"Nhịp đập" cà phê ngõ - phố Hà Nội
Phố cổ Hà Nội như một cơ thể “sống” mang trong mình nhịp vận động của dòng chảy tuần hoàn giữa quá khứ và hiện tại. Trong dòng chảy hối hả của thành phố, người ta vẫn bắt gặp đâu đó những không gian của quá khứ nhưng lại đánh thức những cảm hứng đời sống hôm nay, như những quán cà phê nằm trong ngõ - phố Hà Nội...
Tìm những quán cà phê “đi trốn”
Khi hai du khách người Đức Biggi và Flo đặt chân đến Hà Nội, họ đã tìm đến phố Đồng Xuân để thử một trải nghiệm mà những vị khách đi trước kháo nhau là địa điểm “phải đến”, đó là đi tìm quán cà phê Nắng (số 27 phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm). Mặc dù đã được “cảnh báo” trước, cùng với những chỉ dẫn cụ thể trên trang web nổi tiếng của cộng đồng du lịch quốc tế, nhưng hai du khách này cũng khá vất vả mới tìm được con ngõ số 27 nhỏ hẹp, bị che khuất bởi các sạp hàng bán đồ trang trí bày kín lối đi. Càng đi vào trong, nữ du khách Flo càng phấn khích vì không nghĩ rằng, việc đi tìm quán cà phê lần này lại giống một chuyến “thám hiểm” đến vậy.
Cuối cùng chuyến "thám hiểm" cũng kết thúc bằng cầu thang cổ dẫn lối lên tầng 2 - nơi có quán cà phê Nắng mở ra ban công, nhìn xuống ngã tư phố Đồng Xuân - Hàng Chiếu tấp nập, ồn ào. Và “phần thưởng” cho họ là những cốc cà phê trứng béo ngậy, thơm phức, nóng hôi hổi cùng những phút giây thư thái. Họ cũng tranh thủ “khoe” với bạn bè về trải nghiệm thú vị này trên mạng xã hội. Ngay lập tức, clip ghi lại “hành trình thám hiểm” của Biggi và Flo đã viral (lan truyền) khắp “cõi mạng” với hàng chục nghìn lượt like, share.
Có view (tầm nhìn) đắc địa nhìn thẳng xuống hồ Gươm, nhưng để lên được quán cà phê L’étage (9A Hàng Khay, quận Hoàn Kiếm), du khách cũng phải đi vào con ngõ nhỏ, theo cầu thang lên tầng 2. Quán được trang trí theo phong cách hoài cổ, ấm cúng với hệ thống đèn giả sợi đốt kiểu cổ điển, thả từ trần gỗ xuống. Cùng với đó là hệ thống đèn bàn, đèn rọi, đèn góc được thiết kế hợp lý, làm nổi bật bức tường gạch mộc, vách ngăn kiểu cổng vòm và những bình hoa lay ơn, violet được cắm theo phong cách đặc trưng của người Hà Nội thời bao cấp.
Không gian được ưa thích nhất của quán là ban công nhìn xuống hồ Gươm, phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng. Đây là điểm du khách lựa chọn đầu tiên bởi sự thoáng đãng, lãng mạn và trải nghiệm thú vị khi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa cảm nhận nhịp sống trôi qua. Theo chủ quán Nguyễn Đức Cường, gia đình anh vốn là người Hà Nội gốc và đã sinh sống tại căn nhà nhỏ này 3 - 4 thế hệ. 15 năm trước, gia đình anh chuyển đi nơi khác nên căn nhà này được các con cháu cùng chung tay mở L’étage cafe với mong muốn có thêm nguồn thu nhập, đồng thời như là cách để giới thiệu với du khách góc nhìn khác về Hà Nội. Nhờ view đắc địa, không gian ấm cúng cùng đồ uống ngon, L’etage cafe được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến dù chủ quán không quảng cáo.
Nằm trong con ngõ số 11 phố Hàng Gai luôn tấp nập từ sáng đến tối, quán cà phê Phố Cổ được nhiều du khách ví như “viên ngọc ẩn giấu”, bởi quán nằm sâu trong con ngõ hẹp chỉ vừa 1 người đi. Phải để ý và tinh mắt, du khách mới nhìn thấy tấm biển đề tên quán giữa một “rừng” biển hiệu của các hàng thời trang.
Đón du khách là căn nhà cổ có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Đồ đạc trong nhà vẫn dược các thế hệ gìn giữ cẩn thận với những bức hoành phi, câu đối, cửa võng, chóe, tượng, bộ bàn ghế khảm trai... có niên đại hàng thế kỷ. Nối căn nhà cổ với không gian quán cà phê bên trong là khoảng giếng trời rộng, nơi vẫn còn bụi trúc xanh mướt tỏa bóng che cả khoảng sân.
Cà phê Phố Cổ được mở năm 1998 với mục đích ban đầu chỉ là chỗ lui tới cho bạn bè của chủ quán. Nhưng dần dần, khách mỗi ngày một đông hơn, và phần lớn khách đến với quán hiện nay là người nước ngoài. Trên trang TripAdvisor, các vị khách đến từ nhiều nước thường để lại những bình luận tích cực về không gian cổ xưa, view nhìn xuống tháp Rùa từ tầng 4 và món cà phê trứng thơm ngon khó cưỡng.
