Độc lạ

Vẽ tranh từ chỉ, tạo hình từ dây

Bảo Nam 14/12/2024 15:00

Thay vì sử dụng những công cụ vẽ truyền thống, một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã chọn cây đinh và sợi chỉ để tạo nên những bức tranh độc đáo.

Dưới bàn tay khéo léo của họ, hai vật liệu tưởng chừng không liên quan đến nhau đã cùng hòa quyện để tạo ra các tác phẩm sống động.

day-1.jpg
Một tác phẩm chân dung của anh Trần Ngọc Khôi.

Nghệ thuật của trái tim

Khi xem trang facebook “Tranh dây - tranh chân dung chỉ nghệ thuật”, không ít người đã bày tỏ sự ngạc nhiên, thán phục trước những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nhìn từ xa, tranh dây giống như một bức họa, nhưng tới gần lại thấy điều kỳ diệu khi những sợi dây được kéo đan xen tinh tế nhờ những chiếc đinh được đặt chính xác đến từng milimet. Mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện, một cách biểu đạt cảm xúc riêng và dù đó là một bức tranh chân dung, tranh phong cảnh hoặc những hình khối trừu tượng, chúng đều có sức hút cao độ. Nhiều người bị cuốn hút bởi những bức chân dung được đan bằng dây vì tính chân thực, lột tả được thần thái nhân vật với độ chính xác cao.

Đặc biệt, dù làm tranh dây tốn rất nhiều công sức, thời gian, song nhóm bạn trẻ luôn sẵn sàng làm tặng cho các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Giáo sư Trương Nguyện Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) nói: “Tôi khá ngạc nhiên khi bức chân dung của tôi được thực hiện bởi một sợi chỉ chằng chéo qua ngàn cây kim đóng trên miếng gỗ. Sự dày, mỏng của các lớp dây được kiểm soát rất tỉ mỉ để tạo độ sâu và sắc thái cho bức chân dung. Nhìn từ xa thần thái, nét mặt của tôi được thể hiện rõ nét”. MC Lê Anh (Đài Truyền hình Việt Nam) cũng nhận xét: “Các bạn ấy giỏi quá, không chỉ là sự cần mẫn, tỉ mỉ, chi tiết đến mức thách thức mà còn là sự tinh tế trong kết nối chỉ và đinh, tạo ra những mảng đen trắng - tối sáng rất nghệ thuật. Đúng là một sợi kết cả thế gian”.

Chia sẻ về bức tranh chân dung mình với kích thước 40 x 60cm được làm thủ công từ 3.000 cây đinh và 2.000m dây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả bài hát nổi tiếng “Nhật ký của mẹ” cho rằng, đó là sự kỳ công. Anh nhấn mạnh: “So với các bức tranh làm bằng chất liệu truyền thống, cách làm truyền thống, các bức tranh làm từ những sợi dây lạ, độc đáo và thú vị hơn rất nhiều. Đặc biệt, vẽ chân dung bằng dây không chỉ gây ấn tượng bởi sự chi tiết và sống động của hình ảnh mà còn bởi cách sử dụng chất liệu một cách sáng tạo. Những sợi dây mảnh mai, dưới bàn tay tài hoa của nghệ sĩ, trở thành những đường nét tinh tế, thể hiện thần thái và cảm xúc của nhân vật. Bên cạnh đó, mỗi bức chân dung còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật trừu tượng và hiện thực. Từ xa, người xem có thể nhận ra ngay hình ảnh khuôn mặt, nhưng khi tiến gần hơn, họ sẽ cảm nhận được sự phức tạp của những lớp dây chồng chéo và cách chúng tạo nên tổng thể hoàn chỉnh. Thế mới nói, tranh dây không chỉ là nghệ thuật của đôi tay mà còn là nghệ thuật của trái tim”.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo

day-3.jpg

Chia sẻ về ý tưởng làm tranh dây, anh Trần Ngọc Khôi, trưởng nhóm cho biết: Nhóm đã tham khảo những xu hướng nghệ thuật nổi bật trên thế giới, đặc biệt là từ các nghệ sĩ nước ngoài tiên phong trong nghệ thuật dây và đinh, qua đó, nhóm không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo để tạo nên dấu ấn riêng. Từ mỗi bức tranh, nhóm gửi gắm sự tỉ mỉ, cảm xúc cá nhân và câu chuyện riêng, mang đậm giá trị văn hóa cũng như sự sáng tạo của nhóm. Đó không chỉ là một quá trình học tập mà còn là hành trình khám phá.

