung. Phần lễ mặn không thể thiếu mâm xôi, thủ lợn. Ngoài các nghi lễ truyền thống được duy trì bao đời, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như kéo co, bắt vịt, đập niêu...
Chùa Hạ Trại nằm sát đình, gồm các hạng mục: Tam quan, tháp Cửu phẩm, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ và nhà Mẫu. Kết cấu các hạng mục bên trong chùa tuân thủ lối kiến trúc truyền thống, với các bộ vì kèo có kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang trốn cột”. Hệ thống di vật tại chùa được phản ánh qua hệ thống tượng Phật.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình - chùa Hạ Trại là nơi hoạt động bí mật của lực lượng du kích và điểm sơ tán của lực lượng Phòng không - không quân. Tại hậu cung phía đông đình có căn hầm bí mật là nơi nuôi giấu các cán bộ hoạt động cách mạng.
Năm 2015, cụm di tích đình - chùa Hạ Trại đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố.