Hà Nội văn

Tự tình cùng cây

Phong Điệp {Ngày xuất bản}

Có lẽ cơn bão số 3 năm 2024 - siêu bão Yagi, cùng với những địa danh như làng Nủ, thôn Nậm Tông (Lào Cai), cầu Phong Châu (Phú Thọ)... sẽ còn được nhắc nhớ trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt.

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Kim Ngân

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Định, một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, nên không xa lạ gì với mưa bão. Từ thơ bé đã quen cảnh nước ngập trắng đồng, cây cối thoi thóp trong bùn đất, lợn gà lóp ngóp vẫy vùng trong dòng nước xiết, vậy nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá khốc liệt của bão Yagi. Dù không thực sự am hiểu về các cấp độ bão cũng như các con số mang tính chuyên ngành, nhưng chưa khi nào tôi có cảm giác hoang mang khi đối diện với thiên tai như lần này. Những tấm mái tôn bị gió xé như tờ giấy. Mảng tường kính của tòa cao ốc vỡ tan như miếng bánh đa. Cả ngôi làng bị xóa sổ trong bùn đất... Dù chỉ “thăm viếng” trong thời gian không dài nhưng cơn bão đã gây tổn thất quá nặng nề.

Ngay sau khi bão Yagi quét qua Hà Nội bắt đầu suy yếu, tôi thận trọng đi ra phố. Gần như không nhận ra diện mạo khu đô thị nơi mình sinh sống. Hàng trăm cây xanh ngã gục, nằm la liệt dọc đường. Mùi nhựa cây tức tưởi ứa ra từ những thân cây vừa bị gãy đổ khiến tôi nghẹn ngào...

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, sau bão Yagi, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 100 nghìn cây xanh gãy đổ. Còn theo ước tính của một số chủ vườn tại Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ), có tới 30 - 40% diện tích đào, quất tại đây bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Khi đó đã vào trung tuần tháng 9, nghĩa là năm 2024 đã đi được 2/3 chặng đường. Thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu xuân này phố Hà Nội vắng sắc đào, quất?

Sau bão, cuộc sống dần trở lại guồng quay thường nhật. Người Hà Nội buộc phải quen với sự hao khuyết những bóng cây xanh thân thuộc. Cảm giác đi giữa phố trống trải có chút hẫng hụt. Vắng những tàng cây xanh, nắng xối rát mặt đường khiến mắt người cay xè. Tôi nhớ cây xà cừ ở ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du, cạnh hồ Thiền Quang. Hầu như ngày nào cũng đi qua ngã tư ấy, dừng xe chờ đèn đỏ dưới bóng xanh mát, nhưng vì vô tâm mà quên đi sự hiện diện của cây. Chỉ đến khi cây nằm xuống, để lại một khoảng trống vắng vô hình trên nền trời vời vợi xanh mới thảng thốt, giật mình...

Tôi tự hỏi, có bao nhiêu cây xanh ở Hà Nội đã bị tôi lãng quên như cách mà tôi quên cây xà cừ ấy? Và không khỏi tự thấy xấu hổ bởi sự vô tình của mình. Nhìn ở khía cạnh nào đó thì những cây xanh cũng giống như những chứng nhân đặc biệt trong đời sống này, đã chứng kiến những biến thiên, thăng trầm lịch sử, những buồn vui đời người. Xét ở góc độ nào đó, cây xanh làm nên hồn cốt, tinh thần của đô thị. Vậy nên những “chứng nhân” ấy cần được chúng ta ghi nhận và trân trọng.

Cuộc sống của tôi, ngẫm lại từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, chưa bao giờ vắng bóng cây xanh. Thuở nhỏ, đó là mảnh vườn bình yên của mẹ giúp tôi háo hức khám phá thế giới thiên nhiên xung quanh mình. Đến tuổi mộng mơ, tôi thích đạp xe dưới hàng phượng đỏ lửa, mắt nhìn lên những tán cây nắng lấp lánh như những ánh mắt cười tinh nghịch, để rồi gieo lên trời những khát khao thầm kín. Ngay cả khi gặp những biến cố bất ngờ trong cuộc đời, tôi cũng tìm đến cây mà thổn thức cho vơi bớt những nỗi niềm không dễ bày tỏ cùng ai.

