Hà Nội văn

Chất lính

Truyện ngắn của Lê Văn Trường {Ngày xuất bản}

Gió chướng thổi ào ào phía ngoài sông. Từng đợt sóng lăn tăn vỗ vào bãi lá. Hùng ra cửa đứng một mình với buổi chiều ngả dài bóng nắng. Bên kia tiếng chim bìm bịp kêu vang, khơi đầy kỷ niệm trong lòng anh.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Cũng ở nơi này, ngày ấy, những đứa trẻ chơi trò đánh trận tái hiện cuộc chiến bằng suy nghĩ hồn nhiên của mình. Cũng quân địch quân ta, giáp lá cà mà bắn. Thuở ấy Hùng với Hưng là hai đứa nhỏ con nên được làm quân ta. Còn Chiến với Đức to con nên phải làm quân địch. Lấy bập dừa làm súng vác vai, hái lá sen làm nón tai bèo, bẻ nhánh bình bát làm lá ngụy trang... Chiều nào Hùng cũng rủ đám bạn chơi trò đánh trận vì Hùng luôn mơ ước trở thành chú bộ đội như cha, được đi đánh giặc để gìn giữ quê hương.

Nhưng trò chơi nào mà chơi hoài chẳng chán. Hưng thì miễn cưỡng tham gia vì được làm quân ta. Còn Chiến với Đức thì chán ngấy vì mãi phải làm quân địch, rồi phải bị bắn té nằm dài. Những hôm muốn chơi đánh trận thì Hùng phải về nhà hái đầy nón mận, cả bọn ngồi ăn đã miệng rồi mới chịu chơi.

***

Cái Xóm Lá lưa thưa vài nóc nhà, vậy mà nhờ có mấy đứa trẻ nên đôi khi cũng rất rộn ràng. Gọi là Xóm Lá vì chắc có lẽ ở đây ngoài phía bãi sông toàn là những đám lá dừa nước um tùm xanh ngát, và cả dòng kênh con rạch gần đó cũng vậy. Những quầy dừa nước phía trong đám lá trổ ra khi đã đủ ngày đủ tháng thì sẽ già, rụng xuống bãi, theo con nước trôi đi rồi lại tấp vô bờ và mọc thành những bụi dừa nước khác. Có lẽ khi dừa nước mọc nhiều mà người ta gọi là Xóm Lá, chứ cũng chẳng ai biết cái tên gọi ấy có từ bao giờ.

Ông Bảy, cha của Hùng, còn nhớ như in những chuyện nơi dòng sông trước nhà này. Những chuyến tàu giặc chạy ngang súng nổ đạn bay sáng rực bầu trời. Bà Bảy nhiều lần khuyên ông rời nhà về xóm chợ sinh sống để gia đình được yên ổn an toàn hơn. Nhưng ông thì chưa bao giờ nghĩ vậy. Chất lính vẫn chảy trong người ông và ông thà hy sinh chứ không bỏ lại những người bạn chiến đấu của mình. Dẫu rằng vũ khí thô sơ so với sức mạnh hỏa lực của giặc, nhưng ý chí dũng cảm luôn sẵn có ở những người chiến sĩ như ông.

* * *

Cuộc chiến đã đi qua nhưng có những vết thương vẫn chưa lành hẳn. Và ở đâu đó có người còn bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam để lại. Đó là nỗi đau âm ỉ bởi tội ác chiến tranh. Nó làm cho một đứa trẻ đầy cá tính như Hùng lại muốn chọn con đường làm người chiến sĩ để bảo vệ chính nghĩa, đánh bại cái ác. Giữa thời bình mà Hùng vẫn chọn tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó đi học tiếp để trở thành một sĩ quan quân đội, trong khi những người bạn cùng trang lứa của anh lại chọn con đường khác để đi. Hưng tốt nghiệp đại học rồi làm thầy giáo, ngày ngày đứng trên bục giảng bên những đám học trò. Chiến đã trở thành một bác sĩ. Đức thì làm kiến trúc sư và mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng.

Xóm Lá ngày nào mỗi khi bạn bè gặp lại cũng tay bắt mặt mừng, rồi lại nhắc chuyện xưa cùng nhau chơi trò. Hưng vừa cười vừa nói:

- Không ngờ đồng đội của tôi hồi ấy thân hình nhỏ nhắn ôm súng bằng bập dừa để đánh trận, vậy mà bây giờ lại được ôm súng thiệt ở thao trường. Chúc mừng bạn tôi đã đạt được nguyện vọng nha!

- Cảm ơn bạn hiền! Dù đất nước không còn bóng giặc, nhưng được làm người lính mang súng trên vai luôn là ước mơ cháy bỏng hồi đi học của mình mà.

Mỗi người một hướng đi, ai cũng có tương lai xán lạn. Hùng tuy hơi vất vả, cực nhọc bởi nắng gió thao trường nhưng để bù đắp lại điều đó là trên vai của anh đã có quân hàm và những ngôi sao. Ông Bảy vẫn luôn lấy làm tự hào vì đứa con trai mình chọn con đường làm người chiến sĩ nối tiếp thế hệ cha ông gìn giữ giang sơn Tổ quốc.

