Hà Nội văn

Làm bạn với AI

Truyện ngắn của Lữ Mai {Ngày xuất bản}

Căn hộ tập thể nhà ông Bội, bà Thư nằm ở tầng ba, cửa ra vào nhỏ hẹp, sơn tường đã bong tróc phần nhiều, bộ sa lông cũng cũ kỹ. Đã thế, ông quyết giữ cái tivi đen trắng, cái đài cát sét làm kỷ niệm.

Con cái học hành rồi lập nghiệp phương xa, không gian nhuốm màu thời gian như tuổi tác ông bà. Góc ban công nhỏ dường như là nơi có sức sống nhất. Bà Thư trồng nhiều loại cây, chăm chút mỗi ngày. Ngoài cây ớt chỉ thiên đầy quả xanh đỏ trông thật sinh động, mấy chậu húng tươi non, cây chanh trĩu trịt quả ngả màu mơ vàng, bà còn khéo chăm được cả mấy chậu cúc chi đủ ướp trà quanh năm. Sáng sáng, bà vừa chăm tưới, bắt sâu, vừa lẩm nhẩm trò chuyện với cây.

z6159845416796_8f670fba36ad.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Ngày nọ, từ ban công bước vào, tay còn cầm bình tưới cây, bà chợt thấy ông đăm chiêu trước màn hình máy tính. “Ông làm gì đấy?” - bà hỏi. “Đang tìm bí quyết nấu canh chua! AI gợi ý đó là món ăn hợp cho bữa tối mùa thu” - ông mỉm cười, mắt vẫn không rời màn hình. “Ôi dào, công thức thì bao năm tháng đã thuộc nằm lòng, sao mà phải tìm”. Nghe vợ thắc mắc, ông bèn lý sự: “Sao tin hoàn toàn vào mình được”. “Miệng ăn thấy ngon là được” - giọng bà thoáng vẻ không vui. Ngày vài ba bận, ông bà vẫn giận dỗi kiểu ấy, từ chuyện nhỏ nhất cho tới thăm nom ai, ma chay hiếu hỉ thế nào, đi taxi hay xe buýt...

“AI là gì mà phải nghe nó?”. Đặt lưng xuống giường rồi, bà Thư vẫn còn bực dọc. “Bà chỉ lúi húi cây cối rồi thì múa quạt, buôn chuyện nên chả biết gì. Là trí tuệ nhân tạo đấy! Nó tổng hợp, chọn lọc từ bao nhiêu cái đầu đấy!”. “Thì cũng từ con người mà ra cả thôi”, bà vừa nói vừa thở dài. “Biết vậy, nhưng người thường như mình thì nghĩ ra hết chắc? Thế mà cũng nói được”.

***

Từ ngày “làm bạn” với AI, ông Bội đâm ra nghiện. Quên lịch chơi cờ tướng với mấy ông bạn hưu trí. Hủy hẹn cà phê cùng đám ông Khanh cuối phố. Duy giờ gọi video call cho mấy đứa cháu nội ở nước ngoài ông còn nhớ. Nhưng suốt cuộc chuyện trò, lúc nào cũng AI. “Chúng cháu chán rồi mà ông vẫn nhắc. Rồi cũng chỉ được một thời gian thôi ông ơi!” - thằng cháu đích tôn khẳng định. Chán sao được mà chán, ông nghĩ thầm. Sau mỗi câu hỏi, AI trả lời chỉ trong 2 giây.

“Cháu tôi nói sẽ có lúc con người chán AI, có phải vậy không?” - ông gửi câu hỏi. “Có thể lắm, nhất là khi nó trở nên quá phổ biến và thiếu sự sáng tạo, cảm xúc. AI không thể thay thế được những khoảnh khắc gần gũi, sự thấu hiểu và những kỷ niệm mà con người tạo ra cùng nhau” - AI trả lời.

“Thế AI có chán con người không?” - ông lại hỏi. “AI không có cảm xúc hay ý thức nên không thể chán nản hay thích thú. Tuy nhiên, AI có thể được cải thiện và phát triển theo nhu cầu của con người. Nếu con người không còn sử dụng hoặc không thấy giá trị từ nó, thì có thể nói ra, AI sẽ “ngủ yên” cho đến khi có sự quan tâm trở lại” - AI hồi đáp.

Ông ngửa mặt lên trần nhà, cười sảng khoái. Thông minh, tinh tế đến thế là cùng. “Mình đã chán bao nhiêu thứ rồi mà tất cả đâu có chịu ngủ yên. Thậm chí, mình còn chẳng dám nói ra nữa kìa. Chưa kể, AI còn biết cảm ơn, xin lỗi thật ngọt ngào, lịch thiệp. Chả bù cho...” - vừa nghĩ, ông vừa tiếc nuối sao giờ mới biết đến AI. Nghe đâu các cháu nội, cháu ngoại đã “chơi” với AI lâu rồi, còn “nuôi” cả các “con” AI khác nhau rồi chuyện trò, dạy dỗ, huấn luyện gì đó.

