Di sản

Đình Quán La

Quỳnh Ngọc 11/01/2025 14:19

Tọa lạc tại ngõ 38, phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội), đình Quán La (tên cổ là Quán Già La, quán Khai Nguyên, quán Chùa Hang) là một di tích cổ có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Đình là nơi thờ Huyền Nguyên Đại đế. Còn theo bản sắc phong được vua Tự Đức ban vào năm Kỷ Mão (1879), đình là nơi thờ bản cảnh Thành hoàng Linh Phù tuấn lương và Duệ Trang chi thần.

quan-la.jpg

Tọa lạc trên gò Thất Diệu, đình Quán La có kiến trúc đặc biệt gồm ba gian thờ dọc, hai gian tiền tế và một gian mật cung. Theo đó, các bộ phận kiến trúc của đình được bố trí theo chiều sâu, trong một khuôn viên gồm vườn, tam quan, sân. Từ sân bước lên 5 bậc là sân trước cửa đại đình, hai bên là hai con nghê mình rồng, rồi đến cửa dẫn vào đại đình.

Đình Quán La được xây theo hướng nam ghé tây, đầu đốc trở ra - một đặc điểm thường thấy trong các ngôi đình ở miền Nam và hiếm gặp ở miền Bắc. Trong tòa đại đình có đôi câu đối được viết theo lối khoa đẩu, tạo nên phong cách riêng.

Tiếp nối đại đình là hậu cung theo lối kiến trúc kiểu chuôi vồ. Chính giữa là bệ thờ đặt các đồ thờ tự cùng long ngai, bài vị thờ thành hoàng đặt trong một khám gian lớn. Sau hậu cung là một hang cổ được xây lại từ thời Lý, có tên là động Thông Thiền. Nhiều tài liệu cho rằng, đây là hầm luyện đan san của Đạo quán, lại có thuyết cho rằng đây là ngôi mộ táng thời Hán.

Ở bên ngoài, hai bên đình là dãy tả - hữu mạc có kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” được bào trơn đóng bén; các cột cái trốn chân, chỉ đứng trên xà đại bắc ngang lòng nhà. Liên kết giữa các gian có xà thượng, xà trung chạy dọc. Đây là nơi ngồi tế của các cụ ở hai giáp trong thôn.

Hiện trong đình còn lưu giữ 18 đạo sắc có niên đại: Thịnh Đức 1 (1653) đời Lê Thần Tông, Cảnh Trị 7 (1670) đời Lê Huyền Tôn, Đức Nguyên (1674) đời Lê Gia Tông, Vĩnh Thịnh 1 (1705) đời Lê Dụ Tông...

Đặc biệt, trong khuôn viên đình còn có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam như cây thị có đường kính 1,5m, mỗi năm chỉ ra 1 - 2 quả. Ngoài ra còn có cây đa cổ thụ từng là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp. Dưới gốc đa này, vào các năm 1958, 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, nói chuyện với nhân dân và cán bộ thôn Quán La Xã. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi đóng quân của các đơn vị bảo vệ Thủ đô.

Với những giá trị như trên, đình Quán La đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.

Quỳnh Ngọc