Rồi Hùng lấy vợ. Thu là một cô gái thị thành, nhà gần nơi đơn vị anh đóng quân. Vậy mà không hiểu sao mỗi lần Hùng nghỉ phép, dẫn Thu về nơi Xóm Lá này thì Thu vẫn luôn quyến luyến như thân thiết từ lâu lắm. Thu thích ngắm sông những buổi chiều thì thầm con sóng hát, thích nghe thanh âm xạc xào mỗi khi cơn gió lùa ngang qua bãi lá và Thu thích cái mùi thơm thoang thoảng nhè nhẹ của những quầy dừa nước vừa mới trổ ra. Nó mộc mạc bình dị mà vẫn tạo nên sự gần gũi đến say mê. Rồi Hùng lại kể cho Thu nghe về những ký ức tuổi thơ của mình nơi Xóm Lá này, và xa hơn nữa là cuộc chiến ác liệt của bộ đội ta và những chuyến tàu giặc trên dòng sông. Nghe Hùng nhắc chuyện về thời chiến tranh, Thu lặng lẽ nhìn sông hồi lâu rồi lại hỏi Hùng:

- Chiến đấu ác liệt như vậy thì làm sao tránh khỏi những mất mát hy sinh hả anh?

Giá như đừng có chiến tranh, như bây giờ sông thật yên ổn, hòa bình thì hay biết mấy.

- Chiến tranh đi qua, vết tích vẫn còn.

Hùng lại kể cho Thu nghe về những người thân đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Thấy trong ánh mắt của vợ buồn buồn, Hùng muốn thay đổi không khí bằng câu chuyện khác.

- Em có muốn nghe anh kể về cuộc chiến của anh thời thơ trẻ không.

- Cái gì? Của anh sao?

- Đó là cuộc chiến đánh trận giả của anh và mấy đứa bạn đồng trang lứa thời tuổi thơ ở xóm này nè.

- Là ai vậy anh?

- Phe của anh thì có Hưng, còn phe bên kia là Chiến với Đức.

- Rồi cuối cùng ai thắng vậy anh?

- Phe của anh thắng nhưng với điều kiện phải chung cho tụi nó một nón mận, mỗi lần như vậy thì hai đứa nó mới chịu hợp tác chơi.

Mỗi lần nghe Hùng kể về những trò nghịch ngợm tuổi thơ của anh với mấy người bạn thân ở Xóm Lá mà Thu không nhịn được cười. Vẫn nụ cười làm Hùng mê mẩn từ buổi gặp đầu tiên. Kết hôn đã gần hai chục năm rồi mà nụ cười ấy với Hùng vẫn đẹp, vẫn duyên, chẳng hề khác biệt.

Chiếc quân hàm trên vai của Hùng cứ thay đổi theo thời gian. Đã thêm một gạch và mấy ngôi sao lấp lánh. Có lần trên đường đi công tác sẵn tiện ghé nhà thăm cha mẹ mà vẫn còn đang mặc bộ quân phục, xóm giềng gặp Hùng ai cũng khen.

Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Ông Bảy với bà Bảy giờ ai cũng đến độ tuổi xế chiều hết rồi. Sớm tối vào ra trong nhà cũng phải có cây gậy trong tay mà chống. Đến lúc tuổi già thì ai cũng vậy thôi. Tay yếu chân run cộng thêm bệnh tật nên dễ té ngã. Thấy cha mẹ lớn tuổi rồi nên vợ chồng Hùng cũng thường xuyên về thăm, mặc dù trong nhà chú út chăm lo cũng rất kỹ lưỡng. Vậy đó mà Hùng vẫn hay dặn em đừng có đi đâu vắng nhà lâu lỡ ba má có bề gì là không kịp trở tay.

***

Năm nay đứa con trai lớn của Hùng cũng đã học xong trung học phổ thông. Chọn ngành nào để đi tiếp là quyền chọn lựa của nó chứ vợ chồng anh cũng không ép. Vốn là một học sinh giỏi của trường, việc chọn ngành học là việc chẳng khó với con. Hùng muốn cho con có được một cái nghề phù hợp với bản thân hơn là muốn con theo ý mình. Trong lúc chưa thống nhất với nhau, vợ chồng Hùng dẫn con về nhà nội để xem ông bà có ý kiến gì không rồi mới quyết định. Bà Bảy là người có ý kiến đầu tiên:

- Cháu chọn ngành nào cũng được, nhưng đừng đi theo con đường của cha con, cứ phơi nắng phơi gió, xa nhà hoài thì bà xót lắm.

Ông Bảy từ tốn:

- Nếu trong thời chiến thì nội sẽ động viên cháu tiếp tục cầm súng chiến đấu trước kẻ thù. Nhưng trong thời bình thì tùy cháu. Chọn ngành nghề nào thì cũng đều giúp ích cho xã hội cả.

Vợ chồng Hùng chưa kịp nói gì thì bất ngờ đứa con của Hùng nói sẽ đi theo con đường của cha. Nó bảo thích được khoác lên mình màu áo xanh quân phục như cha đang mặc.

Nghe thằng nhỏ nói vậy, bà Bảy khẽ thở dài, còn ông Bảy lại tỏ ra rất đắc ý. Ông đưa tay lên mặt sửa sửa lại cái kính, miệng thì cứ mủm mỉm cười rồi nói:

- Đúng là chất lính của nhà ta.

Truyện ngắn của Lê Văn Trường