“Nhóm hiện có khoảng 5 - 7 thành viên chính thức cùng một số cộng tác viên hỗ trợ. Các thành viên đều xuất thân từ những ngành nghề khác nhau như giảng dạy, thiết kế và làm nghệ thuật tự do. Chúng tôi dành thời gian ngoài giờ làm việc để gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và cùng nhau thực hiện những tác phẩm độc đáo. Sự đa dạng trong nghề nghiệp cũng là điểm mạnh, giúp nhóm kết hợp được nhiều góc nhìn và kỹ năng khác nhau trong quá trình sáng tạo” - anh Khôi chia sẻ.

Có thể nhận thấy, nhóm đã dành sự ưu tiên rất nhiều cho các bức tranh về đạo Phật với nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng ít ai biết rằng, để làm ra được những bức tranh như hiện nay nhóm đã phải thử rồi bỏ gần 40 phiên bản trong suốt nhiều tháng mới thành công.

Chị Phạm Thị Thục Anh, một thành viên của nhóm chia sẻ: “Làm tranh dây không hề dễ dàng, đặc biệt là với những người mới bắt đầu. Khó khăn lớn nhất nằm ở kỹ thuật tranh đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi tác phẩm có thể mất từ vài ngày đến cả tháng để hoàn thành. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguyên liệu chất lượng cao trong nước cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, sự gắn kết và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm chính là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Bên cạnh đó, sự công nhận và yêu mến từ khách hàng và người xem đã tiếp thêm động lực cho nhóm phát triển”.

Tính đến nay, nhóm đã thực hiện hàng trăm bức tranh dây, trong đó, một trong những tác phẩm ấn tượng nhất là chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là tác phẩm đặc biệt không chỉ về kỹ thuật mà còn mang giá trị biểu tượng sâu sắc. Sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, từ nét mặt đến thần thái, đã giúp bức tranh truyền tải thông điệp về tài lãnh đạo và tâm huyết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước.

Ngoài ra, bức tranh “Diện Phật bên hoa sen” cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ, không chỉ bởi vẻ đẹp tâm linh mà còn bởi sự mềm mại, cân đối qua từng sợi dây. Những bức tranh động vật như hổ, công hay các biểu tượng thiên nhiên cũng được khán giả yêu thích bởi tính sinh động và sự chân thực trong cách thể hiện.

day-2.jpg

Anh Trần Ngọc Khôi cho biết, trong sáng tạo tranh dây, nhóm đặc biệt chú tâm đến bản sắc văn hóa. “Tranh dây ngày càng được ưa chuộng trong trang trí nội thất và thiết kế không gian. Những bức tranh không chỉ làm đẹp không gian sống mà còn thể hiện cá tính và gu thẩm mỹ của gia chủ. Chính vì thế, chúng tôi muốn gìn giữ giá trị truyền thống bằng việc luôn thể hiện những đề tài gắn chặt với đời sống người Việt Nam như hoa sen, đạo Phật... Hiện nay, giá bán của mỗi bức tranh dao động từ 6 - 40 triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước, độ phức tạp và ý nghĩa của từng tác phẩm. Đây là mức giá phù hợp để phản ánh công sức, thời gian và kỹ thuật mà nhóm đã đầu tư vào mỗi sản phẩm. Song, chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà muốn khẳng định sự sáng tạo của con người là vô tận. Hy vọng, các bức tranh của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ để trong tương lai chúng ta sẽ có thêm những sản phẩm độc đáo khác” - anh Khôi bộc bạch.

Với sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ, tại Hà Nội - thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tranh dây đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Anh Khôi tin tưởng: “Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dòng tranh này sẽ ngày càng được đón nhận rộng rãi, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả quốc tế, qua đó sẽ lan truyền một hình ảnh đất nước Việt Nam, Thủ đô Hà Nội giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nơi có những con người cần cù, chăm chỉ, sáng tạo”.

Bảo Nam