Cũng nằm trên trục phố Hàng Gai - Hàng Bông, Đông Kinh Tea House and Coffee (số 142 phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) là một “viên ngọc ẩn giấu” khác của Hà Nội. Không gian cổ kính đậm chất Hà thành không chỉ được thể hiện ở lối kiến trúc kiểu nhà ở (tầng 1) và điện thờ (tầng 2) nằm trong con ngõ hẹp, mà còn toát lên những nét sang trọng, cầu kỳ của một gia đình tư sản hồi đầu thế kỷ XX. Khoảng sân trước nhà còn có một ngôi miếu thờ uy nghiêm, cổ kính nằm dưới bóng cây đại cổ thụ bất giác khiến lòng người lắng lại mà bỏ hết muộn phiền, bận rộn và những thanh âm ồn ào sau lưng. Tới đây, du khách sẽ được thưởng trà theo lối cổ.
Chủ quán Đỗ Thị Thanh Huyền mang vẻ đẹp dịu dàng, đài các của các thiếu nữ Hà Nội xưa, tự tay đặt chiếc ấm cổ bằng đồng lên chiếc lò nhỏ đặt giữa phòng, đợi nước sôi và pha trà, tráng ấm theo cách của người xưa. Trong không gian ấm áp được bày biện khéo léo với những đồ cổ và hiện đại, tiếng nhạc dìu dịu... du khách tự nhiên cũng “sống chậm” lại, nói khẽ hơn và cảm nhận rõ sự bình yên.
Chủ quán Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết, quán Đông Kinh Tea House and Coffee được hình thành không chỉ để giúp du khách có những phút giây “đi trốn”, tìm kiếm sự tĩnh lặng còn nhằm mang tới những hình dung về không gian sống cùng những nét văn hóa truyền thống của các gia đình khá giả ở Hà Nội xưa, đặc biệt là sự gắn kết giữa quá khứ và thực tại trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong khu vực phố cổ. “Đời sống tâm linh, tín ngưỡng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của người Hà Nội nhưng ít khi được nhắc tới. Việc trong ngõ có một ngôi miếu thờ thần linh không phải là hiếm hoi ở khu phố cổ Hà Nội. Nhưng trước áp lực đô thị hóa, những không gian truyền thống, độc đáo này cần được lưu giữ, bảo tồn để du khách, đặc biệt là khách nước ngoài có thêm cái nhìn đa chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội” - chị Huyền chia sẻ.
Mỗi không gian một câu chuyện về Hà Nội
Thực ra, quán cà phê trong các con ngõ ở Hà Nội đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, trong số đó có quán cà phê Đinh (13 Đinh Tiên Hoàng) với vị trí ban công “huyền thoại” nhìn ra hồ Gươm. Những tấm ảnh xưa cũ về quán cà phê Đinh xuất hiện không chỉ ở sách báo trong nước mà còn được rất nhiều du khách, nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài lưu lại. Sau này, quán cà phê Giảng nổi tiếng nằm trong ngõ 39 phố Nguyễn Hữu Huân cũng thu hút khách không kém. Một điểm chung dễ nhận thấy ở các quán cà phê này là dù nằm trong những con ngõ nhỏ khó tìm nhưng vẫn thu hút khách là nhờ thức uống cà phê trứng - đặc sản mang thương hiệu Hà Nội, thì một cách tự nhiên nhất, mỗi quán đều “đảm nhận” vai trò bảo tồn, gìn giữ kiến trúc cổ cũng như hồn cốt văn hóa của người Hà Nội. Đó chính là những giá trị cốt lõi mang lại sức hấp dẫn đồng thời tạo dựng thương hiệu cho các quán.
Một điều không thể phủ nhận, người Hà Nội luôn hoài cổ, tha thiết trong việc gìn giữ những giá trị xưa cũ nhưng cũng khá cởi mở trong việc tiếp nhận cái mới. Bằng chứng là, người dân đã rất sáng tạo khi, không có mặt bằng đẹp ở vỉa hè, họ đã mở các quán cà phê trong ngõ và tạo nên dấu ấn riêng. Hay việc tạo ra món cà phê trứng - sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa của phương Đông và phương Tây, để thức uống danh tiếng này nay đã nổi tiếng khắp thế giới và được định danh như là một “đặc sản” của Hà Nội.
Ngoài ra, các quán cà phê này còn có một điểm chung đặc biệt nữa là đều đi vào qua lối đi nhỏ hẹp để rồi vỡ òa cảm xúc với một không gian mở nhìn ra hồ Gươm - trái tim của Thủ đô hay khu phố cổ của Hà Nội, mang lại cho du khách những cảm nhận trọn vẹn nhất về nhịp đập của “trái tim” Hà Nội, nơi quá khứ và hiện tại đan xen đầy dấu ấn chồng lớp thời gian, không gian, không giống với bất cứ một Thủ đô nào khác trên thế giới.