Nhớ những ngày mới về Hà Nội học đại học, nhập vào môi trường mới không khỏi có cảm giác lạ lẫm và cô độc. Tôi thường đạp xe lang thang dưới hàng cây trầm mặc của những con phố chưa kịp thuộc tên, nhớ lối, miên man trong dòng cảm xúc vô định. Cây tỏa bóng xanh mát bao dung dọc cung đường tôi đi, mang lại cho tôi cảm giác bình yên. Đến sau này, khi đã dần thích nghi và trở thành một “hòn sỏi nhỏ trong lòng phố”, tôi vẫn thích nương mình vào cây. Tôi lưu lại những ngày cùng bầu bạn vui ngắm cơn mưa lá sấu rơi lao xao ở góc đường Phan Đình Phùng ngằn ngặt nắng. Hay những tối mùa đông giá lạnh, ngồi co ro dưới một gốc cây hít hà mùi khoai nướng trên than hồng khiến tôi có cảm giác yêu hơn chốn này.

Vào tiết xuân, dù không thích làn mưa bụi như kiểu cô nàng hay dỗi hờn, đỏng đảnh, nhưng vẫn phải thừa nhận đây là khoảng thời gian cho cây trỗi dậy sắc màu mới tươi non, tràn đầy sức sống. Trong tùy bút “Cây Hà Nội”, Nguyễn Tuân có liên tưởng rất thú vị: “Suốt một quãng giữa tháng Hai đến tháng Ba âm lịch này, tôi có cái cảm tưởng giời Thủ đô sáng hơn lên. Trăm thứ cây phố cứ luân phiên ra lá non. Hà Nội cứ như bật cả đèn phố giữa ban ngày, lắm hôm lộc cây vui mở như một ngày quốc khánh giăng đèn lồng phủ lượt, phủ sa, phủ the xanh cho đỡ chói”. Điều thú vị là dù bất kỳ thời đoạn lịch sử nào cây Hà Nội cũng trở thành nguồn cảm xúc dồi dào cho văn nghệ sĩ. Vậy mới có những du khách vì mê những vần thơ da diết “Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa...” mà lang thang hàng giờ trên đường Nguyễn Du để tìm một mùi hương hoài niệm.

Trải qua nhiều thập kỷ, cuộc sống của nhiều cư dân phố mặc nhiên gắn với cây như một cách cộng sinh vừa chan hòa, vừa thương mến. Ngày ngày tôi đi làm trên đoạn đường chưa đầy 8 cây số từ khu vực Bảo tàng Phòng không - Không quân lên Bờ Hồ, nhờ vậy đã trở nên gắn bó với hàng xôi khúc dưới gốc xà cừ trên đường Giải Phóng, đoạn gần Trường Đại học Bách Khoa, hay hàng cháo cà đậu xanh bên gốc phượng phố Tuệ Tĩnh, xe cà phê muối di động dưới gốc bằng lăng đường Lê Duẩn, hàng bánh mì pate dưới gốc cây phượng ở phố Lý Quốc Sư... Đầu giờ sáng, các “cư dân phố” hối hả dừng xe chừng dăm phút, chờ đến lượt rồi lại hối hả tỏa đi các hướng. Mẹ đưa con đi học, công chức đến văn phòng cho kịp giờ làm... Trưa hè đổ lửa, cây trên phố hóa thành chiếc ô khổng lồ tỏa bóng râm mát cho cánh xe ôm nghỉ ngơi chờ cuốc khách mới. Chiều muộn, các chị các mẹ tan làm ghé chợ tạm dưới gốc cây, mua nhanh nhúm hành mớ rau cho bữa cơm chiều đầm ấm bên gia đình. Các hàng cháo, miến, bún, phở rộn rã thơm lừng dưới những hàng cây đổ bóng sẫm mặt đường.

Người Hà Nội luôn có tinh thần lạc quan, không chịu khuất phục nghịch cảnh. Chỉ vài tháng sau bão Yagi đã có thêm nhiều cây xanh được trồng trên các tuyến phố. Dẫu khó có thể thay thế các cổ thụ bao năm thủy chung gắn bó với đời sống đô thị, nhưng những cây non rồi sẽ trưởng thành, sẽ vươn lên vững chãi, làm nên sắc màu, hồn cốt của phố. Và những ruộng đào ở Thủ đô từ cuối tháng 11 đã náo nhiệt với các công đoạn tuốt lá, “thay áo” cho đào. Những vườn quất đã căng trái, chờ một mùa Tết rộn ràng ấm no.

Có lúc tôi tự hỏi, nếu vắng bóng cây xanh, chúng ta biết nương vào đâu giữa phố thị ồn ào? Hà Nội, bởi vậy giữa rất nhiều điều để yêu thương, để nhớ nhung, tôi luôn dành một góc riêng để tự tình cùng cây.

Phong Điệp