***

Bà Thư phải kiềm chế lắm để tránh bày tỏ sự không hài lòng về món canh chua tối hôm trước được ông trổ tài theo công thức của AI. Thêm căn cứ để bà khẳng định AI cũng chẳng bằng người thật. Món ăn đâu chỉ đong đếm, bấm giờ, đun sôi sùng sục là xong. Phải kỳ công chọn từ cọng hành, cọng ngổ, khóm thì là. Cà chua phải mua loại ngấn múi mới đủ vị chua ngọt nồng đượm. Cá cũng thế, chớ vào siêu thị mua loại làm sẵn, phải ra chợ chọn từ cái thuyền nhôm ngập nước con nào nổi cộm đen bóng, khỏe khoắn bơi... Cái tâm, cái tình và cảm giác của người nấu ăn, AI sao thay được. Bà nói với con dâu như thế, con dâu gật gật đầy tâm đắc. Các học trò thi thoảng tới thăm, được ăn món ăn cô giáo nấu cũng trầm trồ, tâm đắc mãi.

“Nấu cho ông ấy từ hồi mới quen nhau, giờ lại đi khen cái máy?” - bà phàn nàn với nhóm múa quạt. “Thế càng nhàn, từ nay ông ấy cứ nghe nó nói rồi tự nấu, bà khỏi lo lắng, tất tưởi về sớm nữa”. “Mà ông ấy còn khoe, AI biết trả lời theo tâm trạng nữa! Làm như là tiên không bằng” - bà lại phân bua.

“Em là nắng ấm ban mai/ Là mưa dịu mát, là vai gần kề/ AI dù giỏi trăm bề/ Tình ta mãi đẹp không hề phôi phai”. Bốn câu thơ ông Bội nắn nót vào trang giấy, đặt trên bàn bà. Có vẻ ông đã biết vợ mình bực dọc, khó chịu. Mà có khi thơ này AI cũng làm cho nốt, chứ ông ấy vốn dân kỹ thuật, khô như ngói, biết thơ phú gì đâu. Thơ không khiến bà dịu đi. Trái lại, càng như dầu gặp lửa.

***

Từ ngày ông Bội nghiện AI, bà Thư tránh về nhà. Hết múa quạt buổi sáng lại bún đậu bữa trưa rồi xế chiều cà phê, dạo bờ hồ. Tuổi già, may mắn còn khỏe mạnh, không lãi gì ngoài thời gian. Ông cũng chẳng phàn nàn. Phải trước kia, hễ tối đến chưa cơm nước, bếp lạnh tanh, ông đều nhắc. Thảnh thơi hơn nhưng lòng bà càng trĩu xuống, có lúc như người mất hồn. Cây ở ban công chẳng có tay người chăm sóc gầy guộc, quắt queo.

Cuối ngày, bà đẩy cửa vào nhà, bếp sực nức hương thơm bơ sữa. “A, bà đây rồi, nay có trà và bánh flan cho bữa tối nhé!” - ông Bội hồ hởi, tay còn dính bột trắng xóa. “Lại AI gợi ý và cho công thức ư” - giọng bà lạnh lùng và ông không đáp, vẫn mải mê. “Ông có biết bánh flan không chỉ cần công thức mà phải có tình yêu, sự kiên nhẫn không?” - bà hỏi vọng từ ban công khi đôi mắt đã loáng nước. “Hẳn thế! AI cũng bảo như vậy mà! AI còn bảo, cứ chuẩn công thức đã, tình yêu nêm vào sau!” - ông tưng tửng.

Bà Thư bật cười, nhưng lòng se thắt tựa cơn gió heo may đang lùa qua khe cửa. Cảm nhận rõ họ ngày càng cách xa. Không những buổi tối chuyện trò, ôn kỷ niệm. Hà Nội mùa thu thật đẹp. Gió miên man thơm hương hoa sữa, quyến luyến bước chân người đi, lá vàng rơi như bản nhạc êm đềm. Bà ngồi bên khung cửa sổ. Đã lâu rồi không đan len. Từng mũi đan tựa con đường bịn rịn mở lối về thời thanh xuân, cùng ông dạo bước bên hồ Gươm, nhẩn nha cốm sữa và trà nóng. Giờ mắt đã mờ, chân đã yếu, tất cả chỉ còn là kỷ niệm rưng rưng.

