Xưa và nay

Mùa xuân Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Có một điều kỳ lạ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, rất nhiều lần kẻ thù bại trận ở Thăng Long buộc phải đầu hàng rút quân về nước đều diễn ra vào mùa xuân.

Không biết đó là sự ngẫu nhiên hay cha ông ta chọn mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi để “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”.

thang-long.jpg
Hoàng thành Thăng Long, dấu tích của các triều đại phong kiến gắn với lịch sử của kinh đô Thăng Long. Ảnh: Bảo Khánh

Kinh đô là đầu não quyền lực, kinh tế của mọi quốc gia quân chủ trên thế giới, vì thế khi bị xâm lược, kinh đô bao giờ cũng là cái đích cuối cùng của kẻ xâm lược. Chiếm được kinh đô là chiếm được quốc gia đó. Kinh đô Thăng Long cũng không phải là ngoại lệ.

Trong lần xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất của đế chế Mông Nguyên, chúng đã chiếm thành Thăng Long. Trước sức mạnh và sự hung bạo của kẻ thù, triều Trần ra lệnh cho quân và dân tạm rút khỏi kinh thành. Đây là lần đầu tiên, người dân Thăng Long sơ tán để triều đình thực hiện kế “thanh dã”. Quân giặc dễ dàng chiếm thành nhưng chỉ còn là tòa thành trống rỗng và chúng chỉ tìm thấy những tên sứ giả hỗn xược sang dụ dỗ, đe dọa buộc nhà Trần phải đầu hàng bị trói chặt bằng thừng tre. Chỉ đúng 11 ngày, quân Nguyên Mông buộc phải rút khỏi Thăng Long trong mùa xuân 1258. Đó là trận quyết chiến đầu tiên trên đất Thăng Long kể từ khi nước Đại Việt ra đời.

Trong lịch sử, một bài học được rút ra là khi nào triều chính rối loạn, nội bộ suy yếu và lòng dân bất an thì thường bị kẻ thù lợi dụng để xâm chiếm. Cuối năm 1406, vận mệnh của Đại Việt và Thăng Long bị giặc phương Bắc đe dọa khi Minh Thành Tổ đưa 80 vạn quân xâm lược nước ta. Quân Minh đã chọc thủng phòng tuyến của quân đội nhà Hồ ở Ba Vì tiến về thành. Ngày 21-1-1407, Thăng Long thất thủ. Và sau mấy tháng, lực lượng kháng chiến của nhà Hồ tan rã, những người cầm đầu bị giặc bắt khiến cuộc kháng chiến chống giặc Minh do nhà Hồ lãnh đạo thất bại. Chúng đổi tên thành Đông Đô thời nhà Hồ thành Đông Quan.

Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở ngoại vi nhưng phải chờ đến Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào thì tương quan địch - ta mới thay đổi. Đêm ngày 22-11-1426, Lê Lợi đích thân chỉ huy quân tiêu diệt lực lượng phòng vệ ngoại vi và doanh trại ngoài thành Đông Quan, sau đó áp sát vây hãm thành, uy hiếp và chặn đường giao thông, ngăn tiếp tế của địch từ bên ngoài vào thành. Bên cạnh vận động, thuyết phục thì chính Nguyễn Trãi cũng đã 5 lần vào thành trực tiếp thương lượng với Vương Thông. Lê Lợi cũng cho con trai là Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào trao đổi con tin với viên tướng này. Cuối cùng Vương Thông tuyệt vọng đã phải xin hàng và rút quân về nước.

Mùa xuân năm 1428, quân Lê Lợi đã giải phóng hoàn toàn thành Đông Quan. Bại tướng Vương Thông và lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi đã cùng uống máu ăn thề, Vương Thông cam kết rút quân về nước. Trên tinh thần “Lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh”, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cấp hàng trăm chiếc thuyền, hàng nghìn con ngựa và lương thực để 10 vạn quân Minh trong đó có 5 vạn đóng ở Đông Quan về nước.

Thời Lê, Thăng Long yên bình, nhưng đến đời vua Uy Mục (1505 - 1509), một vị vua chỉ lo ăn chơi và sự dốt nát của Tương Dực (1509 - 1516) đã khiến nông dân nổi dậy khởi nghĩa và triều Mạc ra đời vào năm 1527. Khi một lực lượng được tập hợp ở Thanh Hóa dựng lên triều Lê để chống lại triều Mạc thì chính quyền vua Lê - chúa Trịnh đã kéo dài từ năm 1592 đến năm 1786. Thăng Long trở lại trật tự sau hai lần quân Tây Sơn ra Thăng Long vào các năm 1787 và 1788.

Lê Chiêu Thống đớn hèn đã trốn khỏi Thăng Long sang cầu cứu nhà Thanh. Quân Tây Sơn lúc này đang đồn trú ở Thăng Long dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Văn Sở, hay tin đã quyết tâm “cho chúng ngủ một đêm rồi lại đuổi chúng đi”, sau đó cho rút quân khỏi thành. Tối ngày 16-12-1788, quân giặc bắt đầu vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long. Dưới ách chiếm đóng của quân Thanh, Thăng Long trải qua những ngày tháng đau thương và căm hận. Lê Chiêu Thống và bọn tay chân hiện nguyên hình là tên vua bán nước, ươn hèn, tàn nhẫn. Dân Thăng Long rỉ tai nhau: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay chưa có ông vua nào luồn cúi đê hèn đến như thế”.

Căm ghét quân giặc và bọn bán nước, dân kinh thành càng hướng về lá cờ cứu nước của Quang Trung Nguyễn Huệ. Sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn cùng lúc mở hai cuộc tiến công quyết định vào đồn Ngọc Hồi và Đống Đa tiêu diệt toàn bộ quân giặc ở 2 đồn này làm Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy. Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung cưỡi voi chiến với chiến bào sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng vào thành Thăng Long.

“Thăng Long phi chiến địa/ Thiên hạ vạn đại xương”. Thăng Long - Hà Nội không bao giờ muốn chiến tranh để người dân đời đời thái bình và hạnh phúc, nhưng nếu quân giặc cố tình xâm chiếm thì sẽ phải chuốc lấy thất bại. Và lịch sử 1.000 mùa xuân qua đã chứng minh điều đó.

Nguyễn Ngọc Tiến