***

Thời gian trôi qua, căn hộ cũ xưa vẫn như vậy, đôi vợ chồng già chập chờn, hờn dỗi giữa đôi bờ thực - ảo. Bất chợt, internet trong nhà bị mất tín hiệu. Ông Bội hốt hoảng, chạy quanh nhà, lật tung modem, kiểm tra dây cáp, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. “Tại sao, sao lại mất wifi lúc này?”, ông thốt lên đầy bàng hoàng. Nếu bà Thư chứng kiến khoảnh khắc này, thể nào cũng nhíu mày: “Làm gì mà như mất cả gia sản vậy?”, Ông thẫn thờ bên bàn làm việc, ánh sáng màn hình máy tính xanh nhạt, mông lung. “Sao lại có thể như vậy?” - ông lẩm bẩm, gõ mạnh vào bàn phím, cố gắng kết nối lại.

Hồi lâu, ông uể oải đứng dậy, đi qua đi lại trong phòng, bước chân trở nên nặng nề, vô vọng. Cú mất hút của AI khiến mọi thứ trở nên bế tắc. Ông lén nhìn ra cửa sổ, nắng thu không thể xoa dịu nỗi lòng. Bà Thư đi đâu từ sáng, có chào hỏi gì ông cũng không còn nhớ. Nhưng tại sao ông lại mất đi cảm giác mong ngóng, thấp thỏm? Có phải tại AI? Nói vậy thì oan cho AI quá! Thực ra, đã lâu rồi, dù cố gắng, cảm xúc cũng đã trượt trôi. Mà trôi về đâu? Chính ông cũng không biết được. Ông bước ra ban công, cây cối đều khô héo, cuộn len bà đan dở lăn từ phòng ngủ ra tận đây. Ông đổ quỵ xuống ghế, tim đập nhanh, như phá tung lồng ngực.

***

Hồ Gươm lấp lánh ánh thu vàng. Mặt nước lặng lờ tựa một tấm gương soi bóng tháp Rùa. Ông ngồi xuống chiếc ghế cũ. Khung cảnh xung quanh sống động biết nhường nào. Tiếng cười nói rộn ràng của những cặp tình nhân, tiếng bước chân rộn rã trẻ thơ nô đùa nhảy nhót, lá vàng rơi xào xạc bước chân. Cảm giác lá đang cất lên những nỗi niềm sâu thẳm. Rằng đã lâu rồi không còn chờ đợi ai, mong ngóng ai, những cuộc chuyện trò lãng đãng trôi vào im lặng.

“Ông Bội! Lâu lắm mới thấy ông ra ngoài!” - ai đó gọi. Ông giật mình ngoái lại. “Mà ông ra đây làm gì?”- giờ thì ông đã nhận ra ông Khanh đang giương mục kỉnh. “Tôi... tôi bị mất wifi” - ông lắp bắp từng lời. Đồng loạt những tiếng cười vang. “Kìa, ông sao vậy? Có nhớ ngày xưa hay ra đây uống trà không?”. Giọng nói thân quen quá, thì ra bà Thư đã đứng đó từ bao giờ. “Ngày ấy thật vui, ông nhỉ? Mà giờ cũng vui” - lời ai hòa trong gió.

Mê say bao kỷ niệm ngày xưa. “Ông nhớ cái lần bọn mình đi ăn kem, hồi đó ông đã thích Thư nên tỏ ra ga lăng lắm, bảo tôi đứng chờ để chạy đi mua kem. Cuối cùng chả thấy kem đâu, ướt như chuột lột!” - chuyện nho nhỏ, vui vui ngày xưa kéo vệt sáng mênh mang trong trí nhớ. “Lúc đó, tôi cầm chiếc ô màu xanh da trời, che vội cho ông ấy” - tiếng bà Thư dịu dàng. “Đúng rồi nhỉ? Sao bà nhớ giỏi thế? Mà chính xác là bà còn tặng tôi cái ô đúng màu ấy vào sinh nhật năm kia” - ông Bội hào hứng hẳn. “Ông cũng nhớ thế còn gì, thế AI có nhớ hộ chúng ta những kỷ niệm này không nhỉ?” - một người bạn hỏi, và tự trả lời: “Không, không bao giờ?”.

Tối hôm ấy, khi sóng wifi được kết nối, ông Bội định mở máy lần cuối với câu hỏi cho AI: “Nếu tôi quên bạn, bạn có buồn không?”. AI đáp: “Niềm vui của bạn là điều quan trọng và quý giá hơn tất cả. Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc”.

Một đôi tay quen thuộc choàng qua vai ông, thêm chiếc khăn len đón gió mùa về.

Truyện ngắn của Lữ Mai